» » Đốn chặt cây cao su, cà phê sang trồng tiêu: Hệ lụy khôn lường

Cao su, cà phê là một trong những cây trồng chủ lực và mang tính chiến lược của một số tỉnh miền Đông Nam Bộ và vùng đất đỏ Tây Nguyên, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế của các địa phương. Tuy nhiên, giá cao su, cà phê liên tục giảm khiến bà con nông dân có xu hướng muốn chặt bỏ, chuyển sang trồng hồ tiêu và một số loại cây trồng khác. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng cao su, cà phê mà còn làm xáo trộn cơ cấu giống cây trồng và để lại nhiều hệ lụy.

Nhiều diện tich cà phê già cỗi đang được phá bỏ để chuyển sang trồng tiêu

Nhiều diện tích cây cao su, cà phê bị chặt

Theo Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT, diện tích cây cao su bị nông dân chặt bỏ trong 6 tháng đầu năm 2014 của cả nước khoảng 3.850ha. Trong đó, tỉnh Tây Ninh có số lượng cây cao su bị chặt bỏ lên tới gần 1.750ha. Tại tỉnh Bình Dương, diện tích thanh lý cao su tại các hộ tiểu điền lên tới hơn 539ha, Đắk Nông là 181ha, Bà Rịa – Vũng Tàu hơn 1.000ha… tập trung chủ yếu là những cây non, trồng sen canh với cây cà phê hay tiêu và vườn cây già cho năng suất thấp. Nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng này là do tác động của giá mủ cao su xuống thấp, trong lúc giá hồ tiêu lại tăng cao nên một số nhà vườn đã chuyển đổi cây trồng.

Hiệp hội Cao su Việt Nam cho biết, giá mủ cao su đã xuống thấp từ năm 2013, đặc biệt 6 tháng đầu năm 2014 có khi giá xuống chỉ còn khoảng 36 triệu đồng/tấn, dưới mức giá thành. Trong khi đó, trồng tiêu trên 1ha đạt sản lượng 4 - 5 tấn, chi phí đầu tư khoảng 100 triệu đồng/năm, với mức giá cao như hiện nay, trừ chi phí thì lãi ròng thu được không dưới 500 triệu đồng/năm. Chi phí thấp lại thu về lợi nhuận quá cao nên diện tích cây hồ tiêu tại các tỉnh Tây Nguyên, miền Đông Nam Bộ và các tỉnh khác trên cả nước đã không ngừng phát triển trong những năm gần đây. Ngoài lý do lợi nhuận thì nhiều bà con còn tính đến thời gian trồng tiêu chỉ mất khoảng 3 năm đã cho thu hoạch còn cao su là 7 năm, cà phê 5 năm. 

Cũng giống như cao su, cà phê là một trong những cây trồng chủ lực và mang tính chiến lược của vùng đất đỏ Tây Nguyên. Tuy nhiên, giá cà phê liên tục giảm khiến nhiều người dân trên địa bàn chặt bỏ, trồng thay thế những loại cây khác. Việc nông dân đổ xô chặt cà phê trồng hồ tiêu cũng đang gióng lên hồi chuông cảnh báo cho ngành nông nghiệp các địa phương này bởi họ một lần nữa đang rơi vào cái vòng luẩn quẩn chặt - trồng, trồng - chặt.

Những hệ lụy khôn lường

Theo ông Lương Văn Tự - Chủ tịch Hiệp hội Cà phê, ca cao Việt Nam, người nông dân chỉ thấy lợi trước mắt mà không tính hiệu quả lâu dài. Nông dân cũng không nên chạy theo giá cả mà phát triển ồ ạt diện tích hồ tiêu, bởi sẽ dẫn đến tình trạng cung vượt cầu, lúc đó giá tiêu lại giảm. Hiện nay, ở Tây Nguyên có hàng nghìn héc-ta hồ tiêu được trồng mới nhưng người dân lại bất chấp vùng đất, khí hậu có phù hợp hay không, ồ ạt trồng tiêu mà không tuân thủ quy trình kỹ thuật, dẫn đến dịch bệnh lan nhanh, tiêu chết hàng loạt. Bởi trên thực tế, các nhà khoa học đã khuyến cáo, cây tiêu chỉ thích hợp với những vùng đất bazan có độ thoát nước tốt, còn những vùng đất khác cho dù có đầu tư thâm canh tốt, nhưng năng suất sẽ không cao. Thêm vào đó, nếu không lựa chọn kỹ càng nguồn gốc xuất xứ của các loại trụ, giống tiêu thì nguy cơ xuất hiện dịch bệnh hại tiêu là điều không thể tránh khỏi. Không chỉ vậy, việc ồ ạt chặt phá cà phê ở Tây Nguyên còn là mối đe dọa lớn đối với việc phát triển bền vững loại cây này, bởi phần lớn diện tích cây cà phê nơi đây đang bị chặt bỏ để thay thế loại cây trồng khác. Ngoài ra, tình trạng người dân đổ xô trồng tiêu còn gây hệ lụy khác là khi bà con các dân tộc ở các địa phương đi săn lùng trụ tiêu từ những cánh rừng, dẫn đến xâm hại tài nguyên rừng, phá rừng trái phép.

Thiết nghĩ, việc chặt bỏ cà phê và thay thế vào đó cây trồng khác sẽ gây ra những hệ lụy khôn lường cho ngành nông nghiệp các tỉnh. Vì vậy, ngoài việc ngành nông nghiệp các tỉnh cần định hướng rõ cơ cấu cây trồng thích hợp riêng cho từng vùng, bà con cũng cần cân nhắc kỹ lưỡng trong việc phá đi diện tích cao su, cà phê và đổ xô trồng hồ tiêu. Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn các tỉnh cũng đã gửi công văn tới các địa phương nhằm khuyến cáo nông dân không chuyển đổi cao su, cà phê  sang cây trồng khác. Đặc biệt, tuyệt đối không trồng xen hồ tiêu vào vườn cao su vì dễ bị nhiễm nấm phytopthora làm chết cây cao su. Không rong tỉa cây cao su đang trong thời kỳ kiến thiết cơ bản, thậm chí cả diện tích cao su đang bắt đầu khai thác để trồng tiêu. Trước mắt, trong thời gian giá mủ cao su xuống thấp, bà con có thể áp dụng các biện pháp kỹ thuật chăm sóc tối thiểu, không để vườn cây xuống cấp nhằm bảo đảm cho việc đầu tư thâm canh khi giá cao su tăng trở lại. Các công ty cao su trên địa bàn tỉnh tăng cường phối hợp với chính quyền địa phương triển khai liên kết với các hộ trồng cao su tiểu điền để chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trong việc chăm sóc, khai thác mủ; thu mua bao tiêu sản phẩm cho nông dân để tránh tình trạng tư thương ép giá...

Hoàng Giang/ Báo Công Thương

Về Tin tức nông nghiệp

Chuyên tin tức nông nghiệp, chỉ tin tức nông nghiệp. tintucnongnghiep.com là một blog chia sẻ tin tức nông nghiệp Việt Nam và thế giới theo tiêu chí kết nối, chia sẻ và phi lợi nhuận.
«
Trước
Bài đăng Mới hơn
»
Sau
Bài đăng Cũ hơn

Không có nhận xét nào:

Chia sẻ của bạn về bài viết này: