Theo ước tính của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), nhập khẩu gạo của Hàn Quốc năm 2013 - 2014 (tháng 11/2013 – tháng 10/2014) đạt 410.000 tấn, giảm 20% so với 510.000 tấn năm 2012 - 2013. Trong khi đó, sản lượng gạo trong nước năm 2013 - 2014 ước đạt 4,2 triệu tấn, và tiêu thụ gạo hàng năm đạt 4,6 triệu tấn.
Ảnh minh họa
Theo Cơ quan thường trú Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA Post) tại Seoul, tính đến 21/7/2014, Hàn Quốc đã nhập khẩu 165.630 tấn gạo, chiếm khoảng 40% trong tổng số 408.700 tấn gạo nhập theo Tiếp cận Thị trường Tối thiểu 2014 (MMA).
Hàn Quốc sẽ nhập khẩu khoảng 205.278 tấn gạo theo hạn ngạch đặc biệt quốc gia (CSQ) – Trung Quốc 116.159 tấn, Mỹ 50.076 tấn, Thái Lan 29.963 tấn và Australia 9.030 tấn – và khoảng 203.472 tấn theo hạn ngạch toàn cầu. Tính đến 21/7/2014, Hàn Quốc đã nhập khẩu khoảng 133.408 tấn theo hạn ngạch toàn cầu và 32.222 tấn theo CSQ.
Ngày 18/7/2014, chính phủ Hàn Quốc thông báo quyết định dỡ bỏ hạn ngạch nhập khẩu gạo vào nước này từ năm 2015, song cho biết sẽ tiến hành mọi biện pháp có thể để hạn chế nhập khẩu gạo tăng bất hợp lý và đánh thuế cao để giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực tới nông dân trong nước.
“Đây là điều tất yếu và cũng là lựa chọn tốt nhất hiện có”, Bộ trưởng Nông nghiệp, Lương thực và Nông thôn Lee Dong-Phil cho biết. Tuy nhiên, Hàn Quốc sẽ bảo vệ ngành nông nghiệp nội địa bằng cách áp đặt mức thuế cao nhất được phép. Mặc dù Bộ Nông nghiệp, Lương thực và Nông thôn không nói rõ mức thuế sẽ được áp, nhưng theo các nguồn tin trong nước và các nhà phân tích, mức thuế đề xuất khoảng 300 - 500%. Mức thuế mới sẽ được WTO kiểm tra.
Việc Hàn Quốc dỡ bỏ hạn ngạch nhập khẩu gạo là điều kiện thuận lợi để Việt Nam xuất khẩu gạo vào quốc gia này.
Đầu tiên là về giá, mặc dù hiện nay giá xuất khẩu gạo của Việt Nam đang có chiều hướng tăng lên, tuy nhiên về lâu dài thì gạo Việt Nam vẫn có giá bán thấp hơn so với Thái Lan, Ấn Độ:
(Giá gạo tháng 04/2014 - Nguồn: Báo Tuổi Trẻ)
Theo oryza.com, một trang chuyên cập nhật các thông tin về thị trường lúa gạo trên thế giới, giá gạo 5% và 25% tấm của Việt Nam trong tháng 7/2014 đã cao hơn các nước từ 10 - 25 đô la Mỹ/tấn. Theo ông Nguyễn Đình Bích, chuyên gia về ngành hàng lúa gạo, "Việt Nam chào bán gạo với giá cao là do đang đắt hàng, gạo Việt Nam không phải cạnh tranh nhiều với hai đối thủ xuất khẩu gạo lâu nay là Thái Lan, Ấn Độ". Ông Bích cho biết, "chính phủ mới của Thái Lan vẫn chưa kết thúc chương trình thanh tra lúa gạo mà chính phủ trước đây thực hiện, do đó lượng gạo bán ra của quốc gia này chưa nhiều. Một nước khác có lượng gạo xuất khẩu lớn là Ấn Độ cũng đang giảm lượng bán ra do lo ngại những ảnh hưởng xấu của El Nino. Trong khi đó, về phía cầu, quốc gia nhập khẩu gạo với số lượng lớn như Philippines do bị ảnh hưởng của bão nên mùa màng không thuận lợi và họ đang có kế hoạch mua thêm gạo để dự trữ."
Bên cạnh đó tiêu chuẩn gạo nhập khẩu của Hàn Quốc không cao, chỉ yêu cầu gạo nhập khẩu phải sạch, nghĩa là không có dư lượng thuốc trừ sâu cũng như côn trùng chứa mầm bệnh – điều này Việt Nam hoàn toàn có thể đáp ứng tốt được.
Tuy nhiên, khó khăn thử thách cho các nhà nhập khẩu gạo Việt Nam cũng nhiều. Hiện nay, Hàn Quốc đang nhập khẩu gạo chủ yếu từ Mỹ, Trung Quốc, Thái Lan và Úc. Ngoài ra một số quốc gia khác như Pakistan, Campuchia đang thâm nhập mạnh vào thị trường này với những loại gạo thơm chất lượng cao. Đây cũng là thách thức lớn khi hiện nay gạo Việt Nam chưa được đánh giá cao về chất lượng. Mặc khác, Hàn Quốc bảo hộ nền sản xuất lúa gạo trong nước thì phần lớn cơ hội sẽ dành cho những thương hiệu gạo nổi tiếng của các quốc gia như Basmati (Ấn Độ), Homali (Thái Lan), Jasmine (Campuchia)... Bên cạnh đó, lượng gạo còn thiếu để đảm bảo nhu cầu lương thực của Hàn Quốc hàng năm không cao - khoảng hơn 400.000 tấn và đây có lẻ cũng không phải là thị trường lớn của Việt Nam.
(Nguồn: tintucnongnghiep.com)
Mức thuế nhập khẩu gạo từ Hàn Quốc khoảng từ 300 – 500% là rất cao so với những quốc gia khác. Điển hình là Philippines, một trong những thị trường xuất khẩu gạo lớn của Việt Nam hiện nay thì tổng khối lượng nhập khẩu gạo trong năm không vượt quá 350.000 tấn sẽ được áp thuế suất 40%, hơn 350.000 tấn sẽ được áp thuế suất 50%. Sắp tới quốc gia này cũng sẽ nới lỏng các hạn chế về nhập khẩu gạo: “Chính phủ sẽ áp thuế suất 35% nếu tổng khối lượng nhập khẩu gạo trong năm không vượt quá 805.200 tấn, và sẽ áp thuế suất 50% nếu tổng khối lượng nhập khẩu gạo trong năm hơn 805.200 tấn.” Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Philippines Segfredo Serrano đã cho biết vào ngày 27/06.
Chính những khó khăn trên khiến cho thông tin Hàn Quốc mở cửa thị trường gạo vào năm 2015 vẫn chưa nhận được sự quan tâm của các nhà xuất khẩu gạo Việt Nam. Thế nhưng, thời gian gần đây, việc xuất khẩu gạo tiểu ngạch của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc đang gặp nhiều khó khăn nên VFA và các doanh nghiệp xuất khẩu gạo cần phải khai thác thêm những thị trường mới và Hàn Quốc cũng là một cơ hội – mặc dù không lớn.
Phạm Nhật/ tintucnongnghiep.com
Không có nhận xét nào: