Tiến sĩ Dương Hoa Xô, Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM cho rằng, việc áp dụng các phương pháp nhân giống truyền thống (tách chiết) với hệ số thấp, khó đáp ứng được nhu cầu sản xuất thì việc nghiên cứu xây dựng quy trình công nghệ nhân giống lan bằng phương pháp nuôi cấy mô, với hệ số nhân giống tăng gấp nhiều lần để tăng nhanh sản lượng cây giống là vấn đề đang được quan tâm hiện nay.
Ảnh minh họa
Các nhà khoa học còn cho rằng, Việt Nam chỉ có thể hy vọng cạnh tranh về giống nuôi cấy mô với các nước, riêng với hạt giống sẽ rất khó, lại mất nhiều thời gian, nhưng không phải cây nào cũng trồng từ hạt nên cần tạo điều kiện để lĩnh vực này có thể phát triển nhanh, giúp thay thế dần giống lan nuôi cấy mô nhập khẩu.
Tuy nhiên, sản xuất cây giống nuôi cấy mô, nhất là lan gặp nhiều khó khăn, không chỉ về quy trình, công nghệ mà cả những yếu tố ngoài như thuế, giá điện… Hiện nay, mỗi cơ sở nuôi cấy mô có trình độ khác nhau, không đồng đều và theo kiểu “đèn nhà ai nấy sáng”, không được ai công nhận, thiếu sự liên kết, hợp tác về khả năng quản lý phòng nuôi cấy mô, quy trình… Có ý kiến đề nghị, nhà nước có thể mua bản quyền của công ty cung cấp công nghệ nào tối ưu nhất, chuyển giao cho thanh niên học nghề. Ngay cả vấn đề về công nghệ hỗ trợ cho việc nuôi cấy mô như đèn led thay thế đèn chiếu sáng thông thường, giúp giảm thời gian và giá thành chưa có nhiều thông tin và chưa được cơ sở biết hay chú trọng.
Bà Nguyễn Thị Thanh Hương chủ Cơ sở Nuôi cấy mô Thanh Hương (Gò Vấp, TPHCM) cho biết, KNO3 vốn được xem như chất dinh dưỡng quan trọng trong quá trình sinh trưởng cây nuôi cấy mô, giúp cây phát triển hoàn chỉnh, cứng cáp, nhưng sau vụ nổ gây chết người, không liên quan đến việc nuôi cấy mô đã bị cấm nhập, chỉ có những doanh nghiệp quốc phòng mới được nhập khẩu. Điều này làm cho các cơ sở tìm mua trôi nổi bên ngoài nên chất lượng không được đảm bảo, chi phí lại tăng hơn. Các doanh nghiệp cho rằng, Sở NN-PTNT TP có thể làm đầu mối liên hệ hay giới thiệu những nơi có nguồn để cung cấp cho cơ sở cấy mô. Sản xuất cây giống nuôi cấy mô cần có điện cung cấp cho nồi hấp tiệt trùng, tủ cấy… giá điện chiếm tỷ lệ khá cao (khoảng 30%). Theo bà Nguyễn Thị Thanh Hương, giá điện kinh doanh rẻ hơn gấp đôi giá điện tiêu dùng, làm giảm chi phí đầu vào, hạ giá thành sản xuất, giúp tăng khả năng cạnh tranh với cây giống nuôi cấy mô nhập khẩu. Để được xếp vào diện sử dụng điện kinh doanh, ngành điện lực yêu cầu phải có giấy phép kinh doanh. Khi liên hệ với Phòng Kinh tế quận để xin cấp lại nhận câu trả lời, sản xuất nông nghiệp là lĩnh vực được nhà nước khuyến khích đầu tư, thuế suất bằng 0%, không cần cấp giấy phép kinh doanh! Đây là đánh đố cơ sở nuôi cấy mô thay vì được ưu đãi thật sự.
Đăng Lãm/ Báo SGGP
Không có nhận xét nào: