Kết thúc vụ đông xuân 2014-2015, huyện Phú Tân có 263 hộ nông dân trồng giống nếp chủ lực CK2003 bị lép xanh do ảnh hưởng thời tiết lạnh. Nhiều giải pháp đang được ngành Nông nghiệp huyện đề ra nhằm khắc phục phần nào khó khăn cho nông dân.
Theo Trạm Bảo vệ thực vật huyện Phú Tân, số nếp bị lép xanh tập trung tại 3 xã: Phú Long, Phú Thành, Phú Lâm. Trong đó, Phú Long là xã có diện tích thiệt hại nhiều và nặng nhất, với tổng số 162,27 ha của 163 hộ. Năm năm trước, phần lớn nông dân tại Phú Long đều làm lúa, từ khi chuyển sang làm nếp đến nay, chưa từng bị thiệt hại vì lép xanh nặng như vụ đông xuân vừa qua. Ông Huỳnh Văn Tiên (ngụ ấp Phú Đông) cho biết, 12 công rưỡi nếp của ông làm chỉ thu hoạch được 4 bao/công, trung bình mỗi công lỗ từ 2-3 triệu đồng. Bị thất thu, cộng thêm tiền nợ vật tư và chi phí nên không còn vốn để tiếp tục sản xuất, ông đành đem toàn bộ diện tích đất cho người khác mướn làm trọn năm. “Thời điểm xuống giống, khí hậu chưa trở lạnh, đến giai đoạn nếp trổ bông mới chuyển biến nhanh bất ngờ. Chúng tôi báo với kỹ thuật viên thì đã muộn, bông không bung nhụy để thụ phấn được” – ông Tiên kể. Chị Nguyễn Thị Bé Thơ (ngụ cùng ấp) cũng thở dài: “Làm nếp 4 năm nay, chưa từng bị tình trạng này lần nào. 27 công đất (trong đó có 20 công là đất mướn – P.V) mà mỗi công chỉ thu hoạch được 5 bao, đắp vào tiền mướn đất coi như đã mất trắng”.
Ngành Nông nghiệp huyện Phú Tân sẽ cân nhắc việc khuyến cáo không sử dụng giống CK2003 trong vụ đông xuân 2015-2016
Theo ông Trình Văn Trí, Trưởng trạm Bảo vệ thực vật Phú Tân, thời tiết diễn biến phức tạp là nguyên nhân trực tiếp ảnh hưởng đến việc trồng nếp của nông dân. Qua thống kê, nông dân bị thiệt hại ở 2 mức độ: 225,23 ha bị lép xanh từ 30% - 70%, số còn lại từ 70% trở lên. Phú Thành, Phú Long và số ít thuộc xã Phú Lâm nằm trong vùng xả lũ nên xuống giống sớm hơn những nơi khác theo đúng lịch thời vụ. Giống nếp CK2003 chiếm trên 20% cơ cấu giống toàn huyện được khuyến khích trồng tại những nơi này vì thời gian sinh trưởng ngắn, đảm bảo vòng xoay của đất đúng 3 năm - 8 vụ. Nông dân cũng khẳng định, nếp bị lép xanh đợt này do thời tiết lạnh, không phải lỗi ở kỹ thuật canh tác. Năm 2007, hiện tượng nếp bị lép xanh đã từng xảy ra đối với giống CK2003, mãi đến 7 năm sau mới lặp lại nên nhiều người có phần chủ quan trong việc chăm sóc. Là một trong 2 giống nếp chủ lực trồng trên địa bàn huyện Phú Tân, giống CK2003 được đánh giá cho năng suất khá cao, từ 700 - 900 kg/ha. Tuy nhiên, khi thời tiết lạnh, giống nếp này lại mẫn cảm, khó phát triển, nhất là thời điểm bông nở thụ phấn.
Trước tình hình trên, ngành Nông nghiệp huyện bàn giải pháp khắc phục trong những vụ đông xuân kế tiếp. Trong đó, có ý kiến đề xuất, trong tình hình thời tiết diễn biến khó lường, mạnh dạn khuyến cáo nông dân không sử dụng giống CK2003 trong vụ đông xuân 2015-2016; hoặc cho nông dân thuộc vùng xuống giống sớm sản xuất sau tháng 12 để tránh thời tiết lạnh. Hiện nay, ngành Nông nghiệp huyện phối hợp Trường đại học Cần Thơ đang thực hiện đề tài lai tạo giống nếp mới do Tiến sĩ Võ Công Thạnh phụ trách. Đề tài được Sở Khoa học và Công nghệ chấp thuận kỳ vọng sẽ lai tạo ra giống nếp mới chất lượng, sớm thay thế giống nếp hiện tại, từng bước đưa huyện Phú Tân vươn lên là địa phương sản xuất nếp chất lượng lớn nhất trong tỉnh. Trước mắt, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND huyện Phú Tân đang lập danh sách, thống kê thiệt hại của nông dân để trình lên ngành chức năng tỉnh hỗ trợ kịp thời, giúp bà con giảm bớt khó khăn, đồng thời có thể tiếp tục sản xuất các vụ nếp tiếp theo.
Bài, ảnh: Mỹ Hạnh/ Báo An Giang
Không có nhận xét nào: