» » » Rau trái dịp Tết: Đắt vườn, ế chợ?

Bất chấp ngày tết cận kề, điệp khúc mất giá ngay trong “thời điểm vàng” đang gây nhiều bất lợi cho người trồng rau, trái ở Đồng bằng sông Cửu Long. Chưa kể sau thời gian tranh mua, nạn “đắt vườn, ế chợ”, giá giảm ngay sau ngày tết có khả năng tái diễn trong năm nay càng dồn đẩy người nông dân vào cùng cực khó khăn.

Do nhiều người cùng tập trung vào thị trường ngày tết nên nhiều loại rau, củ dội chợ.

Dù tết đến gần, giá nhiều loại rau, trái lại đồng loạt giảm giá 30 - 50% mà vẫn khó bán, đến mức phải nhổ bỏ… Thậm chí dù đã bán xong, nhiều nhà vườn còn phập phồng với nỗi ám ảnh bị thương lái nài nỉ giảm bớt tiền...

Rau màu rớt giá

Dẫn tôi ra đám ngò rí hơn 2 công (1.000m2/công) dự kiến bán tết, ông Phạm Văn Đẽo (xã Mỹ Hội Đông, Chợ Mới, An Giang) man mát: “Bây giờ giá 2.000 đồng/kg nên tôi quyết định giữ lại thêm 2 tháng để thu hoạch hạt giống”. Dù chưa biết sẽ bán giống cho ai, giá bao nhiêu… nhưng cách làm của ông Đẽo tránh được thua lỗ trước mắt. Tuy nhiên, không phải ai cũng có điều kiện làm giống như ông Đẽo, bởi phần lớn người trồng rau màu ở Chợ Mới nói riêng, ĐBSCL nói chung đều thuê mướn đất. Vì vậy, thua keo này là bày keo khác ngay để chạy đua với áp lực giá thuê đất 3 - 4 triệu đồng/công/năm

Để tránh thua lỗ kéo dài, nhiều “khổ chủ” còn chủ động tranh bán với giá thấp, thậm chí mới đây nhiều nông dân trồng ngò rí ở Mỹ Hội Đông còn nhổ bỏ để trồng vụ mới… đã tạo ra sự hỗn loạn và rộng khắp vùng. Chị Trần Thị Lệ Thu - thương lái chuyên thu mua rau màu ở Chợ Mới - cho biết: “So với tháng trước, giá nhiều mặt hàng giảm 2 - 3 lần, như bắp cải chỉ còn 2.000 đồng/kg; rau xà lách 2.000 đồng/kg; ngò gai 3.000 đồng/kg; rau tần ô chỉ còn chưa đầy 4.000 đồng/kg


Thậm chí đến hàng có “thương hiệu” như khoai môn, kiệu của huyện Lấp Vò (Đồng Tháp) vừa được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu vào năm 2014 cũng rớt giá như xe lao dốc không phanh. Hiện giá kiệu chỉ còn chưa đầy 8.000 đồng/kg.

“Với mức giá như hiện nay, bà con bị thua lỗ khoảng từ 5 - 8 triệu đồng/công” - anh Trần Văn Hải, xã Hội An Đông (Lấp Vò) - lý giải: “Thời tiết không thuận lợi, chi phí đầu tư tăng, năng suất giảm so với cùng kỳ các năm trước từ 30 - 40% (bình quân 3 tấn/công).

“Không phải thương lái cố tình đè giá như nhiều người hiểu trước đó” - chị Thu phân bua: “Ai cũng tập trung trồng bán vào dịp tết nên bị dội chợ, rớt giá. Thường khi, mỗi ngày tôi tiêu thụ 1 tấn rau cho các chủ vựa chợ Long Xuyên, nhưng hiện nay chỉ được 400kg và nhiều khả năng con số này sẽ giảm vào dịp cận tết”.

Nỗi lo ế chợ

Được xác định là mặt hàng “không thể thiếu” trong dịp tết nên thường đây là thời điểm “ăn nên làm ra” của người trồng dưa hấu (DH). Thế nhưng năm nay mọi chuyện đã khác. Tại An Giang, giá DH tại ruộng chỉ còn 2.000 đồng/kg. “Bình quân mỗi công DH, nông dân lỗ ngót nghét 1 triệu đồng” - anh Nguyễn Văn Hai, ở xã Tân Hòa (Phú Tân, An Giang) nói. Tuy nhiên, nhìn chung, giá trái cây chưa rớt đến mức báo động và đồng loạt như rau màu, bởi bên cạnh đà rớt giá chung, hiện nay vẫn còn một số mặt hàng “đứng” ở giá cao. Điển hình như cam, quý… nhất là quýt hồng (QH) Lai Vung (Đồng Tháp). Hiện thương lái đến tận vườn đặt QH với giá trên 25.000 đồng/kg

Tuy có thấp hơn bình quân năm trước 3.000 - 5.000 đồng/kg, nhưng do năm nay trúng mùa, năng suất tăng hơn năm trước 10 - 15%, tức đạt mức 100 - 120 tấn/ha nên người dân vẫn lãi cao: Trên 200 triệu đồng/ha. Cá biệt như vườn của ông Lưu Văn Tín (Long Hậu, Lai Vung) có cây đạt năng suất trên 500kg, với giá bán này, lãi trên 10 triệu đồng/cây, tức tương đương với lợi nhuận của cả 1ha trồng lúa. Tuy nhiên, nhìn chung giá nhiều loại trái cây tết cũng đang manh nha khả năng trượt theo vết xe… cũ.

 “Năm nay nhuận 2 tháng 9 âm lịch, nhiều vườn bị chín sớm 1 tháng nên phải “neo” lại” - ông Lưu Văn Ràng - người trồng 7 công quýt hồng ở xã Vĩnh Thới (Lai Vung) - lo lắng: “Đây sẽ là nguyên nhân gây ra nguy cơ đổ vỡ giá vào phút 89”. Theo ông Ràng, việc “neo” trái thêm 1 tháng sẽ khiến trái quýt bị giảm trọng lượng (bị khô lại) và ít được người tiêu dùng ưa chuộng nên nhà vườn phải cạnh tranh bằng cách bán rẻ, góp phần làm xáo trộn thị trường… mà chuyện quýt rớt giá, khiến thương lái thua lỗ nặng vào tết năm trước là bài học nhãn tiền. 

Sau thời gian tranh mua để bán dịp tết, thương lái đẩy giá mua quýt lên 30.000 - 35.000 đồng/kg. Nhưng đến ngày 28 tháng chạp, giá thị trường rớt liên tục từ 45.000 xuống còn 15.000, thậm chí là 10.000 đồng/kg.

“Nạn “đắt vườn, ế chợ” đã khiến nhiều thương lái lỗ bạc tỉ” - ông Ba Trân - Chủ nhiệm CLB Hội Làm vườn xã Tân Phước (Lai Vung) - cho biết thêm: Sau tết, nhiều lái nài nỉ nhà vườn giảm giá 2.000 - 3.000 đồng/kg. Với năng suất 3 - 3,5 tấn, số tiền bị “mất” vào phút 89 lên đến trên dưới 10 triệu đồng/công”.

Lục Tùng/ Báo Lao Động

Về Tin tức nông nghiệp

Chuyên tin tức nông nghiệp, chỉ tin tức nông nghiệp. tintucnongnghiep.com là một blog chia sẻ tin tức nông nghiệp Việt Nam và thế giới theo tiêu chí kết nối, chia sẻ và phi lợi nhuận.
«
Trước
Bài đăng Mới hơn
»
Sau
Bài đăng Cũ hơn

Không có nhận xét nào:

Chia sẻ của bạn về bài viết này: