Tiến độ thu mua gạo tạm trữ không theo kịp lượng lúa gạo hàng hóa làm ra, khiến giá lúa gạo luôn bấp bênh, trồi sụt, cảnh lúa ế.
Những ngày này, về bất cứ cánh đồng nào ở khu vực ĐBSCL cũng bắt gặp cảnh lúa chất đầy đồng, nông dân nóng lòng mong mỏi thương lái đến thu mua. Điều đáng nói đây đang là thời điểm thu hoạch rộ, trong khi tiến độ thu mua gạo tạm trữ không theo kịp lượng lúa gạo hàng hóa làm ra, khiến giá lúa gạo luôn bấp bênh, trồi sụt, cảnh lúa ế, lúa không có giá đang làm nông dân trong vùng điêu đứng. Trên cánh đồng lúa ở xã Thới An, huyện Thới Lai, lúa đã đã cắt và chất bao đầy đồng song thương lái dù đã đặt cọc mà vẫn chưa đến mua.
Ông Nguyễn Thành Phú có 10 công ruộng cho biết, lúc đầu thương lái đã liên hệ thu mua với giá 4.800 đồng/kg sau khi gặt xong mà bóng thương lái vẫn bặt tăm. Sau đó với lý do khó vận chuyển nên chỉ mua với giá 4.700 đồng với điều kiện lúa phải được vận chuyển ra tới đường lộ. Theo ông Phú, với công thuê mướn vận chuyển như vậy, giá lúa sẽ chỉ còn 4.500 đồng/kg. Điều này khiến vụ đông xuân này lãi không đáng kể. Khi được hỏi vì sao không để lúa phơi khô rồi tích trữ qua vụ thu hoạch rộ hãy bán.
Cùng chung cảnh với ông Phú, có rất nhiều nông dân ở Cần Thơ nói riêng và ĐBSCL nói chung thu hoạch lúa song vẫn chưa tìm được thương lái để bán. Nhiều thương lái cho biết, vụ đông xuân năm nay, do xuống giống đồng loạt nên khi thu hoạch rộ họ cũng không thu mua kịp. Mặt khác, việc các doanh nghiệp thu mua hạn chế cũng khiến thương lái phải mua vào cầm chừng, chưa kể do thời tiết thay đổi nên tỷ lệ hao hụt khi xay xát cao nên thương lái lời không đáng kể. Ông Dương Văn Phú, một thương lái ở huyện Châu Phú, tỉnh An Giang cho biết: “Năm nay các doanh nghiệp mua vào cũng chậm so với mọi năm. Do thời tiết thay đổi liên tục nên thương lái lời không nhiều. Đầu vụ, 20 kg lúa tươi được 15 kg nay do thời tiết chỉ được 14 kg”.
Có một thực tế là bên cạnh các nông dân bán lúa trực tiếp cho thương lái gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ, nhiều nông dân sản xuất theo mô hình cánh đồng mẫu lớn, cánh đồng liên kết, được doanh nghiệp bao tiêu đều tiêu thụ hết giá lúa cũng luôn ổn định 4.9000 đồng/kg.
Ông Nguyễn Văn Dũng Em ở xã Đông bình, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ cùng với hơn 200 nông dân của xã được Công ty cổ phần Gentraco bao tiêu hơn 300 ha lúa trong vụ đông xuân này. Những ngày qua, công ty luôn cử cán bộ kỹ thuật sát cánh cùng nông dân để thu mua lúa, với giá ổn định 4.900 đồng/kg. Hiện Gentraco đang ký kết với 1.700 hộ nông dân để thực hiện mô hình cánh đồng mẫu lớn với diện tích 3.700 ha.
Ông Nguyễn Văn Dũng Em cho biết về hiệu quả của mô hình sản xuất theo mô hình cánh đồng mẫu lớn với Công ty Cổ phần Gentraco: “Vào cánh đồng liên kết thì nhiều cái lợi, được công ty hỗ trợ giống, bao tiêu. Mặc khác Chính phủ cũng hỗ trợ mỗi ha là 500.000 đồng. Tôi nghĩ nông dân sẽ tham gia nhiều vào mô hình liên kết, tổ hợp tác để khỏi bị thương lái ép giá như hiện nay”.
Về vấn đề thu mua lúa tạm trữ, vụ lúa đông xuân này, các doanh nghiệp ở TP Cần Thơ được giao thu mua 175.000 tấn gạo, tương đương 700.000 tấn lúa Hiện các doanh nghiệp đang tập trung đẩy mạnh tiến độ thu mua, đến nay đã được hơn 60%. Công ty cổ phần Gentraco được giao chỉ tiêu thu mua tạm trữ 18.000 tấn đến nay, đơn vị đã thu mua được hơn 40%, đặc biệt để thu mua lúa tươi cho nông dân, công ty đã thành lập hơn 30 điểm để mua lúa tận chân ruộng. Còn tại các công ty vệ tinh của đơn vị, mỗi ngày thu mua khoảng 800 tấn gạo. Tuy nhiên lãnh đạo công ty cho biết, do mùa này nước sông bị cạn, trong khi vận chuyển lúa chủ yếu bằng ghe xuồng nên tiến độ thu mua bị chậm; mặt khác việc xuống giống đồng loạt, thu hoạch đồng loạt cũng là áp lực lớn khiến doanh nghiệp rất khó khăn trong việc tiêu thụ lúa cho nông dân.
Ông Nguyễn Thanh Vân, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Gentraco Cần Thơ cho biết: “Chúng tôi phấn đấu đến ngày 5/4 sẽ mua xong cho nông dân. Qua đó chúng tôi đăng ký với ngân hàng trả tiền trực tiếp cho nông dân. Giá cả có nhích lên 100-150 đồng/kg”.
Hiện nay, vụ lúa đông xuân đang bước vào thu hoạch rộ, do vậy, việc tiêu thụ lúa cho nông dân là rất cần thiết. Do vậy, tiến độ thu mua tạm trữ 1 trịêu tấn gạo theo chủ trương của Chính phủ cần Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với ngành ngân hàng, các địa phương và doanh nghiệp thúc đẩy nhanh hơn nữa để giải tỏa áp lực lúa cho nông dân; trong đó khâu vướng mắc giữa doanh nghiệp và ngân hàng cần được tháo gỡ; đồng thời Hiệp hội lương thực Việt Nam cũng nên xem xét chuyển chỉ tiêu thu mau tạm trữ từ các doanh nghiệp không đủ năng lực sang các doanh nghiệp có khả năng và có yêu cầu. Có như vậy mới mong giải được phần nào bài toán trúng mùa mất giá trong vụ lúa đông xuân này ở ĐBSCL./.
Trọng Điển - Văn Hải/VOV - ĐBSCL
Không có nhận xét nào: