Tình cờ trong câu chuyện tại Bangkok, doanh nhân Thái Lan Santi Sanguansat cho biết, cả chục năm qua ông là một trong những nhà cung ứng hoa lan cắt cành từ Thái Lan cho nhà nhập khẩu ở TPHCM và Hà Nội. Hiện nay ông vẫn đi, về làm việc tại Việt Nam và Thái Lan.
Mong muốn và năng lực
Sau hơn 10 năm tái cơ cấu sản xuất theo hướng nông nghiệp đô thị, trong đó, hoa kiểng là một trong số các cây, con chủ lực được khuyến khích sản xuất. Bên cạnh mai, kiểng, hoa nền, lan cắt cành như Dendrobium, Mokara, Cattleya… có tốc độ phát triển khá nhanh và nhu cầu sử dụng quanh năm. Vì vậy, diện tích trồng lan các loại tại TPHCM đã lên 250ha, chưa kể các tỉnh khu vực, lượng hoa lan hàng hóa tăng lên đáng kể. Trong bối cảnh này, TP giao cho Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn (SATRA) phối hợp với Trung tâm Xúc tiến nhập khẩu từ các nước đang phát triển (CBI) như Hà Lan, đất nước có kinh nghiệm về trồng và kinh doanh hoa với thị trường giao dịch hàng đầu thế giới, để xây dựng Trung tâm giao dịch hoa kiểng và cá cảnh tại chợ đầu mối Bình Điền (quận 8) trên khuôn viên 8 - 10ha. Nơi đây đã là 1 trong ít đầu mối tiêu thụ hoa vùng ngoại thành TP và từ các nơi về như TP Đà Lạt. Nhưng TPHCM, nơi tập trung nhiều viện, trường và đội ngũ nhà khoa học hùng hậu cả nước cũng như nhiều doanh nghiệp (DN) nông nghiệp không thể chấp nhận việc lệ thuộc mãi việc nhập khẩu lan thương phẩm, nhất là các giống lan để sản xuất.
Sản xuất các giống hoa bằng phương pháp nuôi cấy mô ở Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM.
Tuần qua, tại hội thảo sản xuất và cung ứng giống lan cấy mô, ông Nguyễn Phước Trung, Giám đốc Sở NN-PTNT cho biết, việc thay thế dần các giống lan ngoại nhập từ Thái Lan, Đài Loan (Trung Quốc) là mục tiêu đặt ra. Điều này có cơ sở, khi hiện nay TPHCM có 24 tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực nuôi cấy mô thực vật, chủ yếu từ các viện, trường (như Trung tâm Công nghệ sinh học TP…) hoạt động nghiên cứu có kết hợp sản xuất, với tổng sản lượng hằng năm gần 16 triệu cây giống nuôi cấy mô các loại (năng lực sản xuất có thể đạt 24,6 triệu cây giống nuôi cấy mô các loại/năm). Lan là chủng loại cây được sản xuất chủ yếu trong lĩnh vực nuôi cấy mô thực vật với sản lượng sản xuất hằng năm đạt khoảng 12,6 triệu cây giống, chiếm hơn 79% tổng sản lượng cây giống nuôi cấy mô được sản xuất hằng năm tại TP. Trong đó, Dendrobium là giống lan được sản xuất nhiều nhất, khoảng 10,5 triệu cây giống/năm, chiếm gần 84% sản lượng cây giống lan nuôi cấy mô TP. Hiện có 16 cơ sở nuôi cấy mô thực vật trên địa bàn TP kinh doanh, cung cấp cây giống nuôi cấy mô cho thị trường. Các viện, trường hoạt động nuôi cấy mô chủ yếu cho việc nghiên cứu khoa học. Chủng loại cây giống nuôi cấy mô dễ tiêu thụ là lan Dendrobium, Cattleya, Oncidium, Hồ Điệp, Vanda, Mokara và các giống lan rừng.
Tìm tiếng nói chung
Theo khảo sát của Trung tâm Khuyến Nông TP, các cơ sở nuôi cấy mô thường gặp khó khăn. Do chi phí đầu tư cao nên hầu hết đều gặp khó về vốn. Các cơ sở sản xuất là hộ cá thể, kể cả doanh nghiệp khi tham gia hoạt động nuôi cấy mô đều gặp vấn đề kỹ thuật như thao tác cấy mô, kỹ thuật pha dịch dinh dưỡng môi trường nuôi cấy còn không ít sai sót, điều kiện vô trùng chưa đảm bảo dẫn đến cây giống có thể bị nhiễm bệnh, tỷ lệ sống của cây con sau khi cấy mô thấp. Các cơ sở cũng gặp khó vì thiếu các giống cây trồng mới có chất lượng và năng suất cao, giá các loại giống còn cao. Thị trường tiêu thụ không ổn định do tâm lý các nhà vườn chưa tin tưởng giống sản xuất trong nước nên vẫn ưa chuộng giống ngoại nhập từ Thái Lan, lãnh thổ Đài Loan.
Mặc dù không ít cơ sở hay DN sản xuất giống lan nuôi cấy mô với chất lượng không thua kém Thái Lan, như nhận định của người trồng, tham gia hội chợ tết và kinh doanh lan nhưng tâm lý chuộng ngoại vẫn là yếu tố chưa thể loại bỏ. Phải chăng vì điều này mà không ít các điểm kinh doanh giống lan đã sử dụng lan nuôi cấy mô trong nước trộn lẫn với giống lan nhập khẩu bán cho nhà vườn. Giống lan nuôi cấy mô nhập khẩu chỉ khoảng 1 triệu cây/năm nhưng số bán ra lên đến 3 triệu (!?). Cốt lõi vẫn là còn thiếu sự gắn kết, nhất là thông tin giữa cơ sở, nhà vườn với năng lực thật sự của các viện, trường hay DN sản xuất giống nuôi cấy mô. Điều này dẫn đến cuộc tranh luận, “quả trứng” và “con gà” - cái nào có trước. Hầu như viện, trường hay cơ sở chỉ sản xuất theo đơn đặt hàng trước để đảm bảo đầu ra, trong khi nhà vườn cho rằng, sản xuất rồi mới mua như cách nhiều nhà vườn đặt hàng với DN tại Thái Lan hay lãnh thổ Đài Loan, nhất là có những giống đang hút trên thị trường. Tất nhiên những nhà sản xuất giống nuôi cấy mô trong nước chưa thể sánh bằng lãnh thổ Đài Loan hay Thái Lan về nguồn hàng có sẵn nhưng nếu không đi tìm tiếng nói chung sẽ khó kết nối và ngành sản xuất giống nuôi cấy mô trong nước khó có điều kiện phát triển.
Công Phiên/ Báo SGGP
Không có nhận xét nào: