Ông Mai Viết Phương, người mang 3 quốc tịch (Úc, Canada, Việt Nam), đã chọn vùng đồi núi khô cằn ở H.Đức Trọng (Lâm Đồng) để dành phần đời còn lại cho việc mang giống cam Cara từ xứ sở chuột túi về trồng ở Việt Nam.
Ông Mai Viết Phương nâng niu những trái cam đỏ Cara - Ảnh: Lam Ngọc
Ông Phương quê gốc tại Long Xuyên (An Giang), xuất cảnh sang Canada từ thập niên 1960. Sau đó ông sang Úc để theo học chuyên ngành nông nghiệp và trở thành giảng viên chuyên hướng dẫn sinh viên thực nghiệm của Trường đại học Tây Sydney.
Đổi cây Việt lấy giống Úc
Năm 1976, ông Phương đưa gia đình sang Úc định cư. Thời điểm này, chính phủ Úc muốn đẩy mạnh nghiên cứu xu hướng ẩm thực châu Á thông qua người Việt, nên ông được các tổ chức nghiên cứu “trải thảm đỏ” mời về tham gia dự án. Công việc chính của nhóm nghiên cứu là biến đổi giống cam “Cara Cara” (hay còn gọi là cam Cara) có nguồn gốc từ Venezuela, được đưa sang Mỹ, sau đó du nhập vào Úc. Mục tiêu đặt ra là giống cam sẽ tích hợp được những tính trội như vị cà rốt, cà chua và cam; sống được ở nhiều môi trường khắc nghiệt khác nhau; năng suất và tuổi thọ vượt nhiều lần giống cam thường…
Sau rất nhiều lần thử nghiệm thất bại, nhóm nghiên cứu cũng tạo ra được giống cam Cara tích hợp đủ những ưu điểm như mong muốn. Ngoài ra, các khoáng chất trong giống cam này còn chứa lyconene, một chất kháng ung thư và chất carotenoid đóng vai trò chủ chốt trong kiêng ăn cân đối. Theo đánh giá của các chuyên gia ngành nông nghiệp, Cara Cara là giống cam duy nhất trên thế giới có ruột màu đỏ thẫm chứa hàm lượng lycopene và carotenoid rất cao, vừa giúp cân đối dinh dưỡng trong chế độ ăn kiêng và hạn chế ung thư, như một loại thực phẩm chức năng.
Kể từ đó, ông Phương ấp ủ tâm nguyện sẽ mang giống cam này về trồng tại quê hương Việt Nam. Tuy nhiên, giống cam Cara lại là thành quả của cả nhóm nghiên cứu ở Úc. Nếu muốn mang về phải được sự đồng ý của cả nhóm. Hơn nữa, nó chưa có hạt giống nên buộc phải mang cả cây giống về. Giữa lúc chưa tìm ra được giải pháp vẹn toàn, nhóm đang rất muốn thu thập được cây thông hai lá dẹt và cây trà mi tại Việt Nam để nghiên cứu. Ông Phương liền thỏa thuận với những giáo sư trong nhóm, nếu ông mang về cho họ gien của cây thông hai lá dẹt và cây trà mi thì đổi lại ông được phép mang cam Cara về nhân giống và trồng ở Việt Nam.
Cuộc thương lượng thành công nhanh chóng. Ông Phương trở về Việt Nam, suốt một tháng ròng rã trèo đèo lội suối khắp dãy Trường Sơn và các tỉnh phía bắc, ông Phương tìm được hai loại cây cần tìm và mang ngay về Úc để nhận lại giống cam Cara quý giá.
Cung cấp giống miễn phí
Sau khi nghỉ hưu, năm 2005, ông Phương trở về Việt Nam theo đúng tâm nguyện, để lại vợ, hai con trai cùng nông trại ở Úc. Ông tìm đến vùng núi Voi ở H.Đức Trọng và chọn nơi này để trồng thử nghiệm giống cam trên.
Tìm được địa điểm nhưng việc đền bù giải tỏa đất cho người dân tộc thiểu số ở đây thật không đơn giản. Sau rất nhiều lần đàm phán, kết quả, ông Phương chấp nhận đền bù cho đồng bào 20 triệu đồng/ha đất hoang phế. Ông Phương thuê vài chục công nhân để cùng với mình phát quang, xây dựng nông trại, hồ trữ nước trên núi, nhân giống...
Ở đây ông không sử dụng thuốc trừ sâu, phân hóa học mà dùng phân hữu cơ và lấy một ống nhỏ chứa thức ăn thu hút rầy và những côn trùng có hại để bẫy chúng nhằm tránh phải xịt thuốc. Hơn 1 năm ròng cho công tác chuẩn bị, những cây cam Cara lớn dần, ra những trái đầu mùa. Và khi bổ quả cam đầu tiên… quả nhiên cam có ruột đỏ tươi, mọng nước, có vị của cà chua, cà rốt lẫn cam. Để tránh rủi “được mùa mất giá”, ông Phương tiếp tục nghiên cứu và cam Cara trở thành giống cây ra trái quanh năm. Sau 3 năm trồng, cam Cara sẽ cho trái bói, tùy thổ nhưỡng mà năng suất có thể dao động từ 30 - 50 tấn quả/ha/năm.
Cũng từ đó, ông Phương đi khắp dải núi Voi khảo sát, ai có đất rộng ông khuyến khích trồng cam. “Tôi cung cấp giống miễn phí, hướng dẫn người dân ở đây trồng và chăm sóc cam Cara tận nơi. Những người tôi cho giống phần nhiều là đồng bào dân tộc thiểu số kinh tế còn nghèo”, ông Phương chia sẻ.
Lam Ngọc - Quang Thuần/ Báo Thanh Niên
Không có nhận xét nào: