» » Ngày thứ 2 thu mua tạm trữ gạo tại ĐBSCL: Giá lúa tăng ảo, giảm thật

Trái với quy luật thường niên và mong đợi của người dân, nhà quản lý, sau ngày quyết định thu mua tạm trữ 1 triệu tấn lương thực quy gạo vụ đông-xuân 2014 - 2015 có hiệu lực (1.3.2015), giá lúa tại nhiều địa phương ĐBSCL lại sụt thêm 100 - 200 đồng/kg và nếu có tăng cũng chỉ là “chiêu trò” của thương lái.

Thu mua lúa tạm trữ ở ĐBSCL. Giá lúa sụt khiến nông dân “chới với”, thua thiệt.

Giảm thật

Bước sang ngày thu mua thứ 2, không khí tiêu thụ lúa ở huyện Tân Hồng - một trong những “vựa lúa” của tỉnh Đồng Tháp - lại có phần “âm u” hơn trước khi giá lúa sụt so với thời điểm trước đó. Tại bến mua bán lúa khu vực Bắc Trang 1 (xã Tân Công Chí), nhiều nông dân không giấu được thất vọng trước diễn biến giảm của giá lúa. Ông Đặng Văn Dũng - chủ nhân của 30 công lúa giống OM 4900 (chất lượng cao) - cho biết: “Trước tết, cò lúa đến đặt cọc giá 4.750 đồng/kg lúa tươi để qua tết thu hoạch, nghĩ là giá lúa sẽ nhích lên khi lệnh mua tạm trữ có hiệu lực nên nông dân không nhận tiền cọc để chờ giá tăng thêm”. Tuy nhiên đến ngày 1.3, nhiều nông dân chới với khi giá mua nhanh chóng rớt 100 - 200 đồng/kg. “Biết là bị thiệt 3 - 5 triệu đồng, nhưng vẫn phải bấm bụng mà bán vì mang về thì lấy đâu ra chỗ để chứa, vựa” - ông Dũng buồn buồn.

Không chỉ có người dân trồng đại trà, mà ngay cả nông dân tham gia cánh đồng liên kết với DN cũng không tránh được vòng xoáy rớt giá. Một nông dân (xin giấu tên) vừa bán lúa cho Cty THHH MTV lương thực Tân Hồng cho biết: Giá lúa thơm (Jasmine) hiện giảm khoảng 200 đồng/kg so với thời điểm trước, xuống còn 5.800 đồng/kg. Xác nhận thông tin giá thu mua giảm do ảnh hưởng tình hình thị trường chung, Phó Trưởng phòng NNPTNT Tân Hồng Phan Thanh Xuân tỏ vẻ không hài lòng với thông tin giá lúa tăng trên tờ báo phát hành ngày 2.3. “Không biết lấy thông tin ở đâu, chớ ở đây giá lúa đang sụt thêm…” - cũng theo ông Xuân - lúa rớt giá sau mua tạm trữ không chỉ làm “choáng váng” nông dân mà còn gây bất ngờ cho cả cơ quan quản lý. Bởi lâu nay, trước ngày thu mua, giá lúa thường rục rịch tăng nhẹ. Điều đáng nói, đây không phải là trường hợp cá biệt. Tại An Giang, địa phương được phân bổ chỉ tiêu cao nhất - với 251.453 tấn gạo - cũng đang diễn ra tình trạng giá lúa vẫn ỳ ạch ở mức 4.300 đồng/kg (chất lượng thấp). “Với giá này, theo cách tính giá thành của Bộ Tài chính, nông dân chỉ huề vốn và thậm chí thiệt hại trên 10 triệu đồng/ha/vụ nếu nông dân không trồng lúa mà cho người khác thuê lại” - ông Xuân chia sẻ.

Chỉ vài ngày nữa Tân Hồng (Đồng Tháp) kết thúc thu hoạch, vì vậy nếu giá lúa tăng, họ cũng khó được hưởng... thật.  

“Chiêu trò” của thương lái

“Hiện giá thu mua tại một số nơi có vẻ tăng thêm so thời điểm trước thu mua tạm trữ, nhưng thực chất bên trong gần như không tăng gì thêm” - chủ Nhà máy Đại Thành 4 (thị xã Tân Châu, An Giang) Nguyễn Văn Út chia sẻ thêm: “Một số lái đặt cọc mua lúa IR 50404 với giá 4.500 - 4.550 đồng/kg. Vì vậy, nếu nhìn bên ngoài, có vẻ giá này tăng thêm 200 - 250 đồng/kg so trước đó, nhưng thực chất đây chỉ là “chiêu trò” cạnh tranh của các thương lái”. Theo lời ông Út, mức giá này chỉ được áp dụng khi nông dân đồng ý bán lúa 100 ngày tuổi. Tức kéo dài thời gian thu hoạch hơn các đám ruộng bình thường (90 ngày). Với thời tiết nắng - nóng như hiện nay, thời gian này đủ kéo ẩm độ trong hạt lúa xuống còn 19 độ, thấp hơn so với lúa thu hoạch theo tiến độ bình thường (24 - 25 độ). Vì vậy, giá lái thu mua có tăng, nhưng thực chất nông dân không được hưởng lợi thêm, đó chỉ tăng “ảo”.

Trước diễn biến bất thường này, có không ít lý giải về nguyên nhân của việc giá lúa giảm trái quy luật. Nhưng sau nhiều lý giải, sự thật phũ phàng nằm ở chỗ các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu vẫn chưa “sẵn sàng”. Ông Nguyễn Văn Út bật mí: “Hiện các DN chế biến xuất khẩu mua vào với giá 6.300 - 6.350 đồng/kg (gạo thô), tức tương ứng với giá lúa 4.300 - 4.350 đồng/kg lúa tươi”. Dù rất tin tưởng và kỳ vọng giá lúa sẽ tăng thật trong thời gian tới khi các DN vào cuộc quyết liệt, nhưng theo ông Xuân, nếu điều đó xảy ra, nông dân Tân Hồng cũng khó được hưởng… thật vì hiện nay huyện đang thu hoạch trên 75% diện tích và sẽ kết thúc trong vài ngày tới.

Đến đây, xin mượn lại lời Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Văn Dương từng góp ý về quy chế thu mua tạm trữ thóc, gạo để kết thúc bài viết này và xem như thông điệp để các nhà chức trách “đổi mới” trong thời gian tới: “Do mỗi tỉnh có lịch thời vụ, thu hoạch khác nhau nên đề nghị cho phép từng địa phương quyết định thời gian mua tạm trữ. Tỉnh nào thu hoạch thì tiến hành mua, khi đó nông dân mới được hưởng lợi”.

Lục Tùng/ Báo Lao Động

Về Tin tức nông nghiệp

Chuyên tin tức nông nghiệp, chỉ tin tức nông nghiệp. tintucnongnghiep.com là một blog chia sẻ tin tức nông nghiệp Việt Nam và thế giới theo tiêu chí kết nối, chia sẻ và phi lợi nhuận.
«
Trước
Bài đăng Mới hơn
»
Sau
Bài đăng Cũ hơn

Không có nhận xét nào:

Chia sẻ của bạn về bài viết này: