Số liệu của Bộ NN&PTNT, tổng kim ngạch xuất khẩu cá tra năm 2014 khoảng 1,8 tỷ USD, tăng 5,8% so năm 2013. Trong tình hình chung chưa ra khỏi khủng hoảng, đã xuất hiện le lói những tia sáng.

Tỉnh nuôi cá tra lớn nhất

Tỉnh Đồng Tháp hiện nuôi cá tra hơn 1.980 ha, lớn nhất ĐBSCL. So với năm 2013, diện tích tăng 107 ha, sản lượng đã thu hoạch trên 350.000 tấn. Năm 2014, xuất khẩu gần 200.500 tấn, tăng 34.240 tấn so năm trước, kim ngạch xuất hơn 504 triệu USD.

Toàn tỉnh hiện có hơn 1.600 cơ sở sản xuất, kinh doanh cá tra giống với tổng sản lượng 18,9 tỷ con cá bột, 1,19 tỷ con cá giống (tăng 51 triệu con so năm trước). Nhằm thay đàn cá cá tra bố mẹ thoái hóa, Sở NN&PTNT đã nhận 60.500 con cá tra bố mẹ từ Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản II, giao cho 40 cơ sở trong tỉnh. Hiện, còn 48.200 con (hao hụt 20,31%), đang sinh trưởng tốt và bắt đầu sinh sản, đã cung cấp cho thị trường hơn 2,665 tỷ con cá bột.

Việc tổ chức lại sản xuất đang được đẩy mạnh. Toàn tỉnh đã có 4 HTX nuôi trồng thủy sản, 4 huyện hội và 17 Chi hội nghề cá. Doanh nghiệp Hùng Cá tham gia thí điểm vay vốn liên kết có hiệu quả. Hiện, đang xây dựng chuỗi liên kết giữa Công ty TNHH Cỏ May (cung cấp thức ăn) và Công ty CP Thủy sản Phát Tiến (nhà máy chế biến) với 20 hộ dân thực hiện VietGAP ở huyện Châu Thành. Liên kết chuỗi giữa người nuôi cá với nhà máy sản xuất thức ăn và nhà máy chế biến xuất khẩu là hướng tập trung của Đồng Tháp để xây dựng ngành cá tra bền vững.

Tỉnh Đồng Tháp cũng đang kiến nghị Bộ NN&PTNT đầu tư một trại giống có quy mô vùng để cung cấp đàn cá tra bố mẹ đạt chất lượng tốt. Đồng thời, hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng cho các vùng sản xuất giống; hỗ trợ vốn vay trung hạn hoặc dài hạn để người nuôi cá an tâm sản xuất.

Ảnh minh họa

Diện tích và sản lượng tăng

Báo cáo của các Sở NN&PTNT, tính đến giữa tháng 12/2014, diện tích thả nuôi cá tra thương phẩm toàn vùng ĐBSCL đạt 5.434 ha (bằng 101,6% so năm 2013). Diện tích đã thu hoạch 4.009 ha với sản lượng 1.076.486 tấn (bằng 101% so năm 2013 và đạt 102,5% kế hoạch). Ước cả năm 2014, diện tích nuôi cá tra toàn vùng 5.500 ha và sản lượng 1,1 triệu tấn (đạt 104,8% kế hoạch).

So với năm 2013, diễn biến giá bán cá tra nguyên liệu ổn định hơn. Cụ thể: quý I, giá 21.700 - 27.000 đồng/kg, người nuôi có lãi 500 - 3.000 đồng/kg. Quý  II, giá tăng nhẹ đầu quý và giảm vào cuối quý, dao động 22.000 - 25.800 đồng/kg, người nuôi hòa vốn hoặc lãi thấp. Đến quý III, giá 21.000 - 23.000 đồng/kg, người nuôi lỗ khoảng 1.000 - 1.500 đồng/kg. Quý IV, giá có chiều hướng tăng, dao động ở mức 23.500 - 25.000 đồng/kg, người nuôi có lãi 1.000 - 3.000 đồng/kg.

Số liệu của Tổng cục Hải quan, đến ngày 30/11/2014, những thị trường chính nhập khẩu sản phẩm cá tra diễn biến như sau. Thị trường EU, khối lượng chiếm 18,5% tổng khối lượng, giảm 16,5% so cùng kỳ; kim ngạch chiếm 19,84% tổng kim ngạch, giảm 10,94% so cùng kỳ. Thị trường Bắc Mỹ, so với cùng kỳ, khối lượng giảm 7,12%, kim ngạch giảm 8,94%. Thị trường Nam Mỹ, so với cùng kỳ, khối lượng tăng 14,63%, kim ngạch tăng 13,12%. Thị trường Trung Đông, so với cùng kỳ, khối lượng tăng 16,6%, kim ngạch tăng 15,59%. Thị trường ASEAN, so với cùng kỳ, khối lượng tăng 11,04%, kim ngạch tăng 10,82%.

Tổng cục Thủy sản đánh giá, xuất khẩu sản phẩm cá tra dần đi vào ổn định, giá mua cá nguyên liệu ít biến động nên về cơ bản người nuôi không lỗ và yên tâm đầu tư sản xuất. Tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp từng bước được chấn chỉnh; một số thị trường khó tính sẵn sàng đón nhận sản phẩm cá tra theo đúng chất lượng quy định tại Nghị định số 36/2014.

Thực hiện Nghị định 36

Theo Tổng cục Thủy sản, một số tỉnh đã triển khai thực hiện đăng ký nuôi cá tra thương phẩm. Trong đó, tỉnh Vĩnh Long hoàn thành việc tổ chức xác nhận đăng ký nuôi cá tra 100% số ao nuôi; An Giang đạt 58,14% diện tích; Hậu Giang có 120 cơ sở đăng ký, Đồng Tháp đã xác nhận cho 231,71 ha và sản lượng đăng ký là 77.222 tấn; Cần Thơ xác nhận được 57 giấy đăng ký nuôi cá tra thương phẩm với diện tích 98 ha và sản lượng 39.963 tấn. Việc cấp mã số nhận diện cơ sở theo yêu cầu của Thông tư 23/2014, tỉnh Vĩnh Long là địa phương dẫn đầu với kết quả đã cấp mã số nhận diện cho 132 cơ sở (67,3% số cơ sở nuôi) với diện tích 295,5 ha (chiếm 68,7% tổng diện tích).

Một số tỉnh Vĩnh Long, An Giang, Bến Tre, Đồng Tháp có kế hoạch đẩy mạnh triển khai thực hiện ứng dụng VietGAP, GlobalGAP, ASC. Đến hết tháng 11/2014, toàn vùng đã có 22 cơ sở đạt chứng nhận VietGAP với tổng diện tích 200 ha

Hiệp hội Cá tra Việt Nam chuẩn bị tốt nên tiếp nhận và xử lý hồ sơ đăng ký hợp đồng xuất khẩu nhanh. Tính đến ngày 6/12/2014, đã có 193 doanh nghiệp đến đăng ký với tổng số hồ sơ xác nhận được cấp mới là 6.672 bộ; số lô hàng đăng ký xuất khẩu là 10.653, tổng khối lượng sản phẩm cá tra các loại đăng ký xuất khẩu 368.954 tấn.

Cục Quản lý Chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản đã thực hiện thống kê sản phẩm cá tra tồn kho đợt 1, kết quả có 82 doanh nghiệp còn tồn kho, 24 doanh nghiệp không có hàng tồn và 20 doanh nghiệp không báo cáo. Hiện, Cục đang phối hợp với các doanh nghiệp để thống kê đợt 2, căn cứ kết quả thống kê đợt 2, Cục sẽ tham mưu cho Bộ trưởng Bộ NN&PTNT báo cáo Thủ tướng Chính phủ phương án xử lý.

Chuyển động vốn tín dụng

Số liệu của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, dư nợ cho vay đến 31/12/2014 trong lĩnh vực này ước đạt 25.000 tỷ đồng, tăng 5,7% so cuối năm 2013, chiếm gần 62% tổng dư nợ cho vay nuôi trồng chế biến thủy sản trong khu vực. Thành phố Cần Thơ và các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Tiền Giang dẫn đầu về kết quả cho vay nuôi, mua chế biến cá tra.

Cho vay theo Công văn số 1149/KN-TTg tại 5 ngân hàng thương mại nhà nước, tính đến 31/12/2014, ước đạt 19.200 tỷ đồng, tăng 3,85% so năm trước và 31,46% so thời điểm 15/9/2012. Việc gia hạn nợ trong lĩnh vực cá tra: đến cuối tháng 12/2014, tổng dư nợ được gia hạn (các khoản nợ cũ từ ngày 15/8/2012 trở về trước) tại 5 ngân hàng thương mại nhà nước khoảng 4.000 tỷ đồng.

Triển khai Quyết định số 540/QĐ-TTg ngày 16/4/2014 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách tín dụng đối với người nuôi tôm và cá tra gặp khó khăn, đã có 6 tổ chức tín dụng khoanh nợ cho 11.668 khách hàng với tổng số tiền khoanh nợ trên 777,52 tỷ đồng. Thực hiện tại 9 tỉnh, thành phố: Trà Vinh, Cà Mau, Sóc Trăng, Cần Thơ, An Giang, Vĩnh Long, Đồng Nai, Phú Yên, Quảng Bình.

Cho vay thí điểm phục vụ phát triển nông nghiệp theo Nghị quyết số 14/NQ-CP, đối với ngành cá tra: Ngân hàng Nhà nước đã phê duyệt cho 2 doanh nghiệp. Ngoài Công ty TNHH Hùng Cá ở tỉnh Đồng Tháp là Công ty TNHH SXTMDV Thuận An (An Giang). Tổng số tiền thực hiện hai dự án liên kết sản xuất và xuất khẩu cá tra là 1.642 tỷ đồng

Tổng cục Thủy sản đề ra một số chỉ tiêu của năm 2015: Diện tích nuôi cá tra 5.500 ha, sản lượng cá nguyên liệu 1,1 - 1,2 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu 1,75 - 1,85 tỷ USD. Hoàn thành việc đàm phán công nhận hài hòa với các tổ chức sở hữu quy phạm GlobalGAP, ASC, BAP... Hoàn thành việc rà soát và ban hành quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết cá tra tại các tỉnh. Tổ chức tiếp nhận và cấp mã số nhận diện cơ sở cho 100% cơ sở nuôi cá tra, đưa vào vận hành phần mềm quản lý dữ liệu sản xuất cá tra.

Sáu Nghệ/ Tạp chí Thủy sản Việt Nam

Về Tin tức nông nghiệp

Chuyên tin tức nông nghiệp, chỉ tin tức nông nghiệp. tintucnongnghiep.com là một blog chia sẻ tin tức nông nghiệp Việt Nam và thế giới theo tiêu chí kết nối, chia sẻ và phi lợi nhuận.
«
Trước
Bài đăng Mới hơn
»
Sau
Bài đăng Cũ hơn

Không có nhận xét nào:

Chia sẻ của bạn về bài viết này: