Không còn là tự phát, vài năm trở lại đây, nhiều nông dân huyện Phù Mỹ đã mạnh dạn khai hoang, chuyển đổi những diện tích đất không hiệu quả sang đầu tư trồng cây hồ tiêu, nhất là trên đất đồi gò, bước đầu cho kết quả khá khả quan.
Ông Lê Tùng Chinh rất vui khi vườn tiêu bói quả.
Theo ông Phạm Văn Thành, Phó trưởng Trạm Khuyến nông huyện Phù Mỹ: “Đến nay, toàn huyện có ít nhất 50 hộ trồng tiêu với tổng diện tích hơn 10ha, trong đó có nhiều vườn tiêu đã cho thu hoạch. Cây tiêu sống được ở Phù Mỹ, phần lớn là trên chân đất đồi gò, sỏi đỏ, nhất là chân đất trồng cây điều kém hiệu quả. Nếu có hệ thống tưới tiêu đảm bảo thì cây tiêu sẽ là hướng đi tích cực của nhiều nông dân Phù Mỹ”.
Khởi xướng và đạt hiệu quả trong phong trào trồng tiêu ở Phù Mỹ là ông Phan Thế Tài, ở khu vực đèo Nhông (xã Mỹ Trinh). Nhiều năm về trước, khi đến đây sinh cơ lập nghiệp, ông Tài đã khai hoang khu đất rộng sau nhà để trồng tiêu. Hiện vườn tiêu nhà ông có 400 trụ. Ông Tài cho biết: “Cùng với giống, phân, khâu chăm sóc đóng vai trò quan trọng. Tôi đã khoan giếng, kéo điện làm hệ thống tưới đến tận từng gốc, dùng xơ dừa đắp kín xung quanh trụ tiêu, chỉ chừa chỗ dây leo lên trụ, nên luôn giữ được độ ẩm cho cây. Cây tiêu dễ bị úng nước, nên cần có phương pháp và hệ thống tiêu úng hợp lý”. Nhờ chăm sóc tốt, đúng kỹ thuật, vườn tiêu nhà ông phát triển tốt, đã cho thu nhập, năm sau tăng hơn năm trước, từ hàng tạ tiêu lên hàng tấn tiêu, tổng thu hàng trăm triệu đồng/năm.
Không chỉ ông Tài, hiện nay nhiều nông dân huyện Phù Mỹ đã mạnh dạn trồng hồ tiêu, nhất là các xã Mỹ Châu, Mỹ Phong, Mỹ Đức… Ở thôn Trà Thung, xã Mỹ Châu, ông Lê Tùng Chinh trồng 150 trụ tiêu giống Gia Lai, mới hơn một năm rưỡi đã tỏa tán xum xuê và bắt đầu cho quả bói, sớm hơn 1 năm so với chu kỳ thông thường. Ông Chinh cho biết: “Mùa mưa tôi đào rãnh thoát nước kịp thời, mùa nắng luôn giữ ẩm từng gốc tiêu, chỉ sử dụng toàn phân chuồng hoai mục, cộng với giống chất lượng tốt, tiêu bén rễ sớm, phát triển nhanh, chống chọi tốt với sâu bệnh, đã bói quả, tuy chưa nhiều nhưng cũng là tín hiệu vui”. 4 tháng trước đây, ông Chinh tiếp tục chuyển diện tích đất đậu phụng không hiệu quả sang trồng tiếp 250 trụ tiêu.
Cũng tại xã Mỹ Châu, cách đây hơn 2 năm, ông Nguyễn Thanh Minh, ở thôn Lộc Thái, đã trồng 100 trụ tiêu giống Vĩnh Linh, giờ đã ra hoa, kết trái lứa đầu tiên. Ông Phạm Lợi Sanh (ở thôn Vạn An) trồng 200 trụ, ông Hồ Đình Bảo (ở thôn Quang Nghiễm) trồng 400 trụ, sau 1 năm tuổi tiêu đã cao 1 m...
Song hành với người trồng tiêu ở Phù Mỹ, UBND huyện đã đầu tư ngân sách xây dựng mô hình trồng 350 trụ tiêu trên diện tích 2.500m2, tại khu đất đồi nhà ông Trần Phúc Huy (ở thôn Vạn An - xã Mỹ Châu) “Tuy mới trồng hơn 1 năm, nhưng cây tiêu phát triển xanh tốt, đã leo lên trụ cao hơn 1m, cho thấy trên đất đồi sỏi đỏ này nếu đảm bảo được nguồn nước tưới thì cây tiêu có triển vọng đạt năng suất cao” - ông Huy nói.
Ở xã Mỹ Phong, trên chân đất sỏi trồng đậu phụng thu nhập không cao, nhất là đất trồng cây điều lâu năm kém hiệu quả, một số hộ đã chuyển sang trồng hồ tiêu. Điển hình như ông Trần Thanh Xuân, đã đầu tư hơn 70 triệu đồng xây trụ gạch, mua dây tiêu giống… trồng 100 trụ tiêu, trên diện tích 3 sào...
Rõ ràng trên chân đất sỏi khá dồi dào, điều kiện tiêu nước thuận lợi, vốn đầu tư không lớn lắm, nhiều nông hộ ở Phù Mỹ đã mạnh dạn huy động nguồn lực để trồng tiêu. Tuy nhiên, hồ tiêu là một trong những loại cây rất khó trồng, vì hay mắc nhiều bệnh nếu không phù hợp với thổ nhưỡng, không được chăm sóc đúng kỹ thuật. Do đó, các hộ trồng tiêu Phù Mỹ mong muốn được ngành chức năng của huyện, tỉnh hỗ trợ về kỹ thuật, kinh nghiệm chăm sóc để giúp bà con yên tâm phát triển kinh tế theo hướng mới, hiệu quả hơn.
Xuân Lộc - Thanh Trọn/ Báo Bình Định
Không có nhận xét nào: