Phải thay đổi nhiều hơn nữa để công cuộc tái cơ cấu mà ngành nông nghiệp triển khai suốt thời gian qua đem lại kết quả như mong đợi.
Lúa gạo là ngành hàng chủ lực cần tập trung khi tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Ảnh: Trần Việt
Hiệu quả chưa rõ
Tại hội thảo “Tái cơ cấu nông nghiệp Việt Nam: Từ chính sách đến thực tiễn” diễn ra mới đây, GS. Trần Đức Viên, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho rằng, nông nghiệp Việt Nam chưa thực sự phát triển bền vững. Khả năng cạnh tranh của một số sản phẩm nông sản chưa cao, thị trường tiêu thụ thiếu ổn định, chưa hình thành chuỗi giá trị nông sản. Tăng trưởng nông nghiệp thời gian qua chủ yếu theo hướng tăng diện tích, tăng vụ và tận dụng lợi thế từ các yếu tố đầu vào như lao động, vốn, vật tư và các nguồn lực tự nhiên khác.
Theo GS. Đỗ Kim Chung, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, năm 2014, lần đầu tiên Việt Nam XK nông, lâm, thủy sản đạt trên 30 tỷ USD nhưng nhìn nhận ở bình diện rộng hơn trong nhiều năm thì tăng trưởng toàn ngành lại sụt giảm. Công cuộc tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã triển khai được một thời gian song hiệu quả chưa rõ ràng để có thể tạo ra sự đổi thay thực sự. GS. Đỗ Kim Chung cho rằng, tái cơ cấu ngành nông nghiệp cần thực hiện quy hoạch phát triển nông nghiệp cả trong mục tiêu chung và dài hạn 50 hay 100 năm, có chiến lược bảo tồn, sử dụng đất nông nghiệp trước khi thực hiện các quy hoạch phát triển công nghiệp và đô thị.
Liên quan tới vấn đề này, GS.TS. Trần Đức Viên nhấn mạnh, muốn hiệu quả, tái cơ cấu nông nghiệp Việt Nam phải tập trung vào chính sách phát triển khoa học và công nghệ trong sản xuất, chế biến nhằm giảm chi phí sản xuất, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp ở cả thị trường trong cũng như ngoài nước, tổ chức lại sản xuất nông nghiệp gắn với chuỗi giá trị nội địa và chuỗi giá trị toàn cầu.
“Hiện nông dân bị điều khiển bởi thị trường nên họ sẵn sàng bỏ cây, chặt cây, nuôi con mới. Do đó, chúng ta phải có quy hoạch kiên định, có phát triển dài hạn, bám sát thị trường, không để sản xuất tự phát, gây thiệt thòi cho bà con nông dân. Đặc biệt, điều cần làm ngay là tái cơ cấu trong giáo dục và đào tạo nông nghiệp, tái cơ cấu quản lý khoa học công nghệ, tái cơ cấu trong chính sách và thể chế quản lý phát triển nông nghiệp và nông thôn”, GS. TS Trần Đức Viên nói.
Tập trung vào sản phẩm chủ lực
Xung quanh câu chuyện tái cơ cấu ngành nông nghiệp như thế nào cho hiệu quả, PGS. TS Chu Tiến Quang, Viện Kinh tế và Quản lý Trung ương cho rằng, tái cơ cấu ngành nông nghiệp đến năm 2020 cần bắt đầu dựa trên cơ sở rà soát lại cơ cấu cây trồng vật nuôi trên từng vùng sản xuất, trong đó xác định rõ quy mô, diện tích cây trồng, vật nuôi có năng lực cạnh tranh để tiếp tục duy trì, đồng thời thay đổi các loại cây trồng, vật nuôi không có năng lực cạnh tranh bằng các loại có sức cạnh tranh hơn. Việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp cũng cần dựa trên cơ sở quy hoạch lại quỹ đất nông nghiệp cả nước ở từng vùng vào phát triển hàng hóa lớn, tập trung theo từng sản phẩm chủ lực, trước mắt là các sản phẩm nông, lâm, thủy sản XK như lúa gạo, cà phê, cao su, chè, tiêu, tôm, cá…
“Bên cạnh đó, cần chú trọng việc chuyển đổi phương thức sản xuất nông nghiệp của hộ nông dân từ truyền thống, nhỏ lẻ sang hàng hóa với quy mô hợp lý trên mỗi hộ gia đình và toàn vùng thông qua hình thành các tổ chức kinh tế của nông dân như tổ nhóm hợp tác xã, hiệp hội sản xuất và các mối liên kết giữa hộ nông dân và các tổ chức sản xuất kinh doanh… Đồng thời, có chính sách bảo hiểm rủi ro cho nông dân trong tái cơ cấu nông nghiệp nhằm giúp người sản xuất nông nghiệp khắc phục và bù đắp thiệt hại về tài chính do hậu quả của thiên tai, dịch bệnh gây ra", PGS.TS Chu Tiến Quang nhấn mạnh.
Xung quanh vấn đề này, TS. Đào Thế Anh, Phó viện trưởng Viện Cây lương thực-Cây thực phẩm khuyến nghị, lúa gạo là mặt hàng nông sản XK chủ lực của Việt Nam, vì vậy trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp, điều quan trọng là phải thay đổi chính sách tái cơ cấu chuỗi giá trị lúa gạo. Tiềm năng của khu vực xay xát-chế biến cần được phát triển, hiện đại hóa để tích tụ cả nguyên liệu và thành phẩm, hình thành các DN có vùng nguyên liệu, thiết bị chế biến hiện đại, có thị trường đầu ra ổn định, đảm bảo chất lượng thành phẩm. Có thể coi đây là lựa chọn chiến lược quyết định tương lai, vị thế của ngành lúa gạo Việt Nam.
Phát biểu tại Hội thảo, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân khẳng định, để tái cơ cấu nền nông nghiệp, yếu tố cơ bản là đơn vị sản xuất ở cơ sở phải thay đổi. Thực tế lâu nay hộ là đơn vị sản xuất ở cơ sở. Với khoảng 10 triệu hộ sản xuất ở cơ sở, trong quá trình hội nhập quốc tế, nếu không có tổ chức thì sẽ rối loạn không thể XK cũng như cạnh tranh được với hàng hóa bên ngoài. Chính vì vậy việc tái cơ cấu nền nông nghiệp phải bắt đầu từ tái cơ cấu đơn vị sản xuất cơ bản của Việt Nam là hợp tác xã, hoặc liên kết giữa hộ và DN.
Uyển Như/ Báo Hải Quan
Không có nhận xét nào: