Làm sao quản lý chặt chẽ hơn lực lượng thương lái để hạn chế những mặt tiêu cực như tranh mua – tranh bán, ép cấp, ép giá, nhất là trong bối cảnh việc liên kết tiêu thụ thanh long giữa doanh nghiệp với nông dân, HTX, tổ nhóm liên kết sản xuất thanh long còn khiêm tốn và lỏng lẻo như hiện tại.
Thương lái ép doanh nghiệp hay...
Có lẽ tình hình mua bán thanh long trong vụ mùa này đã phơi bày rõ mối quan hệ giữa thương lái và doanh nghiệp, giữa thương lái và nông dân hơn hết. Khi mới bắt đầu thời điểm ứ thanh long, ở một số nơi trong huyện Hàm Thuận Bắc (Bình Thuận) đã xảy ra vài vụ xô xát, chửi bới nhau giữa thương lái và nhà vườn.Tất cả vì sự diễn biến bất ngờ. Thương lái đã tới thăm vườn, ngã giá mua xô (cả trái đẹp lẫn không) 4.000 đồng/kg. Đến ngày thu hoạch, trong lúc đang cắt trái thì thương lái nhận được điện thoại và lập tức không mua nữa, rút quân. Nhà vườn hỏi lý do thì thương lái nói nậu vựa bảo dừng. Thanh long đã cắt rồi thường khó bán cho ai, nếu có cũng bán đổ tháo nên không cần nâng niu gì nữa, nhà vườn lấy chính sản phẩm mình làm ném thương lái chạy trối chết.
Chọn và đóng gói thanh long. Ảnh: Ngọc Lân
Có thể hiểu thương lái cũng ở trong thế khó xử, vì nậu vựa của doanh nghiệp nơi sẽ mua hàng không nhận thì không biết bán cho ai, sẽ lỗ nặng nên chấp nhận xóa chữ tín và cũng chấp nhận không quay lại vùng này để mua thanh long tiếp. Cũng thời gian trên, giữa nậu vựa doanh nghiệp và thương lái diễn ra xung đột từng ngày. Cứ nhìn lượng thanh long mà thương lái tập trung về rồi các nậu vựa lựa bỏ đổ thành đống sẽ thấy rõ điều đó. Thực tế, lâu nay, muốn “đánh dấu lãnh thổ” mua hàng nên nhiều thương lái có đặt cọc một số tiền cho các nhà vườn. Đến mùa thu hoạch, lúc hàng có giá cao hơn mức thỏa thuận (bằng lời nói) thì thương lái khác đến vườn đề nghị mua hàng với giá cao hơn, khiến giữa hai thương lái lời qua tiếng lại. Còn khi giá thấp hơn thỏa thuận, tùy thuộc vào sự tính toán mức thua lỗ, cũng như tùy vào sự quen biết giữa hai bên, thương lái tìm cách tránh liên lạc với nhà vườn, không đến nhận hàng và bỏ tiền đặt cọc.
Sự tranh mua, tranh bán không lành mạnh trên ít nhiều xuất phát từ sự “năng động” của những thương lái cung cấp hàng cho nhiều doanh nghiệp. Hàng ngày, họ đi mua hàng tự do và sau đó sẽ về sàng lọc phân loại và giao hàng với tiêu chuẩn, mẫu mã theo yêu cầu mỗi thị trường mà doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh yêu cầu. Còn các lái ruột của mỗi doanh nghiệp thì “trầm tĩnh” hơn, vì chữ tín doanh nghiệp và cũng vì hàng mua về đều giao hết cho doanh nghiệp, chỉ nhận hoa hồng thu mua và hưởng mức chênh lệch số lượng qua tỷ lệ khấu hao, chênh lệch trọng lượng bao bì... Tất cả lý giải mối quan hệ lệ thuộc đủ kiểu, có người nghĩ doanh nghiệp quyết tất cả, nhưng thực tế lắm lúc một số doanh nghiệp lại cho rằng thương lái đang ép doanh nghiệp.
Quản lý thương lái
Theo số liệu của Sở Công Thương, toàn tỉnh có 254 thương lái, nậu vựa cung cấp thanh long cho 29 doanh nghiệp, cơ sở thu mua. Nhưng thực tế cho thấy, mọi hoạt động mua bán thanh long tại nơi sản xuất chủ yếu do các thương lái đảm nhiệm, đã hình thành mạng lưới rộng khắp. Có nhiều doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh thanh long đã xây dựng mạng lưới thương lái của mình lên đến vài chục người. Trong khi toàn tỉnh hiện có khoảng 152 tổ chức, cá nhân kinh doanh trái thanh long, bao gồm 106 hộ kinh doanh và 46 doanh nghiệp, cơ sở thu mua - sơ chế - đóng gói; trong số này có 14 doanh nghiệp xuất khẩu chính ngạch thanh long. Vì thế, con số trên thực tế còn nhiều hơn. Đây là tín hiệu vui trong hoạt động mua bán thanh long, vì qua những gì diễn ra phải nhìn nhận rằng thương lái là lực lượng quan trọng, là cánh tay nối dài của doanh nghiệp. Sẵn sàng đi vào tận vườn sản xuất, không phân biệt số lượng nhiều ít, thanh toán tiền mặt ngay khi nhận hàng, thương lái đã góp phần tích cực trong việc tiêu thụ thanh long cho nông dân.
Điều quan trọng khác là làm sao quản lý chặt chẽ hơn lực lượng này để hạn chế những mặt tiêu cực như tranh mua – tranh bán, ép cấp, ép giá. Nhìn vào thực trạng hoạt động của Hiệp hội Thanh long Bình Thuận, nơi đóng vai trò là cầu nối giữa các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh thanh long; giữa doanh nghiệp với các tổ chức, cá nhân sản xuất thanh long, nhiều ý kiến cho rằng cần chấn chỉnh trên nhiều mặt, xoay quanh hoạt động của thương lái và nông dân. Hiệp hội phải thống nhất các hội viên là doanh nghiệp theo hướng mỗi doanh nghiệp phải quản lý chặt lực lượng thương lái của mình. Từ nguồn tin báo lượng hàng của thương lái, thời gian đó doanh nghiệp sẽ nắm được cụ thể hàng sẽ dư hay thiếu so với yêu cầu để báo về hiệp hội. Trên cơ sở đó, hiệp hội sẽ điều tiết hàng từ doanh nghiệp đang dư sang doanh nghiệp đang thiếu, nhằm khắc phục tình trạng đẩy giá cao ảo cũng như tình trạng ép cấp, ép giá của thương lái; gây nghi ngờ, bất mãn cho nhà vườn. Trong khi giá mua này ở góc độ nào đó không phải do chính doanh nghiệp tính toán đưa ra, mà là do thị trường buôn bán qua biên giới điều tiết. Đây là một thực tế khó khắc phục, trừ phi chính Hiệp hội Thanh long Bình Thuận đủ mạnh tìm được những đơn hàng xuất khẩu lớn, phân phối lại cho các doanh nghiệp thành viên thì lúc này mới định được giá mua thanh long từ nông dân. Một khi giải quyết chuyện giá cả thanh long ổn định trong mức có thể thì hiệp hội cũng làm thỏa mãn nhu cầu cần biết của nông dân trong các tổ nhóm VietGAP là thành viên.
Hảo Chi/ Báo Bình Thuận
Không có nhận xét nào: