Làng quất Tứ Liên (Hà Nội) vốn lâu đời và nổi tiếng với nghề quất cảnh tại Hà Nội. Nằm cạnh ven sông Hồng, dọc lối đi vào làng, qua các nhà vườn đã trông ngút mắt những trái chín mọng. Năm nay, đáp ứng nhu cầu chơi những “thú vui” độc, lạ trong ngày tết, các “nghệ nhân” nhà vườn trồng quất cảnh làng Tứ Liên đã đem đến một thú chơi mới cho người dân Hà thành. Đó là sản phẩm... quất bình.
Những cây quất bình ở Tứ Liên (Hà Nội) đang trở thành món hàng hút khách trước Tết Nguyên đán Ất Mùi. Ảnh: Thành An
Quất bình được trồng theo kiểu “hãm” cây bonsai, chỉ để chiều cao của cây phát triển đến độ nhất định và được trồng trong các bình gốm với các loại kiểu dáng. Theo các chủ nhà vườn, để tạo được một cây như vậy, bước đầu quất được giâm cành trước khi cho vào bình khoảng 1 - 2 năm, sau đó uốn, nắn, cắt tỉa cành cho cây nhỏ phải cẩn thận, nếu không dễ làm mất dáng.
Ông Bùi Thế Mạnh ở cụm 3, Tứ Liên - một trong những chủ vườn trồng quất bonsai gần 10 năm nay - cho biết, để có được một sản phẩm hoàn thiện phải mất khoảng 2 - 3 năm, thậm chí lên đến 5 năm. Ban đầu, cắt và giâm cành 1 - 2 năm để cây đủ độ lớn bứng gốc, sau khi chuyển vào bình, cây sẽ được chăm sóc hết sức cầu kỳ, đồng thời uốn dáng để kịp thời gian chơi tết. Cái khó để theo được hình thức này nằm ở việc làm sao khiến cho nhánh nhỏ có thể ra hoa và đơm quả bình thường, có thể hút ẩm và phát triển tốt trong điều kiện bình chứa nhỏ hẹp. Hiện trong vườn nhà ông Bùi Thế Mạnh có những cây quất bonsai có tuổi đời trên 10 năm, giá lên đến 17 triệu đồng/chậu. Tổng giá trị của vườn lên đến vài tỉ đồng.
Ông Mạnh cho biết thêm, những cây quất cảnh này được chăm sóc đặc biệt hơn những cây quất thường bán trên thị trường những năm qua. Những cây quất trồng trong bình có thể treo tường, hay đặt trong những nơi có diện tích chật hẹp. Ngoài ra, kỹ thuật trồng cũng khá phức tạp. Do trồng trong bình, có độ ẩm lớn nên lượng nước tưới cho cây phải phù hợp. Những cây quất trồng trong bình phải được đặt trong nhà có mái che tự động. “Nếu không tính công đầu tư chậu, tạo dáng..., thì chi phí cho mỗi chậu quất cũng chỉ tương đương với quất trồng đất, khoảng 500.000 - 1 triệu đồng/năm” - ông Mạnh cho hay.
Khảo sát tại một số phố bán cây cảnh tại Hà Nội, so với nhiều loại cây cảnh khác trên thị trường, cũng với đặc tính nhỏ nhắn, hợp nhà đô thị và mang hàm ý may mắn năm mới như thạch lựu, thanh long cảnh, mận kiểng… quất trồng trong bình gốm đắt hơn khá nhiều, có những mẫu chênh tới 2 - 3 triệu đồng. Tuy nhiên, theo nhiều chủ vườn, dòng cây cảnh này vẫn hút khách vì người chơi cây biết được cái khó, cái hay của quất bình. Nhất là những bình gốm mọc rêu xanh, cũ kỹ vì mưa nắng, nhưng toát lên dáng điệu tự nhiên; hoặc dáng, thế đẹp, nghệ thuật vẫn được khách yêu thích.
Là người chơi cây cảnh lâu năm, anh Nguyễn Thế Hùng (Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ: “Năm nay quất bình ở Tứ Liên rộ lên như một “hiện tượng” cây cảnh chơi ngày tết. Với tôi, những cây quất bình của các chủ vườn ở đây đáp ứng được phần đa thú vui sắm đồ độc, lạ của người chơi cây những ngày tết. Tùy vào người mua lựa chọn loại đơn giản hay nghệ thuật. Nhưng quan trọng nhất khi chọn quất chơi vẫn là độ mướt, xanh của lá, quả phải đều, bóng. Những cây có đủ 4 thứ: Hoa, lá, quả xanh và quả chín vốn được gọi là tứ quý, ngoài ra dáng thế cũng khá quan trọng. Quất bình dạng này bán đắt hàng hơn cả, khách chỉ cần tinh ý là chọn được”.
Thành An/ Báo Lao Động
Không có nhận xét nào: