Vì sao ĐBSCL nhiều năm qua vẫn là “vùng trũng”, trong khi giá trị sản xuất tại vùng đất này luôn giữ vai trò quan trọng trong nền kinh tế đất nước?
Nông dân ĐBSCL vất vã để làm ra hạt lúa nhưng đời sống họ vẫn cơ cực. Ảnh: TL.
Nhiều nguyên nhân cốt lõi đã được mổ xẻ tại hội thảo liên kết vùng ĐBSCL trong tái cơ cấu, chuyển đổi mô hình tăng trưởng do Ban Kinh tế Trung ương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ… tổ chức tại Cần Thơ hôm qua (17-10).
Ông Nguyễn Phong Quang, Phó ban thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, đặt mục tiêu đầu tiên là xây dựng liên kết để xóa bỏ thực tế từng địa phương phát triển nhưng triệt tiêu lợi thế của nhau.
Bổ sung cho quan điểm này, ông Lê Vĩnh Tân, Phó ban Kinh tế Trung ương, cho rằng ưu thế cũng như yêu cầu các mô hình liên kết là khắc phục tình trạng không gian kinh tế bị chia cắt bởi địa giới hành chính.
Đồng ý là liên kết sẽ hạn chế được tình trạng các địa phương giành giật nhau nguồn ngân sách đầu tư từ trung ương, nhưng TS Lê Viết Thái, Viện Quản lý Kinh tế trung ương, bày tỏ băn khoăn khi hiện tại chưa có các thể chế rõ ràng cho liên kết vùng.
Theo ông Thái, nếu các địa phương chưa nhận thấy lợi ích của họ trong việc liên kết thì việc xây dựng các mối liên kết cũng chỉ là hình thức. “Muốn liên kết thành công phải giải quyết được hai yêu cầu trước mắt: hình thành cơ chế cho liên kết vùng; có một tổ chức chịu trách nhiệm quản lý, thực hiện các vấn đề liên kết”, TS Thái nói.
Trong khi đó, TS Nguyễn Quang, Giám đốc Chương trình UN-Habitat Việt Nam, có góc nhìn khác- đó là việc sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên. Ông cho rằng đô thị hóa, công nghiệp hóa đang tàn phá môi trường ĐBSCL. Thêm vào đó, tác động của biến đổi khí hậu, các đập thủy điện xây dựng phía thượng nguồn Mekong… đang đặt ra yêu cầu ĐBSCL phải quản lý, sử dụng tài nguyên sao cho phù hợp.
Theo ông Quang, để hướng tới tăng trưởng xanh cho vùng ĐBSCL cần có ba cơ chế: tham mưu; đạt được sự đồng thuận từ trung ương tới địa phương và hình thành một không gian xã hội dân sự để toàn xã hội cùng tham gia, góp sức xây dựng các mối liên kết toàn diện.
Ông Trần Du Lịch, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, gợi mở muốn tái cơ cấu nông nghiệp ĐBSCL phải hình thành được những “cứ điểm” nông nghiệp để sản xuất ra những sản phẩm “cá biệt” mang những đặc trưng riêng.
Lâu nay “chúng ta vẫn hay đổ lỗi cho thị trường dù ai cũng biết là thị trường luôn chuyển động", ông Lịch nói.
Vấn đề nằm ở chỗ chúng ta có tổ chức được để nông dân vùng ĐBSCL làm ra những sản phẩm đặc trưng, cá biệt… hay chưa, hay cứ tổ chức sản xuất theo kiểu “vườn tạp”? Vai trò của Nhà nước có thật sự là “bà đỡ” cho nông dân? TS Trần Du Lịch đặt ra hàng loạt vấn đề tại hội thảo. Từ đó ông chia sẻ rằng, trên diễn đàn Quốc hội các đại biểu vùng ĐBSCL thường “hát” chung điệp khúc buồn nông dân “được mùa mất giá”; nông dân phải gánh chịu rủi ro kép… Theo ông, tất cả phải được xem xét thấu đáo hơn.
TS Trần Du Lịch, cho rằng cần tính lại bài toán cho người trồng lúa, bởi họ đóng góp lớn cho xuất khẩu gạo nhưng ngoại tệ thu được không đủ để nhập khẩu thức ăn gia súc và “nếu không chuyển dịch được lao động nông nghiệp thì khó đạt mục tiêu cơ cấu lại ngành này”, ông nhấn mạnh.
Ngọc Tùng/ Thời báo kinh tế Sài Gòn
Không có nhận xét nào: