Khi phần lớn diện tích lúa đông xuân các địa phương trong tỉnh An Giang còn đang trong giai đoạn mạ - đẻ nhánh - đòng trổ, thì nhiều nông dân trên địa bàn huyện Tri Tôn đã thu hoạch lúa trước Tết Nguyên đán. Dù giá lúa không như mong muốn, nhưng đạt năng suất cao, bà con có mùa xuân ấp áp.
Thời tiết thuận lợi
Thời điểm này, dọc theo các tuyến kênh Mới, kênh 3, kênh 4, kênh Võ Văn Kiệt(T5), T6, Vĩnh Tế, Tám Ngàn… đâu đâu cũng thấy những chiếc máy gặt đập liên hợp chạt tất bật trên những cánh đồng lúa chín vàng. Dưới kênh, ghe mua lúa của hàng xáo chạy dập dìu. Thời tiết nắng hanh, sương mù nhẹ, không mưa nên từ 8 giờ sáng, bà con nông dân đã tranh thủ thu hoạch lúa cho đến nhá nhem tối.
Thương lái mua lúa tươi của nông dân Tri Tôn
Lúa sắp thu hoạch đã có “cò” đến định giá. Thỏa thuận xong, nông dân chỉ việc thuê máy cải tiến gom lúa ra bờ kênh, ngồi xem cân với thương lái, chuyện bốc vác đã có chủ ghe lúa lo. Cân lúa xong, bà con chỉ việc ôm bọc tiền chở bao đựng lúa (sau khi xả lúa xuống ghe) về nhà. Dù giá lúa có thấp hơn so vụ đông xuân trước, không lời nhiều, nhưng các chủ ruộng vẫn cười tươi vì có tiền lo sắm Tết.
Vừa thu hoạch xong 6 héc-ta lúa cân cho thương lái, anh Huỳnh Văn Tiền, canh tác lúa khu vực ấp Cà Na (xã Lương An Trà), cho biết, nhờ thời tiết thuận lợi, giống lúa IR50404 vụ đông xuân này đạt năng suất 1,05 tấn/công tầm cắt, cao hơn 50kg so vụ đông xuân 2013 - 2014. Tuy nhiên, giá bán chỉ được 4.200 đồng/kg lúa tươi, trong khi vụ đông xuân trước là 4.400 đồng/kg. Hơn nửa tháng trước, những người thu hoạch đầu tiên có thể bán được 4.500 – 4.700 đồng/kg - anh Tiền bộc bạch.
Anh cho biết, do thu hoạch lúa đông xuân sớm hơn 2 tháng so các địa phương khác nên với 6 héc-ta, anh cho thuê trồng dưa hấu giá 1 triệu đồng/công tầm cắt trước khi xuống giống vụ hè thu. Sau đó, xả lũ tự nhiên.
Trong khi nông dân không quá lo vì ít nhiều cũng có tiền xài Tết thì thương lái lại đứng ngồi không yên vì giá lúa gạo thất thường. “Mới tuần trước, giá gạo IR50404 nhập vào kho có giá 6.250 đồng/kg, mình mua lúa theo giá gạo này thì ngày 10-2, kho báo giá còn 6.150 đồng/kg, coi như lỗ 100 đồng/kg. Việc báo giá gạo chỉ trong giới hạn 3 ngày trong khi để gom lúa đầy ghe 190 tấn phải mất 4 – 5 ngày, đem về chờ sấy, xay xát nữa chạy ra 8 – 9 ngày. Phải chi có chính sách ổn định giá lúa và giới hạn báo giá có giá trị từ 1 tuần đến 10 ngày thì thuận lợi cho chúng tôi biết mấy. Nhiều hàng xáo làm ăn thua lỗ cũng vì phải “đoán mò” giá lúa gạo” – chị Trần Minh Thúy, thương lái quê Chợ Mới, chuyên mua lúa khu vực Tri Tôn, chia sẻ.
Đề xuất xuống giống sớm
Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) huyện Tri Tôn Trần Văn Cường cho biết, tính đến ngày 9-2, nông dân trên địa bàn huyện đã thu hoạch đạt 5.796/40.822 héc-ta tổng diện tích xuống giống vụ đông xuân 2014 – 2015. Các địa phương thu hoạch nhiều là 2 xã biên giới Vĩnh Gia, Lạc Quới và các xã Lê Trì, An Tức, Lương An Trà, Vĩnh Phước… “Lúa đông xuân sớm đạt năng suất bình quân 6,14 tấn/héc-ta, cao hơn vụ đông xuân trước. Tuy nhiên, giá cả không ổn định khiến nông dân chưa vui trọn vẹn” – ông Cường nói.
Huyện Tri Tôn có 15.21 héc-ta lúa đông xuân đang trong giai đoạn ngậm sữa – chín (trên 70 ngày). Diện tích này cũng sẽ được thu hoạch trong dịp Tết Nguyên đán. Riêng 11.060 héc-ta đang trong giai đoạn trổ (từ 61 – 70 ngày) gần tháng nữa cũng sẽ thu hoạch. Nhiều diện tích thu hoạch lúa đông xuân sớm gần 2 tháng, nên Phòng NN-PTNT huyện đã có văn bản đề nghị Sở Nông nghiệp-Phát triển Nông thông cho phép Tri Tôn xuống giống 8.978 héc-ta lúa hè thu trước ngày 1-4-2015, sớm hơn so quy định lịch thời vụ. “Việc xuống giống hè thu sớm sẽ giúp xuống giống vụ thu đông sớm hơn. Khi đó, nông dân có thể xả lũ tự nhiên 2 tháng trước khi xuống giống lại vụ đông xuân. Việc xả lũ một phần diện tích vừa giúp rửa trôi độc tố hữu cơ trong đất, tích tụ phù sa và giảm áp lực chống lũ ở các vùng đê bao 3 vụ còn lại” – ông Chính phân tích.
Bài, ảnh: Ngô Chuẩn/ Báo An Giang
Không có nhận xét nào: