Đến thời điểm này, nông dân trong tỉnh đã thu hoạch gần 40.000/80.000ha lúa Đông xuân, chiếm xấp xỉ 50% diện tích gieo sạ, năng suất bình quân hơn 7,6 tấn/ha, cao hơn 300-400kg/ha so với năm rồi. Đây là năm Hậu Giang có năng suất lúa cao nhất từ trước đến nay. Với năng suất này, ước tính tổng sản lượng lúa sẽ đạt trên 607.000 tấn. Nếu chỉ tính 2/3 sản lượng là lúa hàng hóa thì Hậu Giang sẽ có trên 400.000 tấn lúa cần bán ra thị trường ở vụ Đông xuân này.
Ảnh minh họa
Mặc dù trúng mùa nhưng hiện nay nông dân vẫn không vui bởi giá lúa thấp và khó bán vì rất ít thương lái đến mua. Điệp khúc “được mùa mất giá” lại tái diễn. Hiện nay, thương lái mua lúa từ 4.000 - 4.300 đồng/kg tùy vào chất lượng lúa và giống. Ở những địa phương vùng sâu khó khăn trong vận chuyển như: xã Lương Nghĩa, Lương Tâm, Vĩnh Viễn, Vĩnh Viễn A (huyện Long Mỹ), giá lúa chỉ dao động từ 3.800 - 4.000 đồng/kg nhưng rất ít thương lái đến mua.
Thực hiện chủ trương mua tạm trữ của Chính phủ, Hậu Giang được phân bổ thu mua 20.000 tấn gạo, tương đương 40.000 tấn lúa cho 5 doanh nghiệp (2 doanh nghiệp trong tỉnh, 3 doanh nghiệp ngoài tỉnh). Mặc dù các doanh nghiệp đã và đang tiến hành mua lúa tạm trữ nhưng giá lúa cũng chưa mấy cải thiện. Bởi lẽ, ngoài yếu tố chậm trễ triển khai của các doanh nghiệp, lượng lúa hàng hóa trong vụ Đông xuân này quá lớn so với hạn mức phân bổ mua tạm trữ. Theo ngành chức năng, nếu mua đủ 20.000 tấn gạo (tương đương 40.000 tấn lúa) thì chỉ mới tiêu thụ xấp xỉ 10% lượng lúa hàng hóa của tỉnh. Chính yếu tố cung vượt cầu ở thời điểm hiện nay đã làm cho giá lúa thấp, lúa hàng hóa trong dân bị ế ẩm khó tiêu thụ.
Mặt khác, sức ép từ nợ tiền phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, ngân hàng đến tiền bơm tưới, tiền công gặt đập… đã tạo áp lực lớn trong nông dân nên nhiều người đành phải bán lúa chấp nhận lợi nhuận thấp. Việc này đồng nghĩa với nông dân chịu tác động kép khi “lúa ế”.
Để giải quyết hiện trạng “được mùa mất giá” trên, một số nông dân có điều kiện đã phơi lúa trữ lại tại nhà chờ giá. Tuy nhiên, giải pháp này cũng ẩn chứa nhiều rủi ro. Bởi lẽ muốn tạm trữ tại nhà, nông dân phải có nhà kho và đầu tư mua sắm dụng cụ và phải tốn thêm chi phí không nhỏ. Sau đó, nếu gặp thuận lợi, giá có tăng thì nông dân có lời khi bán ra nhưng nếu ngược lại, nông dân lại phải thêm một lần nữa gánh chịu thiệt thòi. Điều này đồng nghĩa với việc nông dân phải làm nhà kinh doanh bất đắc dĩ chấp nhận may rủi của thị trường.
Theo ngành nông nghiệp tỉnh, để đối phó với điệp khúc “được mùa mất giá”, hạn chế thiệt hại do biến động của giá cả thị trường, nông dân cần liên kết sản xuất. Điều này sẽ giảm bớt chi phí đầu vào như: bơm tưới tập thể, gieo sạ cùng lúc, chủ động phun xịt thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, chi phí thu hoạch và tăng hiệu quả đầu ra như: hợp đồng thu hoạch, hợp đồng tiêu thụ lúa với sản lượng lớn sẽ hạn chế một phần bị ép giá. Làm được việc này, sẽ góp phần giảm bớt rủi ro, tăng lợi nhuận trong sản xuất.
Về lâu dài, ngành chức năng cần có chính sách vĩ mô trong bao tiêu lúa hàng hóa để nông dân chủ động sản xuất đảm bảo lợi nhuận 30% theo chủ trương của Chính phủ. Có như vậy, sản xuất nông nghiệp mới hy vọng phát triển theo hướng bền vững, nông dân thật sự an tâm sản xuất.
H.N/ Báo Hậu Giang
Không có nhận xét nào: