So với năm 2013, thị trường hàng hóa năm 2014 chứng kiến sự giảm giá sâu của nhiều mặt hàng nông sản. Chỉ 4 mặt hàng có giá tăng mạnh là hồ tiêu, cà phê, ca cao và thịt bò.


Giá cao nhưng không có bán

Với mặt hàng ca cao, giá đã có xu hướng tăng từ tháng 6/2013 ở mức 2.200 USD/tấn lên 3.200 USD/tấn vào tháng 10/2014 khi dịch Ebola uy hiếp châu Phi và gây lo âu cho toàn thế giới. Cùng với sự giảm nhiệt của dịch Ebola, giá ca cao hiện đã giảm xuống 2.874 USD/tấn (giá ngày 20/11). 

Song hành với thế giới, giá hạt ca cao tại thị trường Việt Nam cũng tăng, từ 45.000 đồng/kg lên 62.000 đồng/kg, và giá quả ca cao tươi tăng từ 4.000 đồng/kg lên 5.500 đồng/kg. Mức giá trên được ghi nhận là kỷ lục trong 4 năm qua, khi Việt Nam bắt đầu có những lô ca cao đầu tiên cung ứng cho công nghiệp sản xuất chocolate. 

Giá cao đã làm cho nhiều hộ trồng ca cao có thêm khoản thu nhập khá từ 30-40 triệu/ha (trồng xen) lên 50-60 triệu/ha. Cùng với dừa (hoặc điều sắp tới), doanh thu từ 2 cây trong vườn đã đạt từ 100-120 triệu/ha, một con số tương đối cao so với một số cây trồng khác. 

Tuy giá lên nhưng số người thu lợi lại rất ít. Bến Tre, thủ phủ của ca cao, từng có diện tích lên tới 10.600 ha vào năm 2012 nhưng đến giữa năm 2014 này chỉ còn lại khoảng 5.200 ha, Bình Phước từng có trên 1.200 ha nhưng hiện tại cũng chỉ còn khoảng 500 ha, Đăk Lăk dự kiến có diện tích ca cao đạt 6.000 ha vào năm 2015 nhưng hiện tại cũng chưa đầy 2.000 ha

Không những giảm diện tích mà giảm cả năng suất do ca cao ít được chăm bón hơn. 

"Cây của dự án” 

Không kể 2 lần theo chân người Pháp và Mỹ, sau năm 1975, cây ca cao từng có 2 lần xâm nhập ruộng đất phía Nam và cả 2 lần đều được gọi là “cây dự án” bởi khi hết dự án thì diện tích cũng giảm thê thảm. 

Lần đầu vào thập niên 1980-1990, Quảng Ngãi từng có 3.000 ha ca cao và một nhà máy xay bột ca cao. Năm 1987, Đăk Lăk cũng từng có 1.000 ha. Sự thất bại của dự án ca cao lần 1 này được giải thích là do không có sự kết nối với thị trường thế giới, sản xuất ca cao không biết bán cho ai. 

Lần 2 được xác định vào năm 1999, 2000 khi trường Đại học Nông Lâm TP.HCM được sự tài trợ của Danida và Quỹ ca cao thế giới nhập khẩu cây giống từ Malaysia xây dựng các mô hình trồng ca cao ở một số huyện của Đăk Lăk. 

Sau đó chương trình được tiếp nối với sự tham gia của một số công ty chuyên thu mua chế biến ca cao như Cargill, Mars... Đến năm 2005, Bộ NN-PTNT thành lập Ban điều phối Ca cao Việt Nam và đến năm 2007 đưa ra mục tiêu định hướng phát triển 60.000 ha ca cao vào năm 201580.000 ha vào năm 2020

Từ sau năm 2005, sau khi có sự tham gia chính thức của Bộ NN-PTNT, các nghiên cứu về giống, kỹ thuật canh tác, khuyến nông được đẩy mạnh. Tuy nhiên kết quả không được như kỳ vọng, diện tích ca cao cực đại vào năm 2012 chỉ đạt 22.000 ha, sau đó giảm dần xuống chỉ còn khoảng 15.000 - 16.000 ha như hiện tại. 

Ai trồng ca cao? 

Thị trường ca cao được đánh giá là bé nhưng lại rất nhạy cảm bởi đặc trưng của thị trường này là nước nghèo trồng cho nước giàu và với mức tiêu thụ bé nên một sự dao động về sản lượng dù nhỏ cũng gây nên sự biến động lớn về giá. 

Tổng sản lượng hạt ca cao trên thế giới ước khoảng 4 triệu tấn, trong đó lớn nhất thuộc về Bờ Biển Ngà với 1,45 triệu tấn/năm, thứ nhì là Ghana khoảng 900.000 tấn/năm. Lịch sử giá ca cao thế giới cũng từng ghi lại mức cao kỷ lục 5.368 USD/tấn vào tháng 7/1977, cao gấp 25 lần so với mức giá thấp kỷ lục 211 USD/tấn vào tháng 7/1965

Các tổ chức ca cao cũng như kinh tế thế giới đều nhận định giá ca cao trong thập niên tới sẽ tăng mạnh do tăng lực cầu ở 2 thị trường khổng lồ mới nổi là Trung Quốc và Ấn Độ. Dự báo nhu cầu năm 2020 sẽ là 5 triệu tấn. Vì vậy các nước có công nghiệp chế biến chocolate mạnh như Hà Lan, Bỉ, Mỹ đều đang xúc tiến các gói tín dụng cho việc mở mang diện tích ca cao ở châu Á. 

Nếu giá cao và ổn định tối thiểu như năm 2014 này, Việt Nam chúng ta hội tụ được các điều kiện tự nhiên và xã hội để phát triển mạnh mẽ ngành hàng ca cao, mặt khác, tuy đi sau nhưng Việt Nam lại tiến bộ hơn nhiều nước về giống, kỹ thuật canh tác và khuyến nông. 

Tuy nhiên điều cần xác định lại là: Thành phần kinh tế nào sẽ đóng vai trò nòng cốt trong việc trồng ca cao? 

Với đặc điểm là cây trồng khó, đòi hỏi nước tưới, thâm canh, cần lao động có kỷ luật, kỹ thuật và thực tế của những “dự án” hơn 10 năm qua đã chứng tỏ cây ca cao không thể là cứu cánh xóa đói giảm nghèo, không thể ở vùng sâu vùng xa, không phải là cây trồng của nông hộ sản xuất nhỏ lẻ, manh mún mà chỉ là cây trồng của những trang trại có vốn liếng, biết đầu tư, kinh doanh nông nghiệp. 

Chỉ khi xác định ca cao là cây làm giàu, lực lượng trang trại làm nòng cốt thì năng suất bình quân mới đẩy lên được 2-3 tấn/ha và ca cao mới thực sự bén rễ ở Việt Nam.

Quang Ngọc/ nongnghiep.vn

Về Tin tức nông nghiệp

Chuyên tin tức nông nghiệp, chỉ tin tức nông nghiệp. tintucnongnghiep.com là một blog chia sẻ tin tức nông nghiệp Việt Nam và thế giới theo tiêu chí kết nối, chia sẻ và phi lợi nhuận.
«
Trước
Bài đăng Mới hơn
»
Sau
Bài đăng Cũ hơn

Không có nhận xét nào:

Chia sẻ của bạn về bài viết này: