Vừa thu hoạch xong vụ mía 2014-2015, nông dân Nguyễn Quang Hợp đã chia sẻ với PV NNVN những trăn trở, suy nghĩ của người trồng mía.
Đây là vụ mía thứ ba ông Hợp canh tác hơn 1.300 ha mía ở xã Ninh Điền, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh, theo quy trình cơ giới hóa toàn bộ từ khâu trồng, chăm sóc đến thu hoạch.
Ông Nguyễn Quang Hợp đang kiểm tra mía giống của nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn tặng trước đây
Nếu 1 ha trồng thủ công cần ít nhất 30 công lao động, thì 1.300 ha phải sử dụng gần 4.000 công, thế nhưng ở đây ông chỉ cần có 70 công. Đây là con số rất có ý nghĩa trong lúc các vùng nông thôn Việt Nam đang khan hiếm lao động trẻ do vào làm việc các công ty, nhà máy, KCN.
"Năng suất mía trong điều kiện không tưới của tôi tăng dần qua 3 năm, cụ thể vụ 2012-2013 đạt 65 tấn; 2013-2014 đạt 68 tấn; 2014-2015 dự kiến đạt trên 71 tấn/ha. Nguyên nhân một phần là nhờ nghiên cứu ứng dụng công thức bón phân cho một số loại giống. Thời gian tới, tôi đang tính toán đầu tư hệ thống công trình thủy lợi thì năng suất mía có tưới đảm bảo đạt 100 tấn/ha và chữ đường đạt 10 CCS trở lên" - ông nói chắc nịch.
Giống mía rất quan trọng, ông quan tâm yếu tố này như thế nào?
- Các giống mía trong nước hầu hết đều cũ, không chỉ NS thấp mà chữ đường cũng thấp. Hiện tôi đang sử dụng các giống gồm KK3; KPS-0125; LK-9211; K93-219; K93-347; K95-84; K94-2483; Uthong 8 và Suphaburi 7.
Khuyến cáo của Viện Nghiên cứu mía đường là trong vụ mía 2014-2015 tại các tỉnh miền Đông Nam bộ nên trồng các giống VN84-4137; K88-200; K95-156; K93-219; K95-84; LK92-11. Nhưng trong "bộ giống" mía của ông lại không có các loại giống này?
- Tôi rất mê giống tốt, giống mới nhưng có ai nói đâu mà biết.
Xin chia sẻ thêm, vào tháng 8/2014, cố Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn lúc đó có đến thăm trang trại, cụ cho tôi 1 tấn hom mía giống. Sau đó tôi cử người ra Hà Nội nhận và mua thêm 3 tấn, vị chi là 4 tấn. Mang về Tây Ninh trồng được 1 ha mía sạch. Từ 1 ha giống này, tôi sẽ nhân được 6 ha, và từ đây sẽ nhân thêm 36 ha rồi tiếp tục theo lũy tiến. Bước đầu nhận thấy giống mía này phát triển tốt và có triển vọng. Nếu thành công tôi xin được đặt tên giống mía là "cụ Tạn".
Trồng mía cơ giới hóa như ông coi bộ tốn kém?
- Thuận lợi là đất đai liền vùng, liền thửa không manh mún nên dễ dàng cơ giới hóa. Tuy nhiên khi có máy móc thì lao động điều khiển máy cũng phải qua lớp đào tạo ngắn hạn, không hẳn anh là tài xế thì ngồi vào máy là bón phân, thu hoạch mía ngay được.
Cây mía được chặt gọn gàng sau khi thu hoạch bằng máy
Đến nay tôi đã đầu tư trên 20 tỷ đồng cho các loại máy móc để phục vụ trồng mía, cao tiền nhất là 2 máy thu hoạch mía, 1 cái 9 tỷ đồng, 1 cái 7 tỷ, cùng giàn máy kéo, chăm sóc như máy bón phân 3 hàng, máy tung phân, máy trồng..., chi phí ngót nghét 10 tỷ đồng. Một chiếc máy thu hoạch mía có thể thay thế 400-500 lao động thủ công.
Là người trồng mía thành công với số lượng lớn, lúc đưa mía bán cho nhà máy đường ông "sợ" điều gì?
- Trong nhiều cuộc họp giữa người trồng mía với nhà máy, điều tôi bức xúc nhất là việc "đo" chữ đường và tạp chất của các nhà máy đường (NMĐ), nó không minh bạch.
Cụ thể, vụ mía đường năm 2014, do cần phải hủy gốc 300 ha để trồng kịp thời vụ, tôi có đề nghị NM đường Bourbon nhưng NM không đồng ý với lý do đã "hợp đồng bao chữ đường". Trước tình thế này, buộc lòng tôi phải bán cho NM đường NIVL ở Bến Lức, Long An.
Năm nay tình hình bán mía càng thiệt hại hơn. Dẫn chứng, đầu vụ ra giá tối thiểu 770 ngàn/tấn, tháng 12/2014 giảm còn 750 ngàn, từ ngày 1/1/2015 đến ngày 15/2 (vào thời điểm trước tết) nông dân cần bán mía để mua sắm thì NM đường giảm còn 730 ngàn/tấn, đến sau tết thì nâng lên 815 ngàn/tấn nhưng lúc này mía không còn nhiều và cũng khô rồi.
Rõ ràng việc NM đường đưa ra giá mua mía là không căn cứ vào cơ sở nào hết, thời điểm mía thu hoạch rộ nhất, chúng tôi quen gọi giai đoạn "đông ken", tức vào thời điểm từ tháng 12 năm trước đến tháng 2 năm sau thì nhà máy có đến 2 lần giảm giá, trong khi giá đường trên thị trường không biến động.
Đa số người trồng mía thủ công đạt NS bình quân 65 tấn/ha, bán mía giá 750 ngàn đồng/tấn thu được 48 triệu, trả tiền công chặt 65 tấn x 170 ngàn/tấn là 11 triệu, còn lại 37 triệu đồng, trong khi giá thành 1 ha trồng mới là 40 triệu; mía gốc là 25 triệu. Rõ ràng trồng mía tơ là lỗ, còn mía gốc lời có 12 triệu trong suốt vụ 11 tháng. Đây là nguyên nhân khiến người trồng mía hiện đang phá mía trồng mì.
Điều này có nghĩa "nông dân và NM đường" đến nay vẫn chưa thể gặp nhau?
- Đúng vậy! Nhà máy đang chạy theo chữ đường, còn nông dân chạy theo NS. Ví dụ 1 ha mía thu 100 tấn, chữ đường 10 CCS được 10 tấn đường. Trong khi cũng 1 ha mía thu chỉ 80 tấn nhưng bán được 13 chữ đường thì sẽ cho 10,4 tấn đường. Nếu là tôi sẽ chọn NS mía 80 tấn/ha nhưng chăm sóc làm sao chữ đường cao, lúc đó sẽ bớt chi phí 20 tấn chặt, 20 tấn chở, trong khi tiền bán mía lại cao hơn.
Máy thu hoạch mía thay thế 400-500 lao động mỗi ngày
Ở tỉnh Tây Ninh thực tế hiện đang có 2 NM đường với tổng công suất rất lớn, đó là NM đường 9 ngàn tấn/ngày quen gọi Bourbon và NM đường 5 ngàn tấn/ngày của Biên Hòa mà thực chất của một chủ. Vì vậy nông dân không có cách lựa chọn nào khác để bán mía.
Từ đầu năm 2015, UBND tỉnh Tây Ninh cho phép thành lập "Hội người trồng mía" nhằm phát triển cây mía cũng như bảo vệ lợi ích của người trồng mía. Với tư cách là chủ tịch Hội, ông có nhận xét gì về tranh luận gần đây của một vị Thứ trưởng Bộ Công thương và Hiệp hội Mía đường (HHMĐ) về vấn đề "đổi mới ngành đường"?
- Tôi đồng ý hầu hết ý kiến của ông Thứ trưởng Bộ Công thương. Về HHMĐ thời gian qua, nói chung là chưa làm đúng vai trò chức năng của mình tức là làm sao để cho cây mía Việt Nam đủ điều kiện đứng vững và phát triển, mà phần lớn dựa vào chính sách bảo hộ của nhà nước không cho nhập đường, cấm đường lậu.
Thời gian ngắn nữa phải bỏ thuế nhập khẩu theo hiệp ước thương mại AFTA (Hiệp định Khu vực Thương mại Tự do ASEAN) cũng như hiệp định TPP (Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương) được ký kết thì ngành mía đường sẽ lập tức "chết" ngay trên sân nhà do không cạnh tranh được vì NS thấp, chi phí quá cao do hầu hết người trồng mía chưa cơ giới hóa tất cả các khâu.
Trong khi người nông dân cho rằng các NM đường đang "o ép" họ về chữ đường và tạp chất thì HMMĐ không đứng ra bảo vệ quyền lợi cho họ mà lại đứng ra bảo vệ các DN SX đường. Nếu làm như vậy thì theo tôi nên đổi tên HHMĐ thành "Hiệp hội nhà máy đường" thì hợp lý hơn.
Xin cảm ơn ông!
Đỗ Quyên/ nongnghiep.vn
Không có nhận xét nào: