» » Giải 'bài toán' xuất khẩu nhóm hàng nông sản (Kỳ III)

Trong bối cảnh thị trường xuất khẩu còn nhiều khó khăn, thị trường trong nước với trên 90 triệu dân thực sự là “miếng bánh” lớn nếu DN biết tận dụng.

Kỳ III: Coi trọng thị trường nội địa

Quả vải thiều đã bắt đầu tiêu thụ khả quan tại thị trường nội địa - Ảnh: Ngọc Quang

Năm 2014, việc đưa quả vải thiều vào hệ thống phân phối trong nước đã đem lại những kết quả tích cực. Bộ Công Thương đóng vai trò chủ đạo như thế nào trong tổng thể cách thức được đánh giá cao như trên, thưa Thứ trưởng?

- Trong mùa vụ năm 2014, tổng sản lượng vải thiều cả nước là 242 nghìn tấn, tăng 27,3% so với năm 2013. Song song với việc tạo điều kiện thuận lợi cho DN trong hoạt động xuất khẩu, đồng thời tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu mới cho mặt hàng quả vải, năm 2014, công tác đẩy mạnh tiêu thụ tại thị trường nội địa đã được Bộ Công Thương quan tâm và chú trọng thực hiện nhằm giảm bớt áp lực cho công tác xuất khẩu. Ngay từ đầu mùa vụ, Bộ Công Thương đã phối hợp triển khai nhiều hoạt động kết nối cung cầu, gắn kết việc tạo nguồn hàng ổn định thông qua các chương trình lớn của Chính phủ, của Bộ để thúc đẩy sản xuất trong nước phát triển theo quy mô lớn nhằm đem lại lợi ích cho người sản xuất và người tiêu dùng. Bên cạnh đó, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND TP. Hồ Chí Minh, UBND các tỉnh Bắc Giang, Hải Dương tổ chức “Hội nghị vùng Đông - Tây Nam bộ về việc tiếp tục đẩy mạnh tiêu thụ vải thiều năm 2014 và những năm tiếp theo”.

Hội nghị nêu trên đã phát huy hiệu quả rõ rệt. Khối lượng tiêu thụ quả vải thời điểm mùa thu hoạch năm 2014 tại 3 chợ đầu mối của TP. Hồ Chí Minh là chợ Bình Điền, chợ Hóc Môn và chợ Thủ Đức đã tăng gấp đôi, từ 700 tấn/ngày lên đến hơn 1.300 tấn/ngày. Chợ đầu mối Thủ Đức cũng đã ký kết được hợp đồng thu mua quả vải trị giá 100 triệu đồng. Các hệ thống siêu thị như Co-op Mart, Intimex, Ocean Mart, Big C, Lotte… đã đưa quả vải vào bán tại chuỗi phân phối của hệ thống, đưa ra nhiều hình thức khuyến mại hấp dẫn để kích thích tiêu dùng của người dân trong nước. Như vậy, với sự chủ động của Bộ Công Thương và các bộ, ngành liên quan cũng như các địa phương và doanh nghiệp, công tác tiêu thụ quả vải tại thị trường nội địa trong mùa vụ 2014 đã đạt được nhiều hiệu quả tích cực, góp phần giảm áp lực cho xuất khẩu.

Trong bối cảnh xuất khẩu nông, lâm, thủy sản liên tục gặp khó, thị trường trong nước thực sự là mảng thị trường lớn, cần được khai thác mạnh hơn nữa. Thứ trưởng nhận định như thế nào về vấn đề này?

- Với những thành công từ công tác đẩy mạnh tiêu thụ mặt hàng quả vải trong năm 2014, có thể thấy, để hỗ trợ tích cực cho việc tìm đầu ra cho hàng nông sản, góp phần tiêu thụ hàng hóa cho nông dân thì công tác đẩy mạnh tiêu thụ tại thị trường trong nước cần phải được Chính phủ, các bộ, ngành liên quan cũng như các địa phương, Hiệp hội ngành hàng và DN quan tâm sâu sát hơn nữa. Quan điểm của Bộ Công Thương là: Coi thị trường trong nước là một kênh phân phối, tiêu thụ hàng nông, lâm, thủy sản chủ lực và quan trọng bên cạnh các thị trường nước ngoài.

Thị trường nội địa hiện nay có tính cạnh tranh ngày càng cao, do đó, để có thể chiếm lĩnh và mở rộng được thị phần trên thị trường này đòi hỏi các DN phải nâng cao năng lực, cung ứng được những sản phẩm hàng hóa có chất lượng và giá cả cạnh tranh, đáp ứng được tốt hơn nhu cầu của người tiêu dùng. Đây là vấn đề đặt ra cho tất cả các DN tham gia trên thị trường, bao gồm cả các DN trong nước, các DN có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động trên thị trường Việt Nam.

Vậy mặt hàng nông, lâm, thủy sản cho tiêu dùng trong nước sẽ được thúc đẩy như thế nào thời gian tới?

- Thời gian tới, để khai thác triệt để mảng thị trường đầy tiềm năng trong nước, nhằm thúc đẩy tiêu thụ nhóm hàng nông, lâm, thủy sản, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai nhiều hoạt động kết nối cung cầu, gắn kết tạo nguồn hàng, đầu ra ổn định để thúc đẩy sản xuất trong nước, đem lại lợi ích cho người sản xuất và người tiêu dùng, cụ thể:

Thứ nhất, chủ động tổ chức triển khai các hoạt động kết nối cung cầu để kết nối giữa vùng sản xuất nông, lâm, thủy sản với hệ thống phân phối, nhằm phối kết hợp và liên kết chặt chẽ từ vùng nguyên liệu đến các chợ đầu mối, hệ thống phân phối bán buôn, bán lẻ thông qua hệ thống logistic, cơ sở hạ tầng hiện đại. Việc phối hợp kịp thời của các DN phân phối, các chợ đầu mối trực tiếp kết nối và thu mua những mặt hàng nông sản chủ lực của các địa phương sẽ đem lại hiệu quả cao trong việc tiêu thụ cũng như đặt ra các yêu cầu cho các nhà sản xuất đưa ra những sản phẩm đạt chất lượng tốt.

Thứ hai, tiếp tục đẩy mạnh triển khai gắn kết việc tạo nguồn hàng ổn định thông qua Chương trình Bình ổn thị trường và Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Công tác này góp phần tạo nên sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành vi tiêu dùng của người Việt Nam, khơi dậy sự tin tưởng, ủng hộ và ưu tiên mua sắm đối với các sản phẩm nông, lâm, thủy sản trong nước thay cho việc mua sắm hàng ngoại đã tồn tại lâu nay.

Việc kết hợp chặt chẽ giữa công tác đẩy mạnh mở rộng, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu và công tác tăng cường thúc đẩy tiêu thụ tại thị trường nội địa hé mở hy vọng cho việc tiêu thụ hàng nông sản của Việt Nam sẽ phát triển ổn định và bền vững trong thời gian tới.

Thứ ba, tăng cường thực hiện các hoạt động truyền thông kịp thời, phù hợp, tạo sự chuyển biến trong hoạt động của các DN, đặc biệt là trong hành vi mua sắm của người tiêu dùng trong nước. Việc các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội ngành hàng... triển khai thực hiện các hoạt động truyền thông chủ động, thường xuyên để quảng bá cho các sản phẩm nông, lâm, thủy sản trong nước đã cho thấy sự tác động tích cực tới các DN cũng như người tiêu dùng nội địa, qua đó thúc đẩy lượng tiêu dùng nội địa đạt kết quả khả quan hơn.

Thứ tư, tập trung triển khai Chương trình Xúc tiến thương mại quốc gia, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu các sản phẩm nông sản, thủy sản của các DN sản xuất, chế biến, hộ nuôi trồng trong nước đến các nhà phân phối nhằm đẩy mạnh kích thích tiêu dùng sản phẩm trong nước.

Thứ năm, tổ chức, tham dự các hội nghị về xúc tiến thương mại nông, lâm, thủy sản tại địa phương có vùng nuôi trồng với quy mô lớn và tham gia nhiều ý kiến, giải pháp nhằm góp phần thúc đẩy tiêu thụ nông, lâm, thủy sản tại thị trường trong nước.

Thứ sáu, tiếp tục nhân rộng mô hình tiêu thụ nông sản, cung ứng vật tư nông nghiệp theo Quyết định số 23/QĐ-TTg ngày 06 tháng 01 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Phát triển thương mại nông thôn giai đoạn 2010 - 2015 và định hướng đến năm 2020.

Thứ bảy, phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg ngày 25 tháng 10 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn để vừa thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, vừa phát triển các hoạt động hỗ trợ và phát triển thị trường.

Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!

Bài viết liên quan:



Phương Lan/ Báo Công Thương

Về Tin tức nông nghiệp

Chuyên tin tức nông nghiệp, chỉ tin tức nông nghiệp. tintucnongnghiep.com là một blog chia sẻ tin tức nông nghiệp Việt Nam và thế giới theo tiêu chí kết nối, chia sẻ và phi lợi nhuận.
«
Trước
Bài đăng Mới hơn
»
Sau
Bài đăng Cũ hơn

Không có nhận xét nào:

Chia sẻ của bạn về bài viết này: