» » » Yên Thế: Nhiều giải pháp phát triển chăn nuôi gà bền vững

Chăn nuôi gà có không ít rủi ro như giá cả bấp bênh, dịch bệnh đe dọa… nhưng nếu có kinh nghiệm, kiên trì vượt khó thì vẫn có của ăn của để. Đó là tâm sự của nhiều hộ nuôi gà trên địa bàn huyện Yên Thế (Bắc Giang).  

Sau lứa gà thắng lợi, gia đình ông Vương Văn Hồng, bản Đồng Chinh, xã Tam Tiến (Yên Thế) tiếp tục đầu tư nuôi hơn 3 nghìn con gà.

Ổn định tổng đàn và chất lượng

Đến thăm gia đình ông Vương Văn Hồng, bản Đồng Chinh, xã Tam Tiến, ông vui vẻ tiếp chuyện: “Nhà tôi vừa bán một nghìn con gà với giá hơn 80 nghìn đồng/kg, trừ chi phí lãi 45 triệu đồng. Tôi đang tập trung chăm sóc lứa 3 nghìn con sắp xuất chuồng. Nếu giá vẫn như hiện nay, tôi ước tính lãi hơn 100 triệu đồng”. 

Trên vườn keo rộng hơn 2 ha, gia đình ông thường nuôi 3-4 nghìn con gà/lứa. Năm ngoái giá gà xuống thấp, có thời điểm lỗ nhưng ông vẫn duy trì tổng đàn khoảng một nghìn con. Để tiết kiệm chi phí, ông chăn gà theo phương pháp bán công nghiệp. Hơn 10 năm nuôi gà, người chủ trang trại này chia sẻ, nếu cứ thấy giá thấp mà không nuôi nữa thì mất cả chì lẫn chài.  

Hộ chị Lục Thị Quý, bản Hố Tre cũng có thu nhập cao từ chăn nuôi gà. Chị Quý cho biết: “Một năm tôi nuôi 3 lứa gà, bình quân 1.000 - 1.500 con/lứa. Nhờ thu nhập từ gà tôi có điều kiện cho các con ăn học. Chăn nuôi thường xuyên, lứa lãi bù lứa lỗ. Vừa qua tôi xuất chuồng hơn một nghìn con đúng vào thời điểm gà lông ở mức 85 nghìn đồng/kg, lãi 50 triệu đồng”.

Theo số liệu tổng hợp của UBND xã Tam Tiến, đến nay xã có 300 hộ nuôi gà với số lượng từ 500 - 3.000 con/lứa, tập trung ở bản Rừng Dài, Đồng Chinh, Hố Tre, Thị Cùng. Ông Đàm Công Hoan, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tam Tiến nói: “Nhờ chăn nuôi gà, đời sống của người dân trong xã thay đổi rõ rệt. Hiện tỷ lệ hộ nghèo của xã còn 14,67%, giảm 3% so với năm 2013”.

Các xã Canh Nậu, Xuân Lương, Đồng Tâm… cũng có hàng trăm hộ giàu lên từ nuôi gà. Trò chuyện với anh Dương Phương Sáu, thôn Tân Sỏi, xã Đồng Tâm được biết, trước đây thu nhập của gia đình anh chỉ trông vào mấy sào ruộng, đời sống gặp nhiều khó khăn. Năm 2009 đến nay, nhờ có đồi bãi rộng, anh chăn nuôi từ 2-3 nghìn con gà mỗi lứa. 

Chỉ vào ngôi nhà khang trang anh cho hay: “Nếu không nuôi gà thì chẳng biết đến bao giờ gia đình tôi mới có cơ ngơi này. Nuôi gà nếu thuận lợi thì chỉ sau 3 tháng cứ một nghìn con lãi từ 30-35 triệu đồng".    

Theo Hội Sản xuất và tiêu thụ gà đồi Yên Thế, hiện nay nhiều thương nhân về mua gà nhưng không có nguồn. Một số khách hàng còn “gạ” người dân bán gà chưa đủ ngày. Tuy nhiên, để giữ thương hiệu cũng như uy tín của sản phẩm, Hội vận động người chăn nuôi không bán gà dưới 3 tháng tuổi. Tổng đàn của huyện thời điểm này đạt gần 4 triệu con.

Nhiều biện pháp kích cầu

Được biết, để sản phẩm tiêu thụ thuận lợi, ổn định, cuối năm 2012, UBND tỉnh đã ký thỏa thuận hợp tác với TP Hà Nội cung cấp khoảng 5 triệu con gà phục vụ người dân thủ đô tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán Quý Tỵ. 

Thông qua chương trình này, người chăn nuôi gà đã thu được lợi nhuận lớn. Với giá bán cao, bình quân 90 - 100 nghìn đồng/kg, trừ chi phí nông dân lãi hơn 50 triệu đồng/một nghìn con. Cũng nhờ chương trình này, gà đồi Yên Thế đã mở rộng được thị trường tiêu thụ tại các tỉnh, TP trong cả nước. 

Từ đầu năm đến nay, Yên Thế đã cung cấp khoảng 4.600 tấn gà lông và gà đã giết mổ cho thị trường Hà Nội. Với nỗ lực duy trì sự an toàn trong hoạt động lưu thông, vận chuyển gia cầm, Trạm Thú y huyện cử cán bộ túc trực thường xuyên, sẵn sàng kiểm dịch kể cả trong đêm để các thương nhân có đủ điều kiện đưa những đàn gà bảo đảm chất lượng đi tiêu thụ. 

Trước đó, huyện cũng triển khai đề án hỗ trợ máy chế biến thức ăn tại hộ cho nông dân; kiểm soát tốt dịch bệnh; tổ chức các hội nghị xúc tiến thương mại, kết nối doanh nghiệp với người chăn nuôi gà; đào tạo nghề cho người dân. 

Đặc biệt hằng tuần, UBND huyện giao ban với các xã nắm bắt tình hình, chỉ đạo định hướng chăn nuôi gà, trong đó chú trọng nâng cao chất lượng đàn gà; tạo điều kiện cho người chăn nuôi vay vốn.  

Ông Nguyễn Mạnh Sản, Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT chi nhánh Yên Thế cho biết: “Dư nợ cho vay lĩnh vực sản xuất nông nghiệp tại chi nhánh hiện đạt hơn 380 tỷ đồng, trong đó chăn nuôi gà đạt 90 tỷ đồng, nợ xấu 1,5 tỷ đồng, chỉ chiếm 1,6%. Nhờ nguồn vốn vay nhiều hộ có điều kiện đầu tư nuôi gà quy mô lớn, lãi cao. Cho vay phát triển nuôi gà vẫn là hướng đi chính của đơn vị trong thời gian tới”.

Còn những trăn trở

Với những nỗ lực của chính quyền cơ sở, chăn nuôi gà trên địa bàn huyện đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, doanh thu mỗi năm đạt hằng trăm tỷ đồng, tạo việc làm cho hàng chục nghìn lao động. Nuôi gà đã làm thay đổi diện mạo nông thôn, nhiều hộ thoát nghèo. 

Tuy nhiên, nghề nuôi gà vẫn chưa bền vững bởi giá cả bấp bênh, dịch bệnh đe dọa. Có thời điểm, gà nhập lậu, nhập khẩu giá rẻ tràn ngập thị trường nên cung vượt cầu, giá bán giảm. Trong bối cảnh đó, giá thức ăn (chiếm 70% giá thành sản phẩm chăn nuôi) nhiều năm nay chỉ tăng mà không giảm. Ngoài ra, giá thuốc thú y, tiền điện, giá nhân công cũng tăng. Đây là những yếu tố đẩy giá thành sản phẩm chăn nuôi lên cao. Vì vậy, một số hộ bị lỗ vốn, không có điều kiện duy trì sản xuất. 

Theo ông Mai Văn Độ, bản Diễn, xã Tam Tiến, sau một số lứa nuôi gà lỗ vốn, ông chuyển sang nuôi 20 con lợn bột. Ông Độ nói: “Làm nghề chăn nuôi thì hầu như hộ nào cũng phải vay vốn để quay vòng và gia đình tôi cũng vậy. Hiện tôi vẫn duy trì trả lãi ngân hàng đúng kỳ hạn. Thời gian tới tôi sẽ tiếp tục đầu tư chăn nuôi gà do phù hợp với kinh nghiệm sản xuất và điều kiện của gia đình”. 

Trước thực tế này, ông Lưu Xuân Vượng, Chủ tịch UBND huyện Yên Thế cho rằng, qua khảo sát tại các xã cho thấy một số hộ bỏ nghề nuôi gà là do thiếu nhân công lao động, chưa có kinh nghiệm chăm sóc, chỉ nuôi vài lứa thấy lỗ không dám đầu tư tiếp. Huyện khuyến khích phát triển mô hình chăn nuôi tập trung, quy mô lớn, lâu dài. Đối với những hộ chỉ trông chờ khi giá cao mới nuôi thì nguy cơ rủi ro sẽ lớn, có thể mất vốn.

Để chăn nuôi gà trên địa bàn bền vững, ngoài nỗ lực của huyện, ông Vượng kiến nghị, các bộ, ngành cần làm tốt công tác thị trường, tham mưu với Chính phủ điều tiết nhập khẩu sản phẩm gia cầm cho phù hợp, đồng thời quản lý chặt chẽ gà nhập lậu, tránh cung vượt cầu gây thiệt hại cho nông dân, ảnh hưởng xấu tới sản xuất trong nước. Đặc biệt là cần có cơ chế kiểm soát giá đối với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi.

UBND tỉnh Bắc Giang vừa phê duyệt dự án mô hình thí điểm chuỗi liên kết chăn nuôi-thu mua-tiêu thụ gà đồi Yên Thế; đồng thời chấp thuận cho Công ty cổ phần tập đoàn Dabaco Việt Nam (Bắc Ninh) đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất giống gia cầm tại xã Tam Tiến, bảo đảm cung cấp con giống chất lượng cho người chăn nuôi trong và ngoài tỉnh.

Trịnh Lan - Hoàng Phương/ Báo Bắc Giang

Về Tin tức nông nghiệp

Chuyên tin tức nông nghiệp, chỉ tin tức nông nghiệp. tintucnongnghiep.com là một blog chia sẻ tin tức nông nghiệp Việt Nam và thế giới theo tiêu chí kết nối, chia sẻ và phi lợi nhuận.
«
Trước
Bài đăng Mới hơn
»
Sau
Bài đăng Cũ hơn

Không có nhận xét nào:

Chia sẻ của bạn về bài viết này: