» » » Bình Thuận: Rục rịch chặt cao su

Giá cao su xuống sát đáy khiến nhiều hộ, doanh nghiệp trồng số lượng lớn cạo mủ không đủ tiền trả chi phí cho nhân công và vốn đầu tư phân bón nên đang rục rịch tính chuyện chặt cao su để trồng cây khác…

Ảnh minh họa

Mấy hôm nay về Tánh Linh, Đức Linh nghe dân trồng cao su bàn tán xôn xao giá mủ cao su đã sát đáy và không biết có rớt xuống nữa không. Thị trường không thể dự đoán được vì lượng xuất khẩu quá phụ thuộc vào đường tiểu ngạch xuất qua Trung Quốc. Trong nước còn ít nhà máy chế biến và sản xuất những sản phẩm chất lượng cao từ mủ cao su nên chỉ tiêu thụ được một phần nhỏ. Còn xuất khẩu sang các nước châu Á, châu Âu thì trong tỉnh chỉ có Công ty TNHH Một thành viên Cao su Bình Thuận làm được nhưng cũng chưa nhiều. Vì vậy, mủ cao su của Bình Thuận đang trong “số phận” chung như mủ cao su của nhiều tỉnh thành khác là tồn kho và giá quá thấp. Toàn tỉnh hiện có 7 huyện, thị xã trồng gần 40.000 ha cao su, trong đó có 20.000 ha cao su đang khai thác. Trồng cây cao su nhiều nhất là Tánh Linh trên 19.000 ha, Đức Linh 12.000 ha, Hàm Tân khoảng 5.000 ha, còn lại ở  các huyện Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam, Bắc Bình và thị xã La Gi. Theo định hướng quy hoạch phát triển cây cao su của tỉnh đến năm 2020, diện tích cây cao su khoảng 45.000 ha, tổng sản lượng ước 50.000 tấn, phấn đấu năm 2015 tăng tỷ lệ xuất khẩu mủ khô đạt 70% sản lượng toàn tỉnh, tương ứng 33.300 tấn với kim ngạch 100 triệu USD, trong đó xuất khẩu chính ngạch đạt 40 triệu USD. Nếu mủ cao su vẫn đạt giá 55 - 60 triệu đồng/tấn thì cả người trồng lẫn giới kinh doanh sẽ có lời, diện tích và sản lượng xuất khẩu sẽ đạt như mong đợi. Tuy nhiên giá mủ cao su hiện nay rớt liên tục và rất khó lường nên người trồng cao su lao đao…

Nếu cuối năm 2011, giá mủ bình quân 90 triệu đồng/tấn thì sang đầu năm 2012 vượt lên 101 triệu đồng/tấn. Lúc ấy thị trường hút hàng nên cả dân trồng cao su lẫn giới kinh doanh cao su trúng đậm. Đến giữa năm 2012, giá cao su bắt đầu rớt dần xuống còn 43 triệu đồng/tấn, gần cuối năm nhích lên 60 triệu đồng/tấn. Thế nhưng sang đầu năm 2013 giá cao su lại rớt liên tục và đến nay giá chỉ còn 28 - 31 triệu đồng/tấn, có khi nhích lên được tí đỉnh nhưng hiện nay giá vẫn còn trong “khung chết”, nghĩa là người trồng chỉ từ hòa vốn hoặc lãi tí đỉnh. Giá mủ cao su quá thấp nên những hộ trồng không phải thuê nhân công nhiều thì cạo còn có ít lãi, hoặc những gia đình trồng ít và chủ động được công thì cạo để lấy công làm lời. Với những hộ  hoàn toàn phải thuê nhân công thì hầu như hòa vốn. Vì vậy, hiện nay ở Đức Linh, Tánh Linh nhiều hộ “phất cờ trắng” với cây cao su. Ở Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước nhiều hộ đã chặt bỏ cây cao su để trồng cây khác. Đức Linh, Tánh Linh, một số hộ cũng đang rục rục tính chuyện chặt cây cao su để chuyển trồng cây khác. Bài toán đặt ra là chặt cao su rồi sẽ trồng cây gì để có hiệu quả? Hay lại thêm kiểu trồng các loại cây thị trường đang “hot”, để rồi một thời gian ngắn sau đó phải chịu “ngậm đắng” phá bỏ vì giá cả bấp bênh…Một định hướng thị trường tốt đang rất cần cho nông dân…       

Hoàng Ngọc/ Báo Bình Thuận

Về Tin tức nông nghiệp

Chuyên tin tức nông nghiệp, chỉ tin tức nông nghiệp. tintucnongnghiep.com là một blog chia sẻ tin tức nông nghiệp Việt Nam và thế giới theo tiêu chí kết nối, chia sẻ và phi lợi nhuận.
«
Trước
Bài đăng Mới hơn
»
Sau
Bài đăng Cũ hơn

Không có nhận xét nào:

Chia sẻ của bạn về bài viết này: