Cuối năm 2013, gà đồi Yên Thế (Bắc Giang) được người tiêu dùng Hà Nội đón nhận nhiệt tình, nhưng đến thời điểm này, thương hiệu này gần như lép vế.
Gà đồi Yên Thế cần nâng cao chất lượng để giành lại thị phần
Tiêu thụ chậm
Đại diện UBND huyện Yên Thế cho biết, từ đầu năm 2015 đến nay, mỗi ngày các nông hộ trên địa bàn cung cấp ra thị trường khoảng 500 kg gà đã giết mổ; 150kg giò gà; khoảng trên 1 triệu con gà lông. Với chương trình đưa gà đồi Yên Thế về Hà Nội, các doanh nghiệp đã cung cấp 1,6- 2 triệu con trong dịp Tết Nguyên đán, tương đương 3,2- 4 nghìn tấn.
Qua khảo sát của chúng tôi trong những ngày giáp Tết tại một số siêu thị Hapro ở Thái Thịnh, Thanh Xuân (Hà Nội) tuyệt nhiên không thấy bóng dáng của gà đồi Yên Thế xuất hiện trên kệ hàng. Nhân viên của các siêu thị cho hay, thời gian gần đây, thương hiệu gà này bán chậm nên đã khá lâu rồi một số siêu thị tạm dừng nhập sản phẩm. Tại một số siêu thị như Hiway ở Hà Đông và phố Ngọc Khánh, có bán sản phẩm gà đồi Yên Thế, nhưng theo cán bộ phụ trách nhập hàng, số lượng tiêu thụ mỗi ngày rất ít, chỉ vài chục con, không đáng là bao so với các sản phẩm tươi sống khác. Tại siêu thị Co.opmart Hà Đông - nơi tiêu thụ gà đồi Yên Thế tốt nhất từ trước đến nay, nhưng người tiêu dùng cũng chẳng mấy mặn mà.
Được biết, việc cung cấp gà đồi Yên Thế cho thị trường Hà Nội ban đầu do 2 doanh nghiệp đảm nhiệm là Công ty CP chăn nuôi chế biến gia cầm Trường Anh và Công ty CP Giang Sơn. Tuy nhiên, sau thời gian đầu khai trương rầm rộ, giờ chỉ Công ty CP Giang Sơn còn hoạt động. Bà Nguyễn Thị Tâm - Giám đốc Công ty CP Giang Sơn - chia sẻ, bình quân mỗi tháng, công ty tiêu thụ khoảng 100 tấn gà đồi Yên Thế. Tuy nhiên, trên 90% lượng gà lại được tiêu thụ tại các tỉnh miền núi phía Bắc như Tuyên Quang, Hà Giang, Sơn La, Lai Châu, Điện Biên… Số lượng gà đã sơ chế bán tại Hà Nội chỉ được vài trăm con/ngày.
Ông Bùi Văn Hải - Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang:
Để duy trì, phát triển thương hiệu gà đồi Yên Thế cần tập trung vào 4 nhóm giải pháp, gồm: Tái cơ cấu lại giống gà; tập trung đầu tư các hộ chăn nuôi có tiềm lực, kỹ năng tốt để tạo ra sản phẩm khác biệt, chất lượng cao.
Cần nâng tầm chất lượng
Trên thực tế, người dân Thủ đô rất yên tâm với nguồn gốc xuất xứ của gà đồi Yên Thế, song không ít bà nội trợ vẫn chưa hài lòng về chất lượng. Chị Minh Hà - ở đường Nguyễn Trãi, Thanh Xuân - nhìn nhận, gà đồi Yên Thế thịt bở, không thơm, dai và ngọt như gà ta. Vì vậy, người tiêu dùng chọn ăn gà ri lai được nuôi dài ngày.
Gà mía lai tại Yên Thế có nhược điểm màu lông xấu, chất lượng thịt trung bình, vì vậy, để chiếm lĩnh thị trường khó tính như Hà Nội không hề đơn giản, cần phải nâng cao chất lượng. Theo ông Lưu Xuân Vượng - Chủ tịch UBND huyện Yên Thế - trong năm 2015, Đề án hỗ trợ phát triển chăn nuôi gà đồi Yên Thế được triển khai theo hướng đưa quy trình chăn nuôi gà an toàn sinh học theo hướng VietGAP (Quy trình thực hành chăn nuôi tốt) áp dụng vào các hộ chăn nuôi. Quy mô sẽ áp dụng tại 3 xã Đồng Tâm, Tam Tiến và Tiến Thắng, giúp người dân từng bước thay đổi phương thức chăn nuôi tạo ra sản phẩm gà đồi Yên Thế bảo đảm chất lượng, đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của thị trường.
Ông Vượng cho rằng, để đáp ứng nhu cầu của đề án, 3 cơ sở ấp nở, sản xuất con giống gia cầm có công suất từ 100.000 trứng/năm trở lên được đầu tư nhằm tạo ra con giống chất lượng tốt và đúng chủng loại theo yêu cầu cung cấp cho các hộ chăn nuôi, bảo đảm đủ tiêu chuẩn đưa vào các nhà hàng, siêu thị lớn.
Lan Anh/ Báo Công Thương
Không có nhận xét nào: