» » Cao su nguyên liệu giảm giá: Cơ hội lớn cho hoạt động chế biến sâu

Theo dự báo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, ngành cao su sẽ tiếp tục phải đối mặt với tình trạng giảm giá sâu trong năm 2015. Trước đó, giá cao su nguyên liệu đã giảm 5 năm liền liên tiếp (2009-2014). Đặc biệt năm 2014, giá cao su đã có thời điểm chạm đáy với giá 1.500 USD/tấn.  


Thuận lợi cho sản xuất sản phẩm cao su

Tình trạng giá cao su nguyên liệu giảm đặt ra hai vấn đề: Thuận lợi của ngành sản xuất sản phẩm cao su (săm lốp và các sản phẩm khác) và câu chuyện về chế biến sâu nguồn nguyên liệu cao su.

Về tình hình sản xuất các sản phẩm cao su, do giá cao su nguyên liệu tiếp tục duy trì ở mức thấp đã giúp các DN chủ động nguồn cung cấp, giảm giá thành sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh. Năm 2014, cả Casumina và Công ty cổ phần cao su Đà Nẵng (DRC) đều khánh thành đi vào sản xuất nhà máy sản xuất lốp radial toàn thép công nghệ cao. Bước đầu sản phẩm đã được ghi nhận và tiêu thụ rất tốt.

Sản phẩm lốp radial đã đem lại doanh thu xuất khẩu lớn cho các đơn vị. Năm 2014, xuất khẩu sản phẩm cao su của các đơn vị trong Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) ước đạt 63,9 triệu USD, bằng 100% so với năm 2013, chiếm tỷ trọng 27,6%. Trong đó, Casumina xuất khẩu đạt 42,3 triệu USD, DRC đạt 18 triệu USD (tăng 15,8%), Cao su Sao Vàng đạt 3,5 triệu USD.

Ông Phạm Hồng Phú - Tổng giám đốc Casumina cho biết, đầu năm 2015,Casumina đã đạt được thỏa thuận với đối tác Mỹ về việc xuất khẩu lốp xe radial toàn thép sang thị trường này. Theo đó, tổng số lượng lốp xe mà công ty xuất sang thị trường Mỹ từ nay đến cuối năm đạt khoảng 200.000 chiếc với tổng giá trị lên tới gần 57 triệu USD. Đây là tín hiệu khả quan, đánh dấu một bước tiến vượt bậc trong nền công nghiệp sản xuất săm lốp ô tô radial toàn thép công nghệ cao. Ông Phú cũng cho biết, do giá nguyên liệu đầu vào thấp nên năm 2015, Casumina tiếp tục đặt mục tiêu doanh thu tăng 20% và lợi nhuận tiếp tục giữ vững và có thể tăng trưởng so với năm 2014 (423 tỷ đồng).

Bài toán chế biến sâu

Theo Bộ NN &PTNT, năm 2014, Việt Nam xuất khẩu được 1,07 triệu tấn cao su, giá trị thu về là 1,8 tỉ USD, mức xuất khẩu này tương đương năm 2013 song giá trị thu về giảm gần 28%. Trong khi đó, khối lượng cao su nhập khẩu của Việt Nam trong năm 2014 tăng 4,9% với 328.000 tấn, đạt 658 triệu USD.

Trung Quốc là thị trường nhập khẩu cao su lớn thứ 6 của Việt Nam, chiếm 5,4% tổng kim ngạch nhập khẩu, sau các thị trường lớn như Hàn Quốc, Nhật Bản, Campuchia... So với cùng kỳ năm 2013, tổng khối lượng nhập khẩu cao su từ thị trường Trung Quốc trong 11 tháng đầu năm 2014 đã tăng 10,8% và giá trị tăng 4%.

Ông Trần Ngọc Thuận, Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) cho biết, hiện Việt Nam chủ yếu xuất khẩu sản phẩm thô, chủ yếu là cao su thiên nhiên đã qua sơ chế và nhựa cao su Latex (chưa qua sơ chế). Với cách làm này, giá trị gia tăng của ngành cao su không cao và không ổn định và bị phụ thuộc. Theo tính toán, nếu chuyển sang chế biến thành các sản phẩm cao su thông thường (như săm lốp), giá trị sẽ tăng gấp 8-10 lần so với bán cao su nguyên liệu thô. Trong khi đó, chúng ta lại nhập một số lượng lớn cao su nguyên liệu đã qua chế biến. Như vậy, câu chuyện về việc chế biến sâu nguyên liệu cao su cần được quan tâm hơn bao giờ hết.

Ông Phạm Hồng Phú - Tổng giám đốc Casumina cho biết, để sản xuất, Casumina hầu như mua nguyên liệu cao su trong nước trực tiếp từ các nông trường. Lượng cao su nguyên liệu thô này được sơ chế cho phù hợp với tiêu chuẩn để sản xuất ra các sản phẩm cao su. Công ty chỉ phải nhập một số loại như than đen, hóa chất từ nước ngoài để phục vụ cho việc xử lý cao su nguyên liệu. Tuy nhiên, hiện tất cả các đơn vị sản xuất sản phẩm cao su trong nước đều phải nhập 100% cao su tổng hợp vì trong nước chưa sản xuất được. Lượng cao su tổng hợp này chiếm khoảng 1/5 trong tổng lượng cao su sản xuất của toàn công ty. Ông Phú cũng cho biết, trong thời gian tới, Casumina sẽ đầu tư công nghệ hơn nữa để xử lý chế biến sâu nguồn cao su nguyên liệu trong nước.

Nguyễn Duyên/ Báo Công Thương

Về Tin tức nông nghiệp

Chuyên tin tức nông nghiệp, chỉ tin tức nông nghiệp. tintucnongnghiep.com là một blog chia sẻ tin tức nông nghiệp Việt Nam và thế giới theo tiêu chí kết nối, chia sẻ và phi lợi nhuận.
«
Trước
Bài đăng Mới hơn
»
Sau
Bài đăng Cũ hơn

Không có nhận xét nào:

Chia sẻ của bạn về bài viết này: