“Chúng ta cần nhìn thấy bài toán nhập khẩu sữa, nhập khẩu thịt bò tức là nhập khẩu lao động, phải có quan điểm mới, cách nhìn mới, chứ giờ không còn là thời chỉ có lúa và lúa”, ông Lê Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội thức ăn chăn nuôi nhấn mạnh.
Ảnh minh họa. Nguồn Internet
Theo ông Lê Bá Lịch, trong chăn nuôi bò sữa, 1ha cỏ có thể đánh đổi 3-4 ha lúa về mặt giá trị. Giai đoạn hiện nay, chăn nuôi bò thịt thâm canh vẫn có hiệu quả hơn trồng lúa. Việt Nam hiện nay không có nhiều diện tích đồng cỏ, những diện tích trồng lúa kém hiệu quả có thể chuyển sang trồng cỏ, phải có tư duy mạnh dạn chuyển đổi. “Sao không dành đất trồng cỏ thay vì trồng lúa rồi phải loay hoay đi tìm thị trường xuất khẩu gạo. Bò thịt mỗi năm phải nhập trên 200.000 con bò trong khi đó nông dân lại không có việc làm”, ông Lịch nói.
Theo cách chăn nuôi của Australia, 1 con bò cần 1 ha đồng cỏ. Việt Nam chỉ có 45.000 ha đồng cỏ, nếu chăn nuôi theo kiểu này chỉ có thể nuôi được 45.000 con bò. Mặc dù vậy, ông Lê Bá Lịch cho rằng, với nhu cầu đi lên thì tiềm năng chăn nuôi bò là có nếu cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp, dành đất trồng cỏ nuôi bò.
Đồng tình với quan điểm trên, ông Nguyễn Đăng Vang, Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam cũng chỉ ra rằng, hàng năm Việt Nam có khoảng 70 triệu tấn từ các phụ phẩm nông nghiệp như rơm, bã mía, thân cây ngô… và thêm vào đó các chất tinh bột, vi lượng có thể chế biến thành thức ăn đáng kể cho bò. Do đó cần phải đẩy mạnh công nghệ chế biến phụ phẩm nông nghiệp trên thành thức ăn cho bò thì sẽ giải quyết phần nào việc nhập khẩu thịt bò.
“Với khoảng 6 - 7kg thức ăn cho 1kg thịt bò, chúng ta chỉ cần 20 triệu tấn phụ phẩm trên cũng có thể sản xuất ra cả triệu tấn thịt bò”, ông Vang cho biết.
Theo Cục Chăn nuôi, sở dĩ lĩnh vực chăn nuôi bò của Việt Nam khó phát triển như vậy bởi bò vàng, giống bò nội địa có năng suất thấp lại chiếm tới 54% tổng đàn bò. Việt Nam cũng đã tiến hành lai sind đàn bò. Tuy nhiên, việc lai tạo này với mục đích tăng sức cày kéo chứ không phải cho thịt. Ông Nguyễn Đăng Vang cho biết, dùng bò lai sind thì bò lai cũng chỉ nặng khoảng 220 kg. Nếu áp dụng công nghệ mới, đưa các giống mới hơn như bò lai angus, bò lai droughtmaster… thì con lai có thể được 330 kg, gấp 1,5 lần, tỷ lệ thịt xẻ cũng cao hơn. Các giống bò lai này đã được nuôi thành công ở Việt Nam trong nhiều năm nay, cùng với việc chúng ta có thể chủ động được nguồn tinh thì vấn đề phát triển đàn bò chất lượng cao không quá khó.
Theo ông Hoàng Thanh Vân, Cục trưởng Cục Chăn nuôi, với Quyết định 50/2014/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ giai đoạn 2015-2020, nông dân sẽ được hỗ trợ 100% tinh bò tốt để phối tạo ra đàn bò lai có chất lượng cao. Trong thời gian tới sẽ nhanh chóng chuyển giao công nghệ trong sản xuất thức ăn để tận dụng được phụ phẩm trong nông nghiệp. Kỳ vọng trong 2 – 3 năm tới, Việt Nam sẽ có tập đoàn sản xuất bò giống cũng như những cơ sở bò thịt tốt để cung cấp cho thị trường.
Bích Hồng/ Báo Hải Quan
Không có nhận xét nào: