Hiện nay, khoai lang đã trở thành cây trồng đem lại thu nhập chính cho nhiều gia đình và một số huyện đã xác định đây là cây trồng chủ lực. Những năm gần đây, người dân không chỉ mở rộng diện tích mà còn chú trọng ứng dụng khoa học kỹ thuật từ khâu chọn giống cho đến chăm sóc để nâng cao năng suất và chất lượng củ khoai lang.
Tuy Đức là địa phương đã sớm trồng khoai lang theo hướng sản xuất hàng hóa. Để bảo đảm chất lượng ngay từ khâu giống, cách đây 3 năm, huyện Tuy Đức đã xây dựng vườn ươm giống khoai lang Nhật Bản bằng phương pháp nuôi cấy mô và chuyển giao kỹ thuật cho các cơ sở sản xuất giống trên địa bàn.
Huyện Tuy Đức đưa vào trồng thử nghiệm giống khoai siêu cao sản thành công
Cách thức sản xuất này đã mang lại hiệu quả, trong đó năm 2014 vừa qua, năng suất và sản lượng khoai lang trên địa bàn huyện Tuy Đức đã tăng mạnh so với trước đây. Toàn huyện trồng trên 2.250 ha, trong đó vụ hè thu trồng trên 2.010 ha, sản lượng gần đạt 22.300 tấn, bằng cả năm 2013. Nhiều hộ dân trồng giống này đạt năng suất từ 15-17 tấn/ha/vụ.
Trong năm vừa qua, Phòng Nông nghiệp – PTNT huyện Tuy Đức còn đưa các giống khoai lang siêu cao sản trồng thí điểm là HNV1 và HNV2 cho năng suất từ 40 -100 tấn/ha/vụ đã thành công và sẽ nhân rộng trong thời gian tới.
Còn tại huyện Đắk Song trong năm vừa qua, địa phương cũng trồng trên 4.630 ha khoai lang, thu về trên 62.050 tấn, tăng trên 10% so với năm trước.
Ông Lê Hoàng Vinh, Trưởng Phòng Nông nghiệp-PTNT huyện Đắk Song cho biết: “Người dân trên địa bàn huyện đã chú trọng chọn trồng các giống nuôi cấy mô và áp dụng kỹ thuật vào sản xuất. Nhiều hộ dân không trồng khoai lang liên tiếp trên một diện tích nữa mà luân canh, một vụ trồng hoa màu, một vụ trồng khoai để tăng năng suất”.
Những năm qua, tại các huyện khác như Đắk R’lấp, Gia Nghĩa, Đắk Glong, Krông Nô, người dân cũng đã tăng diện tích trồng khoai lang, nâng diện tích toàn tỉnh trồng khoảng 8.000 ha.
Ông Phạm Hùng Vỹ, Phó Phòng Kỹ thuật – Nghiệp vụ (Sở Nông nghiệp –PTNT) cho biết: “Những năm gần đây, diện tích khoai lang trên địa bàn tỉnh hàng năm đều tăng thêm từ 150 - 200 ha. Người dân ngày càng chú trọng và quan tâm hơn đến chất lượng giống. Trước đây, người dân tự nhân giống nên bị thoái hóa, ít hiệu quả. Hai năm trở lại đây, người dân đã sử dụng nguồn giống nuôi cấy mô, giống sạch bệnh nên đã kiểm soát được các loại bệnh ngay từ ban đầu. Trước đây, năng suất trung bình của khoai lang chỉ đạt khoảng 11 tấn/ha/vụ nhưng từ năm 2013 đến nay đã tăng lên trên 13 tấn/ha/vụ. Tại các vườn sử dụng “giống sạch” bằng phương pháp nuôi cấy mô thì năng suất tăng từ 15- 20%”.
Hàng năm, Sở Nông nghiệp -PTNT đã kiểm tra các cơ sở sản xuất giống, quản lý giống. Hiện nay, Sở Nông nghiệp – PTNT đã hướng dẫn và cử cán bộ theo dõi quá trình nhân giống khoai lang Nhật Bản bằng phương pháp nuôi cấy mô tại Hợp tác xã Nông nghiệp-Thương mại-Dịch vụ Tia Sáng để kiểm soát chất lượng tốt bán cho người dân trồng.
Đơn vị cũng tiếp tục khuyến khích người dân trong những năm tới sử dụng giống sạch bệnh để tăng năng suất, chất lượng củ khoai lang. Cũng theo khuyến cáo của Sở Nông nghiệp-PTNT, để nâng cao chất lượng củ khoai lang thì trên chất đất có thể luân canh cây trồng thì người dân có thể trồng 2 vụ khoai lang và 1 vụ cây hoa màu. Nếu chỉ trồng được 1 vụ thì vụ hè thu nên trồng hoa màu còn vụ thu đông nên trồng khoai sẽ thích hợp hơn.
Bài, ảnh: Thanh Nga/ Báo Đăk Nông
Không có nhận xét nào: