Trong lúc các doanh nghiệp (DN) và thành viên Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) triển khai mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo, ngày 10-3, tại Cần Thơ, Bộ NN-PTNT tổ chức hội nghị sơ kết sản xuất vụ đông xuân 2014 - 2015 và triển khai kế hoạch sản xuất vụ hè thu, thu đông, vụ mùa năm 2015 tại Nam bộ. Đánh giá về thực trạng sản xuất lúa gạo Việt Nam nổi lên là “gam sáng và mảng tối chồng lấn” lên nhau.
Lúa gần “đội trần năng suất”
“Hiện nông dân trồng lúa ở ĐBSCL đã đạt trình độ khá cao so với một số nước trong khu vực. Trong đó, năng suất lúa đông xuân vụ này bình quân 7 tấn/ha gần như đạt trần năng suất”, TS Phạm Văn Dư, Cục phó Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) nhận định. Theo đó, vụ lúa đông xuân ở Nam bộ có diện tích gần 1,68 triệu ha, đạt sản lượng 11,86 triệu tấn (tập trung chủ yếu ở ĐBSCL). Cơ cấu giống lúa thơm chiếm 21,7%, là một bước tiến đáng kể nâng cao giá trị gạo xuất khẩu, lợi nhuận của nông dân được cải thiện đáng kể.
Tỷ lệ nông dân sử dụng khoảng 35% giống lúa cấp xác nhận dù còn thấp nhưng cũng là tín hiệu “khả quan”. Tuy nhiên, vấn đề hiện nay là nguồn giống lúa thơm rất “eo hẹp”; tình trạng sản xuất lúa giống thiếu quản lý và kiểm soát đã làm cho giá trị lúa gạo của Việt Nam sụt giảm nghiêm trọng. Nhiều địa phương, thậm chí ngay cả Cục Trồng trọt cũng đều phàn nàn về tình trạng mua bán lúa giống không đạt chuẩn.
Thậm chí một số DN kinh doanh lĩnh vực lúa giống, tạo ra nguồn lúa giống một cách vô trách nhiệm: Khi đi dạo đồng ruộng, thấy ruộng lúa nào tốt rồi chọn làm lúa giống!? Tình trạng này gây thiệt hại nặng nề cho nông dân.
Nông dân ĐBSCL thu hoạch lúa đông xuân.
“Gọi là giống siêu nguyên chủng, nguyên chủng, giống cấp xác nhận nhưng chất lượng “ảo”! Lấy lúa thịt làm lúa giống là cách làm ăn rất bôi bác”, một cán bộ ngành nông nghiệp nói về sự yếu kém của khâu sản xuất lúa giống hiện nay.
Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh, lúa giống phải được xem là giải pháp số 1. Nguồn cung lúa giống phải đạt chất lượng, quản lý tốt. Công tác quản lý giống hiện nay là kém. Trong bối cảnh đầu ra gặp nhiều khó khăn, thì chi phí sản xuất lúa ở ĐBSCL vẫn còn cao. Cụ thể là những điểm yếu lâu nay vẫn chưa được khắc phục triệt để như tình trạng sạ lúa dày (ở ĐBSCL có khi cao gấp 5 lần so với phía Bắc), lạm dụng phân bón hóa học, thuốc trừ sâu đáng báo động.
Lại nóng chuyện đầu ra hạt lúa!
“Do áp lực vào vụ thu hoạch đồng loạt, tình trạng thiếu lò sấy lúa gia tăng. Các DN không đủ phương tiện mua, vận chuyển lúa hàng hóa của nông dân. Đây là một điều đáng lo”, ông Đào Anh Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ báo động. Trong khi đó, sau 10 ngày triển thu mua tạm trữ, các DN chỉ thu mua được khoảng 80.000 tấn gạo (đạt khoảng 8% so với chỉ tiêu giao). Trong khi khung thời hạn mua lúa, gạo tạm trữ chỉ còn khoảng 35 ngày.
Tiến độ thu mua lúa tạm trữ vẫn rất chậm. Ảnh: Cao Phong
“Có một thực tế mà hiện nay không biết giải quyết thế nào. Doanh nghiệp lớn dễ tiếp cận nguồn tín dụng, còn DN nhỏ khó tiếp cận vốn để mua lúa, gạo tạm trữ bởi ngân hàng rất dè dặt với DN nhỏ”, ông Huỳnh Thế Năng, Phó Chủ tịch điều hành VFA băn khoăn!
Trong khi đó, tình hình xuất khẩu gạo thơm của Việt Nam khá lạc quan trong vài năm gần đây. Việt Nam đang tập trung đầu tư vào phân khúc gạo thơm với giá từ 550 - 600 USD/tấn, ít đối thủ cạnh tranh. Tuy nhiên, nhiều DN cho biết tình trạng xuất khẩu gạo thơm trộn gạo thường đang xuất hiện.
“Doanh nghiệp đang bán gạo thơm Jasmines với giá 500 USD/tấn, lại xuất hiện DN bán giá 420 USD/tấn, tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh”, ông Phạm Thái Bình, Giám đốc Công ty TNHH Trung An (Cần Thơ) chỉ ra. Tình trạng này cũng được ông Huỳnh Thế Năng so sánh giống như chuyện “mạ băng” trong xuất khẩu cá tra. Các DN trộn gạo thường vào gạo thơm rồi hạ giá bán, tạo ra môi trường cạnh tranh không lành mạnh và các DN xuất khẩu gạo thơm tự làm khó nhau, mà VFA cũng chưa biết xử lý ra sao!
“Sản xuất lúa gạo còn nhiều thách thức, Bộ NN-PTNT sẽ tìm kiếm các giải pháp tháo gỡ cho ngành lúa gạo để có hiệu quả hơn. Cụ thể là bộ đang khẩn trương hoàn thành đề án tái cơ cấu ngành lúa gạo theo hướng chiến lược, hiệu quả”, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh cho biết.
"Chúng ta mong đợi gì đối với ngành sản xuất lúa gạo? Hiện DN rất cần chính quyền địa phương và ngành nông nghiệp củng cố 3 hệ thống. Thứ nhất là hệ thống giống, nông dân cần sử dụng giống xác nhận 70% - 80%, hiện nay 35% là không ổn. Thứ hai là hệ thống canh tác, làm sao triển khai nhanh và rộng các giải pháp canh tác tiên tiến như “3 giảm, 3 tăng”… Thứ ba là, hình thành hệ thống hỗ trợ dịch vụ và hậu cần bài bản. Ba hệ thống này là “bộ khung” để tái cơ cấu ngành lúa gạo theo hướng chất lượng rồi đến thương hiệu" Phó chủ tịch điều hành VFA Huỳnh Thế Năng
Cao Phong/ Báo SGGP
Không có nhận xét nào: