» » » Cam khó tiêu thụ bởi thiếu thương hiệu

Mặc dù Tết Nguyên đán đã cận kề nhưng đến nay, nhiều vườn cam ở thị trấn Nông trường Trần Phú (Văn Chấn, Yên Bái) vẫn còn trĩu trịt quả, thi thoảng mới có người hỏi mua. Nhiều người trồng cam đang than thở “nhà mình không có tết”...

Cam ngon vẫn khó bán

Vườn cam nhà bà Lê Thị Dung ở xã 19/5 (thị trấn Nông trường Trần Phú) đến thời điểm này vẫn còn đỏ rực quả trên cây vì không có người hỏi mua. Bà Dung than thở: “Mọi năm, đến thời điểm này vườn nhà tôi chỉ còn cam sành, nhưng năm nay cả cam đường Canh, cam chanh Vinh cũng rất khó bán. Tết đến nơi rồi mà chưa thấy thương lái đến hỏi mua. Cam sành thì để qua tết còn được, chứ những loại khác thì chỉ có đổ đi. Kiểu này chắc nhà tôi mất tết thôi...”.

Hơn 3ha cam của gia đình anh Nguyễn Xuân Hải ở xã 19/5 đã chín đỏ nhưng vẫn chưa có khách mua. Ảnh: Vũ Huế

Cùng chung cảnh ngộ với nhà bà Dung, nhiều hộ trồng cam ở các đội 6, 7, 8, 19/5 – những nơi có diện tích trồng cam lớn nhất thị trấn cũng như đang “ngồi trên lửa” vì cam đã chín đỏ vườn mà vẫn không có người hỏi mua. Ông Vũ Văn Tuấn (đội 7) cho biết, nhà ông có hơn 4ha cam các loại, mọi năm giá bán tương đối khá, nhà ông thu về khoảng 400 - 500 triệu đồng, nhưng năm nay, ngoài cam sen thì các loại cam còn lại đều sụt giá, khiến thu nhập của gia đình ông giảm tới một nửa. Ông Tuấn cho biết: “Nhà tôi may mắn bán hết cam sớm nên còn đỡ, nhiều hộ cố giữ cam lại để gần tết bán hy vọng được giá cao hơn, ai dè năm nay giá ngày càng giảm, lại không ai mua. Nhà tôi hiện cũng vẫn còn hơn 1ha cam sành chưa bán được”.

Cũng theo ông Tuấn, cam ở Trần Phú rất ngọt, mọng nước nhờ hợp thổ nhưỡng, khí hậu, bà con lại có kinh nghiệm chăm sóc nên chất lượng cam khá cao. Tuy nhiên, do chưa xây dựng được thương hiệu nên giá bán cam Trần Phú thường không ổn định, hay bị trà trộn với cam ở các vùng khác. Mặc dù được đánh giá có chất lượng ngang nhau, nhưng cam sành Hà Giang luôn bán được giá cao, khoảng 20.000 – 30.000 đồng/kg, còn cam Nông trường Trần Phú chỉ khoảng 8.000 – 13.000 đồng/kg. Tương tự, cam đường Canh ở Trần Phú chỉ bán được 22.000 – 30.000 đồng/kg cắt xô, trong khi cam Canh ở Lục Ngạn (Bắc Giang) giá lên tới 60.000 – 80.000 đồng/kg...

Xây dựng thương hiệu cam Trần Phú

Trao đổi với NTNN, ông Nguyễn Mạnh Thắng – Cán bộ phụ trách nông lâm nghiệp của UBND thị trấn Trần Phú cho biết, những năm gần đây, UBND thị trấn đã có những biện pháp nhằm xây dựng vùng cam thị trấn Trần Phú thành vùng canh tác tập trung. Theo đó, những diện tích chè kém hiệu quả trên địa bàn đã được bà con chuyển đổi sang trồng cam với những giống chất lượng cao như cam sành, cam sen, cam chanh Vinh, cam đường Canh. Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp thị trấn cũng phối hợp với các ban ngành liên quan quản lý chặt chẽ việc mua bán giống cam trôi nổi ngoài thị trường, nhằm đảm bảo cung cấp cho bà con giống cam sạch bệnh; kết hợp Trạm Khuyến nông huyện mở các lớp tập huấn về kỹ thuật trồng và chăm sóc cam cho bà con...

“Chúng tôi đang tiến hành các bước xây dựng thương hiệu cho cam Trần Phú, tuy nhiên, do bà con chủ yếu vẫn trồng cam theo kiểu tự phát, việc thâm canh, chăm sóc chủ yếu dựa vào kinh nghiệm, hàm lượng khoa học kỹ thuật trong sản xuất còn thấp... nên để có được thương hiệu, sẽ phải mất nhiều thời gian nữa” – ông Thắng cho biết.

Hiện toàn thị trấn Nông trường Trần Phú có 500/1.580 hộ trồng cam, diện tích khoảng 400ha, sản lượng 2.100 tấn, trong đó nhiều hộ có thu nhập bình quân 200 – 300 triệu đồng/năm. Dự kiến năm 2015, diện tích cam tại đây sẽ tăng thêm khoảng 15ha

Vũ Huế (Dân Việt) 

Về Tin tức nông nghiệp

Chuyên tin tức nông nghiệp, chỉ tin tức nông nghiệp. tintucnongnghiep.com là một blog chia sẻ tin tức nông nghiệp Việt Nam và thế giới theo tiêu chí kết nối, chia sẻ và phi lợi nhuận.
«
Trước
Bài đăng Mới hơn
»
Sau
Bài đăng Cũ hơn

Không có nhận xét nào:

Chia sẻ của bạn về bài viết này: