Kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2014 tăng 11,2% và vượt 30 tỉ đô la Mỹ, với hàng loạt mặt hàng đạt doanh số trên 1 tỉ đô-la Mỹ.
Quang cảnh hội nghị - Ảnh: Thùy Dung
Dự kiến, trong năm 2015, con số này sẽ tăng lên 32 tỉ đô la Mỹ, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT).
Tại hội nghị tổng kết ngành nông nghiệp năm 2014 và triển khai kế hoạch năm 2015 diễn ra sáng hôm qua 25-12, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát nhận định rằng ngành nông nghiệp đã vượt qua nhiều khó khăn, đạt được kết quả khá toàn diện, tăng trưởng ngành đạt tốc độ khá cao.
Tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản cả nước ước đạt 30,86 tỉ đô la Mỹ, tăng 11,2% so với năm 2013. Trong đó, nhiều mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh là cà phê tăng 32,2%, hạt điều tăng 21,1%, hồ tiêu tăng 34,1%, rau quả tăng 34,9%, thủy sản tăng 18%, lâm sản và đồ gỗ tăng 12,7%, và gạo (không kể tiểu ngạch) tăng 5,3%. Đã có 10 mặt hàng đạt kim ngạch trên 1 tỉ đô la Mỹ bao gồm gạo, cà phê, cao su, điều, tiêu, sắn, rau quả, tôm, cá tra, lâm sản.
Khác với những năm trước khi tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp có xu hướng giảm xuống thì năm nay ngành nông nghiệp dường như đã vượt qua khó khăn để có được sự tăng trưởng trở lại.
Bộ trưởng Phát nhấn mạnh: "Năm 2014 có thể nói là năm ngành nông nghiệp được mùa, được giá”.
Song, bên cạnh những kết quả đạt được, ngành nông nghiệp vẫn còn bộc lộ không ít khó khăn như khả năng cạnh tranh của một số sản phẩm nông sản chưa cao, thị trường tiêu thụ thiếu ổn định (cao su, cá tra).
Ngoài ra, mô hình liên kết theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ giữa doanh nghiệp với nông dân triển khai chậm, mới tập trung chủ yếu trong lĩnh vực sản xuất lúa gạo.
Ông Nguyễn Xuân Cường, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương, cho hay mặc dù nông nghiệp có mức tăng trưởng cao, kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 30 tỉ đô la Mỹ, thặng dư 10 tỉ đô la Mỹ và làm giảm áp lực cân đối vĩ mô, song số doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực nông nghiệp còn quá thấp, trong khi đây lại là khu vực tạo ra động lực để thực hiện quá trình tái cơ cấu nền kinh tế. Nếu không có cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tham gia vào nông nghiệp thì không thể có nền nông nghiệp sản xuất lớn được, ông Cường nói.
Đại diện tỉnh Đồng Tháp cho rằng cần phải có chính sách hỗ trợ và nâng cao năng lực cho các hợp tác xã (HTX) vì đây là nơi liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân và cũng là nơi cung cấp đầu vào cho nông dân. Nếu không có HTX thì rất khó để đưa hàng ngàn hộ nông dân tham gia vào chuỗi sản xuất lớn được.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Phát cho hay Bộ đang xây dựng dự thảo nghị định về các chính sách hỗ trợ HTX. Đồng thời, Bộ cũng tiếp tục tập trung thực hiện chủ trương tái cơ cấu, trong đó xác định thu hút đầu tư và khuyến khích phát triển doanh nghiệp trong nông nghiệp là khâu đột phá để thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành.
Thùy Dung/ TBKTSG
Không có nhận xét nào: