» » Thanh Long thừa ứ: Giá phải trả vì phát triển thiếu quy hoạch

Đối với nhiều hộ nông dân, cây thanh long hiện nay không chỉ là cây trồng tạo thêm nhiều việc làm, mà còn giúp nhiều gia đình thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Vì vậy đã tạo ra “cơn sốt” mở rộng diện tích trồng thanh long ở nhiều địa phương, rất cần những định hướng, giải pháp cụ thể để cây thanh long phát triển bền vững.

Thu hoạch trái thanh long

Đứng trước nhiều rủi ro, thách thức

Nếu như năm 2000 cả nước chỉ có 560ha thanh long thì hiện nay, đã có gần 30.000ha, tức là tăng gấp 50 lần, phát triển ở hơn 40 tỉnh, thành phố của cả nước, trong đó tập trung nhiều nhất là tại các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Diện tích tăng nhanh, nhưng việc tiêu thụ lại không dễ dàng. 6 tháng đầu năm 2014, thanh long Việt Nam đã xuất khẩu trên 540.000 tấn, trong đó riêng thị trường Trung Quốc trên 516.000 tấn. Tính đến thời điểm hiện nay, thanh long của Việt Nam được tiêu thụ chủ yếu tại thị trường châu Á, nhiều nhất là Trung Quốc (chiếm gần 90%), đây là thị trường tiêu thụ lớn nhất, nhưng chủ yếu lại buôn bán qua đường tiểu ngạch, một hình thức buôn bán tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Thời gian tới, thanh long sẽ chịu áp lực cạnh tranh quyết liệt do nhiều nước trong khu vực đã bắt đầu trồng loại cây này. Đáng chú ý, Đài Loan đã có thể xử lý để thanh long ra hoa, trái suốt năm và Trung Quốc đã triển khai trồng khoảng 20.000ha thanh long. Đây chính là nỗi lo của các tỉnh trồng chuyên canh và tập trung cây thanh long hiện nay. Nhất là khi đó việc trồng thanh long theo kiểu phong trào hiện nay không tuân thủ  theo quy trình GAP đã ảnh hưởng lớn đến uy tín, chất lượng thanh long và làm tăng nguy cơ mất dần thị trường, trước mắt là khu vực châu Á, tiếp đến là những thị trường khó tính như châu Âu, Mỹ, Nhật Bản... khi mà thanh long Việt Nam muốn xuất khẩu và có giá trị cao cần vượt qua hàng rào về an toàn thực phẩm và kiểm dịch thực vật nghiêm ngặt của các quốc gia này. Ví dụ để thanh long xuất sang Mỹ, các nhà sản xuất phải tuân theo những quy định nghiêm ngặt do Cơ quan Kiểm dịch động thực vật Mỹ (APHIS) đề ra, bất kỳ lô hàng nào vào nước này đều phải qua khâu xử lý chiếu xạ để đảm bảo loại trừ sâu bệnh. Còn đối với thị trường Nhật, Hàn Quốc… họ yêu cầu phải xử lý bằng công nghệ hơi nước nóng để diệt sâu bệnh, côn trùng. Đó là rào cản kỹ thuật của từng quốc gia mà mình buộc phải tuân thủ.

Trong khi đó đối với một đất nước nhiệt đới như Việt Nam luôn tiềm ẩn, phát sinh dịch bệnh trên cây trồng là khó tránh khỏi. Tại Bình Thuận, năm nay, nhiều diện tích thanh long ở trên địa bàn tỉnh này bị nhiễm bệnh thán thư, đốm trắng khiến vỏ bị “nám”, trên vỏ xuất hiện nhiều đốm trắng, trái bị thối từ bên trong… nhìn hình thức và chất lượng loại trái cây này ngày càng đi xuống, không đủ tiêu chuẩn xuất khẩu. Hiện hầu hết các vườn thanh long ở Bình Thuận đã bị lây bệnh, có vườn số trụ bị nhiễm bệnh chiếm đến 90%, giá bán rẻ như bèo, không đủ trả công hái nên nhiều nhà vườn đã đổ bỏ.

Để thanh long phát triển bền vững

Để cây thanh long phát triển bền vững, đủ sức cạnh tranh trên trường quốc tế, cách duy nhất là phải tập trung sản xuất theo quy hoạch và tiêu chuẩn GAP. Thời gian qua các tỉnh trồng tập trung thanh long đã, đang chủ động rà soát, cân đối và có kế hoạch phát triển diện tích thanh long theo hướng hợp lý, an toàn, chất lượng cao. Cùng với đó là tập trung mở rộng thị trường nội địa, nâng dần tỷ trọng tiêu thụ nội địa và xuất khẩu tại chỗ từ 10 - 15% hiện nay lên 16 - 17% vào năm 201518 - 20% vào năm 2020.

Để đạt mục tiêu này rất cần có sự phối hợp giữa các Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao để quảng bá thương hiệu thanh long Việt Nam trên thị trường quốc tế. Bên cạnh đó, Nhà nước cần có cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư cơ sở chế biến, đóng gói đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, đủ điều kiện tham gia xuất khẩu vào thị trường lớn có tiềm năng. Xây dựng mô hình liên kết giữa doanh nghiệp - hợp tác xã - nông dân, gắn sản xuất với tiêu thụ thông qua các hợp đồng để phát triển thanh long ổn định và lâu dài. Tạo điều kiện cho ngành chế biến trái cây đầu tư sản xuất những sản phẩm từ thanh long, như mứt thanh long, hay nước ép, rượu thanh long... Cuối cùng là tăng cường các biện pháp quản lý thị trường, nhất là với các đối tượng mua bán trung gian, tránh tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, gây rối loạn thị trường, làm thiệt hại cho chính doanh nghiệp và người sản xuất thanh long.

Bảo Thy/ Báo Công Thương

Về Tin tức nông nghiệp

Chuyên tin tức nông nghiệp, chỉ tin tức nông nghiệp. tintucnongnghiep.com là một blog chia sẻ tin tức nông nghiệp Việt Nam và thế giới theo tiêu chí kết nối, chia sẻ và phi lợi nhuận.
«
Trước
Bài đăng Mới hơn
»
Sau
Bài đăng Cũ hơn

Không có nhận xét nào:

Chia sẻ của bạn về bài viết này: