» » » Chăm sóc lúa xuân: Quản lý dịch hại ngay từ đầu vụ

Mưa liên tục gần nửa tháng qua khiến cây trồng sinh trưởng chậm và là điều kiện thuận lợi cho nhiều đối tượng sâu bệnh phát sinh gây hại. Cơ quan chuyên môn khuyến cáo nông dân cần chủ động các biện pháp bảo vệ lúa xuân.

Nông dân xã Tân Dĩnh (Lạng Giang) chăm sóc lúa xuân.

Nguy cơ sâu bệnh gây hại nặng

Dù đã cấy được hơn 20 ngày nhưng một số diện tích lúa tại xã Tân Dĩnh (Lạng Giang, Bắc Giang) phát triển chậm. Bà Ngô Thị Non, người dân trong thôn cho biết: “Vụ này, gia đình tôi cấy hơn 8 sào lúa. Thế nhưng đến nay cây nào cây ấy chỉ dài ra còn đẻ nhánh rất ít. Vì vậy, ngay khi trời tạnh ráo tôi trộn phân vi sinh siêu ra rễ với đạm bón cho lúa để cây khỏe, cho nhiều bông”. 

Cùng cánh đồng, chị Nguyễn Thị Hợp nói: “Vụ xuân năm ngoái lúa gặp thời tiết bất lợi cộng với sâu bệnh nhiều. Do bận việc, tôi không kịp thời chăm sóc nên năng suất lúa thấp, chỉ đạt khoảng 1,5 tạ/sào. Rút kinh nghiệm, năm nay ngoài kiểm tra đồng ruộng, tôi luôn dọn sạch cỏ bờ, phát quang bụi rậm, bón phân sớm cho lúa”. 

Là địa bàn cấy xong trước Tết nhưng lúa tại xã Việt Lập (Tân Yên) cũng trong tình trạng tương tự. Ông Nguyễn Ngọc Bích, Phó Chủ tịch UBND xã phản ánh: “Mọi năm, vào thời điểm này lúa đang đẻ nhánh rộ chuẩn bị bước vào thì con gái nhưng hiện vẫn đang đẻ nhánh. Diện tích lúa đẻ nhánh chậm hoặc đang hồi xanh khoảng 15 ha, chiếm 5% tổng diện tích”.

"Tuyệt đối không phun thuốc BVTV khi sâu bệnh chưa đến ngưỡng phòng trừ để bảo vệ các loài thiên địch có ích, bảo vệ môi trường. Có thể sử dụng một số loại thuốc sau phòng trừ sâu đục thân như: Regen 0.3G, Diazan 10H, Vibasu 10H, Patox 4G; trừ rầy nâu bằng một trong các loại thuốc Butyl 10WP, Butyl 40WDG hoặc Butyl 400SC. Đặc biệt chú ý mang bảo hộ lao động khi dùng thuốc trừ dịch hại cho cây trồng”. Bà Đỗ Thị Luyến, Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật

Khảo sát cho thấy, không chỉ tại xã Tân Dĩnh, Việt Lập, hầu hết lúa sau cấy trên địa bàn tỉnh đều sinh trưởng chậm. Nguyên nhân là do trời âm u, mưa phùn liên tục nhiều ngày khiến cây thiếu ánh sáng để quang hợp và kéo theo một số đối tượng sâu bệnh xuất hiện rải rác trên lúa như: Bọ trĩ, ruồi. Nhận định của Chi cục Bảo vệ thực vật (BVTV) tỉnh, bên cạnh sâu bệnh hại trên thì rầy nâu, sâu đục thân có nguy cơ phát sinh gây hại nặng hơn so với một số năm trước. Sở dĩ có tình trạng này là do mùa đông vừa qua nhiệt độ ấm hơn so với trung bình nhiều năm nên rầy nâu, sâu đục thân lưu trú ở bờ cỏ, gốc rạ, mương nước cộng với điều kiện thuận lợi của thời tiết nồm ẩm vừa qua chúng sẽ tiếp tục phát sinh rộng, gây hại cho lúa xuân vào cuối tháng 4.

Bên cạnh đó nhiều nơi trong tỉnh chưa chú trọng công tác diệt chuột nên đây cũng là đối tượng đáng lo ngại trong vụ này. Hiện, một số nơi như: Lạng Giang, Tân Yên, Hiệp Hòa lúa đang bị chuột gây hại nhẹ. Thực tế, các vụ trước nhiều diện tích lúa bị giảm năng suất, thậm chí mất trắng bởi chuột hại.

Tập trung chăm sóc

Hiện nay trà lúa xuân sớm, chiêm dầm đang ở giai đoạn đẻ nhánh, trà xuân muộn đang bén rễ hồi xanh. Theo Trung tâm Khí tượng thủy văn Trung ương, nhiệt độ trung bình năm nay cao hơn so với năm ngoái là điều kiện thuận lợi cho lúa phát triển song tiềm ẩn nguy cơ về sâu bệnh trên cây trồng, nhất là lúa. Bởi vậy, cơ quan chuyên môn khuyến cáo ngay khi thời tiết nắng ấm, nông dân cần tập trung bón phân để cây trồng sinh trưởng mạnh, tăng sức đề kháng. Riêng đối với trà lúa có thời gian sinh trưởng dinh dưỡng ngắn, trong đó có giống BC15 cần bón bổ sung 10-15% phân đạm để tránh lúa trỗ vào thời điểm thời tiết bất thuận (trước 15-4). 

Tại huyện Yên Dũng, do cấy muộn hơn so với các địa bàn khác nên lúa phần lớn đang bén rễ hồi xanh. Các diện tích sau sạ đều được che ni-lon quanh bờ để chống chuột hại. UBND huyện cũng trích 50 triệu đồng từ ngân sách huyện hỗ trợ các xã tổ chức diệt chuột tập trung bằng bẫy bả sinh học. Tại huyện Lạng Giang, Trạm BVTV huyện phân loại từng trà lúa hướng dẫn nông dân chăm sóc phù hợp.  

Cùng với các biện pháp trên, Chi cục BVTV tỉnh yêu cầu trạm BVTV các huyện, thành phố tăng cường điều tra phát hiện, theo dõi giám sát đồng ruộng, đặc biệt là sâu đục thân, tập đoàn rầy, bệnh đạo ôn để hướng dẫn biện pháp phòng trừ hiệu quả. 

Nông dân cần tuân thủ các nguyên tắc về sử dụng thuốc BVTV như: Đúng nồng độ, liều lượng, đúng cách, đúng lúc; dùng bình bơm, không sử dụng ống phụt để tăng hiệu quả của thuốc. Cơ quan chức năng tăng cường thanh, kiểm tra ngăn chặn thuốc BVTV kém chất lượng, thuốc ngoài danh mục; đồng thời xử lý nghiêm và công khai rộng rãi các trường hợp vi phạm để người dân biết. 

Các huyện, thành phố phát động chiến dịch diệt chuột tập trung, có cơ chế khuyến khích cộng đồng cùng tham gia. Đi đôi với biện pháp trên, đơn vị thủy nông bảo đảm nước tưới kịp thời, khuyến cáo nông dân sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả.

Trịnh Lan/ Báo Bắc Giang

Về Tin tức nông nghiệp

Chuyên tin tức nông nghiệp, chỉ tin tức nông nghiệp. tintucnongnghiep.com là một blog chia sẻ tin tức nông nghiệp Việt Nam và thế giới theo tiêu chí kết nối, chia sẻ và phi lợi nhuận.
«
Trước
Bài đăng Mới hơn
»
Sau
Bài đăng Cũ hơn

Không có nhận xét nào:

Chia sẻ của bạn về bài viết này: