» » Cơ hội cho xuất khẩu rau quả Việt Nam

Việc hàng loạt các mặt hàng hoa quả tươi của Việt Nam như vú sữa, thanh long, chôm chôm, vải và xoài thâm nhập vào các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản, Australia, New Zealand, Đài Loan… cho thấy cơ hội lớn cho hoa quả Việt Nam chinh phục được thị trường thế giới. Điều này cũng đặt ra bài toán về sự thay đổi trong quy hoạch và cách thức tổ chức sản xuất, chế biến rau quả để ngày càng nhiều hoa quả Việt Nam có thể vươn xa.

Ngày càng nhiều cơ hội cho hoa quả Việt Nam chinh phục thị trường thế giới

Theo Bộ Công Thương, nếu như năm 2012, kim ngạch XK mặt hàng rau quả chỉ đạt 827 triệu USD, thì năm 2013 đã nâng lên trên 1 tỷ USD và trong năm 2014 này đạt 1,5 tỷ USD. Lọt vào nhóm các ngành hàng có kim ngạch XK “tỷ đô” mỗi năm cùng với thị trường hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Theo ông Nguyễn Thanh Bình - Tổng Giám đốc TCty Rau quả nông sản (Vegetexcovn), DN đang chiếm hơn 10% thị phần XK rau quả của Việt Nam, cho biết: Một trong những điểm đáng chú ý của việc XK mặt hàng rau quả trong năm 2014 là hàng loạt thị trường khó tính đã chấp nhận mở cửa cho rau quả Việt Nam. Trong đó Mỹ một trong những thị trường rất khó tính về điều kiện kiểm dịch thực phẩm cũng đã cho phép nhập khẩu hoa quả của Việt Nam và đang tiếp tục xem xét mở cửa cho xoài và vú sữa cho thấy hoa quả Việt Nam đã từng bước đáp ứng được những tiêu chuẩn khắt khe của thị trường này. Đó là phải đáp ứng được một số tiêu chuẩn vệ sinh, an toàn thực phẩm. Cụ thể, ngoài yêu cầu phải được trồng trên vùng đất được đăng ký, mỗi lô hàng phải kèm theo chứng chỉ của Cục Bảo vệ thực vật xác định sản phẩm phù hợp với quy định, khi xuất phải được chiếu xạ để loại bỏ vi khuẩn dịch hại, quy cách đóng gói… Do vậy, từng DN và địa phương phải tổ chức lại sản xuất, quy hoạch thành những vùng sản xuất chuyên canh lớn, vì theo yêu cầu của các nước nhập khẩu thì hoa quả phải được cấp mã số vùng trồng để khi phát hiện có những vấn đề trong kiểm dịch thực vật và an toàn vệ sinh thực phẩm có thể truy xuất nguồn gốc và có các biện pháp khắc phục khó khăn. Đồng thời, chúng ta cần áp dụng hiệu quả công nghệ sau thu hoạch để hoa quả của ta bảo quản được lâu.

Cũng theo ông Bình, một trở ngại khác cho hoa quả Việt Nam là XK ở dạng tươi nên thường phải đối mặt với việc duy trì chất lượng đến những thị trường xa xôi này. Chẳng hạn, thanh long sang EU phải mất 15 ngày, sau đó bán trong siêu thị mất từ 7-10 ngày. Tổng thời gian trái thanh long đến người tiêu dùng mất 25 ngày trong khi loại này chỉ duy trì chất lượng tốt trong vòng 20 ngày. Nếu vận chuyển bằng đường hàng không thì giá cao nhưng vận chuyển bằng đường biển lại ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm, hoặc hàng đến nơi thất thường. Để giải quyết vấn đề này, các DN cần làm tốt khâu cất giữ sản phẩm và rút ngắn thời gian giao hàng.

Để giải quyết cho vấn đề này, theo PGS-TS Phạm Tất Thắng - Nghiên cứu viên cao cấp Viện nghiên cứu thương mại (Bộ Công Thương), hiện Bộ Khoa học và Công nghệ đã làm việc với phía Nhật Bản và họ đã đồng ý chuyển giao công nghệ cho chúng ta bảo quản được trái vải 3 tháng trở lên. Bộ đang tiếp tục hoàn tất những thủ tục cần thiết để có thể chính thức tiếp cận công nghệ. Làm tốt được điều này, mục tiêu đề ra cho năm 2015 đưa kim ngạch XK rau quả đạt 2 tỷ USD sẽ thành hiện thực.

Q.Chánh/ Diễn đàn doanh nghiệp

Về Tin tức nông nghiệp

Chuyên tin tức nông nghiệp, chỉ tin tức nông nghiệp. tintucnongnghiep.com là một blog chia sẻ tin tức nông nghiệp Việt Nam và thế giới theo tiêu chí kết nối, chia sẻ và phi lợi nhuận.
«
Trước
Bài đăng Mới hơn
»
Sau
Bài đăng Cũ hơn

Không có nhận xét nào:

Chia sẻ của bạn về bài viết này: