Diện tích rau an toàn (RAT) ngày càng mở rộng, nhưng do thiếu chính sách tiêu thụ sản phẩm và công tác quản lý còn lỏng lẻo nên đầu ra của RAT đang gặp nhiều khó khăn, khó cạnh tranh với rau “đội lốt” rau sạch.
Còn rất ít điểm bán rau an toàn tại Hà Nội
Kỳ II: Chi phí lớn, đầu ra “bấp bênh”
Trà trộn thật - giả
Trồng RAT chi phí cao hơn so với trồng rau thông thường từ 10-15% do mất nhiều công sức chăm sóc, tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình và phải đầu tư hệ thống nhà kính, nhà lưới… Tuy nhiên, việc tiêu thụ ổn định qua các kênh như siêu thị hay các doanh nghiệp rất ít, đa phần nông dân vẫn phải tự tìm hướng tiêu thụ, chủ yếu bán cho các tiểu thương và bán buôn tại chợ đầu mối với giá chỉ cao hơn giá rau thường khoảng trên 1 ngàn đồng/kg nên không đủ chi phí. Hơn nữa, tại đó, thương lái sau khi mua thường thu gom chung vào một loại, lẫn cả rau thường và RAT nên dẫn đến sự nhập nhèm, ảnh hưởng đến uy tín, gây mất niềm tin tới người tiêu dùng.
Tiến sĩ Nguyễn Duy Hồng – Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật (BVTV) Hà Nội - cho rằng, trong khi RAT bị yêu cầu quản lý chặt về chất lượng, thì rau thường lại chưa có quy định quản lý cùng tiêu chí xử phạt vi phạm. Do đó, lợi dụng tâm lý người tiêu dùng thích dùng sản phẩm sạch, nhiều cơ sở kinh doanh đã lợi dụng “phù phép” biến rau thường thành RAT và bán với giá cao. “Thực tế, rất ít cơ sở kinh doanh có dán tem kiểm định chất lượng, nhãn hiệu rõ ràng. Nếu đúng quy trình, trên 1 sản phẩm phải có đủ 3 loại tem: tem của cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh và chi cục” - TS. Hồng cho biết.
Vì đầu ra “bấp bênh”, khó cạnh tranh với các loại rau thường đang chiếm thị phần rất lớn trên thị trường (khoảng 65%), nên nhiều doanh nghiệp sau khi đầu tư vào sản xuất và phát triển RAT đã gặp những khó khăn. Như Công ty Hương Cảnh đã đầu tư gần chục tỷ đồng để xây dựng nhà sơ chế tại Văn Đức (Gia Lâm) nhưng đến nay cơ sở vẫn hoạt động chưa hết công suất.
Theo thống kê của Chi cục Bảo vệ thực vật, tại Hà Nội có khoảng 80 cửa hàng bán RAT có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Tuy nhiên, các cửa hàng bán RAT còn chiếm tỷ lệ rất nhỏ so với nhu cầu tiêu thụ rau sạch tại Hà Nội.
Đẩy mạnh xây dựng thương hiệu
Để tạo niềm tin cho sản phẩm RAT, Chi cục BVTV Hà Nội đang thí điểm việc gắn nhãn nhận diện nguồn gốc xuất xứ sản phẩm RAT bán buôn và dán tem nhận diện RAT cho sản phẩm bán lẻ. 38 cơ sở đã phối hợp tham gia, mỗi cơ sở được cấp 1 mã số đóng lên tem nhận diện để phục vụ việc tra cứu nguồn gốc RAT.
Đồng thời, chi cục đang tiến hành đăng ký nhãn hiệu chứng nhận RAT tại Cục Sở hữu trí tuệ, đã được UBND thành phố cho phép sử dụng địa danh “Hà Nội” cho nhãn hiệu “RAT Hà Nội”. Dự kiến, trong năm nay sẽ được cấp văn bằng bảo hộ. “Nếu được cấp, Hà Nội sẽ là địa phương đầu tiên trong cả nước cấp tên địa danh trên sản phẩm RAT. Việc này, giúp quản lý thống nhất, cũng như tạo dựng được thương hiệu riêng cho RAT Hà Nội” - TS. Hồng nhấn mạnh.
Đồng thời, duy trì điểm phân phối RAT tại khu dân cư, cơ quan với 11 điểm đang hoạt động. Đẩy mạnh tuyên truyền quy định sản xuất RAT qua các lớp tập huấn, cơ quan báo, đài… để nâng cao nhận thức của nông dân và người tiêu dùng. Chi cục cũng đang thực hiện thẩm định “Xây dựng bản đồ số hóa về an toàn thực phẩm trong sản xuất rau” và xây dựng tổng đài tư vấn về RAT.
Tuy nhiên, TS. Hồng cho rằng, để RAT phát triển bền vững, bên cạnh việc quản lý chặt rau thường, nhà nước cần sớm có các cơ chế trợ giá để đưa giá RAT về bằng giá rau tại các chợ, có vậy cơ sở sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng mới được hưởng lợi.
Quỳnh Nga - Thu Hà/ Báo Công Thương
Bài viết liên quan:
Không có nhận xét nào: