» » » Họp khẩn về các biện pháp tháo gỡ khó khăn xuất khẩu nông sản

Kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản 3 tháng đầu năm giảm 13,2% và tốc độ tăng trưởng của ngành lùi về con số 2,14% thay vì mức 2,68% của cùng kỳ năm ngoái. Đây được coi là con số giảm “bất thường” và nguyên nhân chủ yếu được cho là liên quan tới sự sụt giảm giá trị đồng tiền của các thị trường nhập khẩu nông sản chính của Việt Nam.

Ảnh minh họa

Đây là nội dung trong buổi họp khẩn về các biện pháp tháo gỡ khó khăn xuất khẩu nông sản diễn ra chiều ngày 30-3 với 15 Hiệp hội và doanh nghiệp nông nghiệp hàng đầu tại trụ sở Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NNPTNT).

Giảm bất thường

Mở đầu buổi họp, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát trích dẫn con số thống kê mới nhất của ngành nông nghiệp; theo đó kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản 3 tháng đầu năm ước đạt 6,13 tỉ đô la Mỹ, giảm 13,2% so với cùng kỳ năm ngoái; riêng giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính đạt 2,92 tỉ đô la Mỹ, giảm hơn 15%. Nhưng giảm mạnh nhất phải kể đến các mặt hàng thủy sản, giá trị xuất khẩu thủy sản ước đạt 1,27 tỉ đô la Mỹ, giảm 20,6%.

“Tốc độ tăng trưởng của toàn ngành trong quí 1 đã lùi về mức 2,14% thay vì con số 2,68% của cùng kỳ năm ngoái. Vì vậy, tháo gỡ khó khăn là nhiệm vụ khẩn cấp của ngành nông nghiệp” – Bộ trưởng Phát nói.

Tại buổi họp, ông Nguyễn Tôn Quyền, Tổng thư ký Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam (Vifores) cho hay, những năm trước, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu ngành gỗ tương đối mạnh nhưng quí 1 vừa rồi, kim ngạch đã giảm 6% so với cùng kỳ năm trước.

Nguyên nhân theo ông Quyền là do sự giảm mạnh về nhu cầu nhập khẩu gỗ ngoài trời (outdoor furniture) của thị trường EU. Khủng hoảng kinh tế đã khiến cho nhu cầu nhập khẩu những mặt hàng thượng lưu này giảm mạnh ở một số thị trường như Pháp (giảm 27%), Hà Lan (33%) và Anh (5%).

Bên cạnh đó, theo ông Quyền, đồng euro giảm giá thê thảm cũng khiến các doanh nghiệp khó tìm được đơn hàng mới. Đồng thời, với nhiều đơn hàng cũ các doanh nghiệp ký từ tháng 4-2014 nhưng tới nay, nhiều doanh nghiệp gỗ rất đắn đo không biết với mức giá đó phải làm như thế nào để đỡ lỗ chứ không nói là hòa vốn.

Ngoài ngành gỗ, ngành cà phê có mức giảm “thảm hại” khi kim ngạch xuất khẩu 3 tháng đầu năm đạt 734 triệu đô la Mỹ, giảm gần 40% so với cùng kỳ năm trước. Đại diện Hiệp hội cà phê và ca cao Việt Nam cho hay, sản xuất cà phê đang phải đối diện với một loạt khó khăn. Hiện hạn hán đang khiến sản lượng cà phê niên vụ này có thể giảm 20%. Nhưng mất mùa trong điều kiện giá cà phê giảm mạnh từ đầu năm tới nay khiến sự đầu tư của người nông dân vào khắc phục hạn hán càng khó khăn hơn.

Bên cạnh đó, năm ngoái dự báo thị trường giá cà phê sẽ tăng khiến nông dân tích hàng, tới nay đã được khoảng 400.000 tấn, nhưng giá xuất khẩu lại đi ngược hoàn toàn với dự báo. Trong khi đó, giá trị đồng tiền của châu Âu, nơi chiếm gầm 40% thị phần xuất khẩu cà phê và của Brazil, đối thủ cạnh tranh của ngành cà phê, lại đang giảm giá mạnh. Chính vì vậy, cà phê Việt Nam lại trở nên đắt hơn và việc xuất khẩu cũng khó khăn hơn.

Ở ngành thủy sản, theo ông Nguyễn Hoài Nam – Phó Tổng thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản (Vasep), từ tháng 10-2014, kim ngạch xuất khẩu thủy sản có dấu hiệu giảm và kéo dài cho tới hết quí 1 này.

Ước tính của Bộ NNPTNT cho thấy, tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 1,27 triệu đô la Mỹ, giảm 20,6% so với cùng kỳ năm 2014. “Đây là mức giảm mạnh nhất trong 5 năm trở lại đây. Trong đó, thị trường Mỹ giảm gần 44%, châu Âu và Nhật Bản giảm lần lượt 11%15%” – ông Nam nói.

Ngoài tác động của biện pháp chống bán phá giá tại Hoa Kỳ, theo ông Nam, còn có tác động của các đồng tiền như euro và đồng yên Nhật giảm giá, trong khi, tỷ giá của các nước đối thủ như Thái Lan, Ấn Độ, Indonesia lại thả nổi nên thủy sản Việt Nam không cạnh tranh được.

Cũng liên quan tới câu chuyện tỷ giá, ông Nguyễn Hữu Tài, Chủ tịch Hiệp hội chè Việt Nam cho hay, mặc dù kim ngạch xuất khẩu chè giảm không nhiều, đạt 38 triệu đô la Mỹ trong quí 1, giảm 2,2% so với cùng kỳ, nhưng giá trị đồng tiền của thị trường Nga, một trong những thị trường lớn của ngành chè, đã giảm nghiêm trọng khiến các đối tác Nga gặp rất nhiều khó khăn trong khâu tiêu thụ và thanh toán.

Ở mặt hàng rau quả, đại diện Hiệp hội rau quả Việt Nam cho hay, hiện nay ở phía Bắc còn tồn vài trăm container dưa chuột do các doanh nghiệp Nga không có khả năng thanh toán và rau quả gần như tắc ở thị trường này.

Liệu có thể điều chỉnh tỉ giá?

Ông Nguyễn Tôn Quyền của Vifores cho hay, các doanh nghiệp đã tiết giảm mọi chi phí để có thể trụ lại ở thị trường EU, tuy nhiên, chính sách tỷ giá thì ngoài tầm kiểm soát của doanh nghiệp. Ông đề nghị Bộ NNPTNT hỗ trợ về tỷ giá. Ví dụ như hiện nay có chính sách bảo hiểm tín dụng xuất khẩu nên cần phải phát huy sớm để doanh nghiệp yên tâm xuất khẩu.

Về phía Vasep, ông Nguyễn Hoài Nam cho hay, so với các đối thủ đồng tiền của chúng ta không được thả nổi nên sẽ gây bất lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu trong nước. Tuy nhiên, xét về yếu tố vĩ mô thì không thể thả nổi được do ảnh hưởng tới nợ công và nhiều ngành hàng khác. Vì vậy trong bối cảnh không thể giảm giá trị đồng nội tệ thì Vasep đề nghị được hỗ trợ giảm lãi suất ngắn hạn, hiện nay khoảng 7-8% xuống còn 5% để có điều kiện xuất khẩu.

Để trả lời những thắc mắc của doanh nghiệp nông nghiệp, ông Võ Minh Tuấn, đại diện Vụ Tín dụng các ngành kinh tế của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho hay, cho vay trong nông nghiệp là một trong lĩnh vực ưu tiên của NHNN và được triển khai từ năm 2014. NHNN cũng điều hành lãi suất giảm liên tục 10 lần trong 30 tháng, để giảm trần lãi suất huy động 6 tháng xuống 5,5%, tạo điều kiện áp trần lãi suất cho vay trong lĩnh vực nông nghiệp là 7%. Đối với khách hàng tốt, uy tín thì có thể chỉ là 5,5%.

“Như vậy, với mức lãi suất này và với điều kiện kinh tế vĩ mô của Việt Nam thì hoàn toàn có thể chấp nhận được. Nếu doanh nghiệp có uy tín với ngân hàng cũng như có dự án khả thi thì có thể vay vốn với mức thấp hơn” – ông Tuấn nói.

Về tỷ giá, theo ông Tuấn, đây là công cụ chính sách để điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ và NHNN, về cơ bản phụ thuộc vào ba yếu tố: cán cân vãng lai, cán cân vốn và định hướng điều hành quốc gia.

Vụ chính sách tiền tệ và Vụ quản lý ngoại hối của NHNN bám sát diễn biến tỷ giá. Năm 2014, NHNN dự kiến điều chỉnh biên độ tỉ giá là 2% nhưng cuối cùng chỉ điều chỉnh 1% vì diễn biến thị trường cho phép không cần phải điều chỉnh. “Tuy nhiên, ngay tháng 1 năm 2015 chúng tôi nhận định thị trường và điều chỉnh 1% nữa và có thể điều chỉnh thêm 1% nữa tùy thuộc vào điều kiện thị trường” – ông Tuấn nói.

Thùy Dung/ thesaigontimes.vn

Về Tin tức nông nghiệp

Chuyên tin tức nông nghiệp, chỉ tin tức nông nghiệp. tintucnongnghiep.com là một blog chia sẻ tin tức nông nghiệp Việt Nam và thế giới theo tiêu chí kết nối, chia sẻ và phi lợi nhuận.
«
Trước
Bài đăng Mới hơn
»
Sau
Bài đăng Cũ hơn

Không có nhận xét nào:

Chia sẻ của bạn về bài viết này: