» » » Lại một mùa sản xuất kém hiệu quả

Nông dân An Giang đang bước vào thu hoạch rộ vụ đông xuân 2014 – 2015. Mặc dù Chính phủ đã có giải pháp can thiệp thị trường bằng hình thức thu mua tạm trữ nhưng giá lúa tại các địa phương vẫn tăng không đáng kể. Nông dân không vui vì phải tiếp tục khởi đầu một năm sản xuất kém hiệu quả.

Năm 2014 - 2015, chỉ có 65.982 héc-ta lúa thực hiện theo mô hình liên kết sản xuất. Ảnh: Minh Hiển

Còn nhiều trung gian

Gia đình ông Đặng Văn Nê (xã Tân Lập, Tịnh Biên) canh tác 10 công đất. Dù nhà chỉ có 4 nhân khẩu nhưng gần 10 năm qua, cuộc sống luôn phải chịu cảnh đắp đổi qua ngày. “Làm sao có dư được vì năm nào lúa trúng mùa thì rớt giá” – ông Nê tâm sự.

Vụ đông xuân 2014 – 2015, trên mảnh ruộng của mình, ông xuống giống lúa OM 6976. Thời tiết thuận lợi, ruộng nhà ông cho năng suất 800 kg/công, bán được giá 4.450 đồng/kg (lúa tươi). Do chi phí sản xuất cao, bình quân 2,5 triệu đồng/công, nên sau khi thu hoạch, ông chỉ còn lãi mỗi công hơn 1 triệu đồng. “Vật tư mua tại các cửa hàng bán lẻ trong xã nên giá rất đắt. Từng khâu trong quá trình sản xuất đều tốn chi phí cho “cò” như khâu làm đất, máy cắt, tiêu thụ sản phẩm… Phụ thuộc vào “cò” nên luôn bị ép giá. Ngoài quá nhiều tầng nấc trung gian, mỗi khi đến vụ thu hoạch thì giá lúa luôn ở mức thấp, vì vậy sản xuất kém hiệu quả” – ông Nê chia sẻ. Tổng kết vụ đông xuân năm nay, 1 héc-ta lúa của gia đình ông chỉ lãi được 10,6 triệu đồng, trong khi 4 nhân khẩu chi tiêu hết 4 triệu đồng/tháng. Số tiền chi tiêu trong 1 vụ sản xuất lúa là 12 triệu đồng, cao hơn tiền lãi sau 3 tháng ròng rã trên đồng. Đây là một thực tế mà hàng chục ngàn hộ nông dân trên địa bàn tỉnh đang đối mặt.

Tạm trữ - hiệu quả chưa như mong đợi

“Đến vụ thu hoạch, nông dân luôn kỳ vọng vào chương trình tạm trữ lúa gạo của Chính phủ, mong lúa có giá để gỡ lại chi phí. Song, đến vụ thu hoạch thì đâu cũng vào đấy” – ông Trần Văn Thời (xã Long An, TX. Tân Châu) nói.

Đến nay, chương trình tạm trữ 1 triệu tấn quy gạo đã được triển khai rộng khắp. Tại An Giang, các doanh nghiệp (DN) đã đựợc ngân hàng giải ngân 460 tỷ đồng, thực hiện mua tạm trữ đạt 25,2% chỉ tiêu (63.400 tấn/ 251.433 tấn). Kỳ vọng của Chính phủ khi triển khai chương trình là giá lúa hàng hóa trên thị trường sẽ tăng thêm ít nhất 200 - 300 đồng/kg. Song, thực tế trong 4 ngày qua, giá lúa trên địa bàn có khuynh hướng sụt trở lại. “Nhiều DN được cấp chỉ tiêu thu mua tạm trữ không có tiền để mua lúa. Nguyên nhân do hạn mức tín dụng không được ngân hàng xét cấp nâng lên” – ông Phạm Hoàng Lâm, Giám đốc Công ty Cổ phần Hưng Lâm, cho biết.

Đến thời điểm này, vốn vẫn là vấn đề mấu chốt của việc mua lúa tạm trữ. Đại diện Ngân hàng Nhà nước chi nhánh An Giang cho biết, trong quá trình xét cấp chỉ tiêu thu mua tạm trữ, các đơn vị được giao nhiệm vụ không kiểm tra đầu vào của DN, xem có đủ điều kiện để ngân hàng cho vay hay không. Vì vậy, một số DN trên địa tỉnh tuy được phân chỉ tiêu mua tạm trữ nhưng ngân hàng không thể giải ngân được vì không đủ điều kiện cho vay. Trong khi cơ chế cho vay tạm trữ lúa, gạo lần này là cơ chế cho vay thông thường, điều đó có nghĩa là DN phải có tài sản thế chấp, Chính phủ chỉ hỗ trợ lãi suất trong thời hạn tạm trữ.

Trước thực tế này, các đơn vị được giao nhiệm vụ cần sớm điều chỉnh chỉ tiêu thu mua tạm trữ từ các DN không đủ điều kiện sang DN có đủ điều kiện để đẩy mạnh quá trình thu mua trong những ngày tới. Bên cạnh đó, để mức lãi của nông dân đạt ít nhất 30% sau mỗi mùa vụ sản xuất, ngoài việc cắt bỏ các tầng nấc trung gian trong quá trình sản xuất thông qua mô hình kinh tế hợp tác, Nhà nước cần quy hoạch lại diện tích đất sản xuất lúa để sản lượng hàng năm không quá dư thừa, làm cho giá lúa luôn ở mức thấp như thời gian qua.

“Trong khi chờ những giải pháp mang tính căn cơ của Trung ương cho chương trình sản xuất lúa của quốc gia, trước mắt, Liên minh Hợp tác xã (HTX) An Giang kêu gọi nông dân trong toàn tỉnh hãy đi vào con đường làm ăn hợp tác thông qua mô hình HTX. Ở đó, chúng ta tổ chức sản xuất theo mô hình “Cánh đồng lớn”, nông dân lẫn DN đều có lợi. Nông dân được DN cung cấp giống, HTX sẽ kết hợp với các nhà máy phân bón cung ứng vật tư với giá tốt nhất, giúp cắt bỏ được nhiều tầng nấc trung gian không cần thiết trong quá trình sản xuất, làm cho giá thành sản xuất cạnh tranh hơn” - ông Lê Thành Lập, Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh An Giang, kêu gọi.

Minh Hiển/ Báo An Giang

Về Tin tức nông nghiệp

Chuyên tin tức nông nghiệp, chỉ tin tức nông nghiệp. tintucnongnghiep.com là một blog chia sẻ tin tức nông nghiệp Việt Nam và thế giới theo tiêu chí kết nối, chia sẻ và phi lợi nhuận.
«
Trước
Bài đăng Mới hơn
»
Sau
Bài đăng Cũ hơn

Không có nhận xét nào:

Chia sẻ của bạn về bài viết này: