» » Đồng bằng sông Cửu Long: Giá lúa gạo tăng vọt, tranh mua để xuất khẩu

Trái với không khí ảm đạm trong nửa đầu năm nay, bước sang tháng 7, giá lúa gạo tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long đã tăng vọt. Theo nhận định của các chuyên gia, hiện nhiều nước đang có nhu cầu nhập khẩu gạo chính là lý do đẩy giá gạo nội địa lên cao.

Ảnh minh họa

Tăng 1.000 đồng/kg

Ngày 22.7, ông Dương Văn Mến - thương lái thu mua lúa gạo ở huyện Lấp Vò, Đồng Tháp cho biết, chưa năm nào lại thấy lúa hè thu đảo chiều tăng mạnh liên tục như năm nay. Hồi đầu vụ, giữa tháng 6 giá rớt mạnh từ 300 – 400 đồng/kg, xuống còn có 4.000 đồng/kg, thậm chí có nơi còn có 3.800 đồng/kg.

Thế nhưng từ đầu tháng 7 đến nay, giá lúa đảo chiều, liên tục tăng không dừng, đến ngày 21.7 đã tăng gần 1.000 đồng/kg, lên 4.700 đồng/kg lúa tươi IR 50404 mua tại ruộng, còn lúa hạt dài là 4.900 – 5.000 đồng/kg. Nếu bán lúa khô, giá cao hơn từ 1.000 – 1.100 đồng/kg, lúa chất lượng cao như Jasmine bán khô lên đến 6.200 - 6.400 đồng/kg.

Theo khảo sát của NTNN, các loại gạo nguyên liệu cũng tăng mạnh. Cụ thể ngày 21.7, giá gạo nguyên liệu tại Cần Thơ, An Giang, Đồng Tháp được doanh nghiệp chế biến xuất khẩu mua vào giá 7.300 - 7.400 đồng/kg loại IR 50404, tăng gần 1.000 đồng/kg so với tháng trước. Gạo thành phẩm có giá tới 8.500 - 8.600 đồng/kg đối với giống IR 50404 loại tốt và 9.000 – 9.100 đồng/kg đối với các giống hạt dài như OM 5451, OM 4218.

Anh Nguyễn Văn Tiễn ở Hồng Ngự, Đồng Tháp, cho biết, vụ lúa hè thu năm nay gia đình anh trồng 3ha lúa, năng suất bình quân 6 tấn/ha. Anh vừa bán cho thương lái hơn 17 tấn với giá 4.650 đồng/kg, được hơn 79 triệu đồng, lời 20 triệu đồng. “Bán được giá này, gia đình mừng hết lớn đó. Cứ tưởng lỗ vì đầu vụ mưa gió triền miên, giá rớt thê thảm” – anh Tiễn vui vẻ nói.

Philippines sẽ mua thêm 400.000 tấn gạo?

Theo các doanh nghiệp, sở dĩ giá lúa gạo hè thu năm nay đảo chiều tăng phi mã trong 3 tuần qua là do lượng hàng xuất khẩu tăng mạnh ở cả 2 thị trường chính ngạch và tiểu ngạch.

Ông Trần Thanh Vân - Phó Giám đốc Công ty Gentraco (Cần Thơ) cho biết công ty ông đang đẩy nhanh tốc độ thu mua do thời gian giao hàng gấp rút cho hợp đồng cung ứng 800.000 tấn gạo cho Philippines, rồi các hợp đồng thương mại giao trong tháng 7 cũng nhiều.

Ông Vân phân tích, nếu năm 2013 hợp đồng tập trung chỉ đạt khoảng 700.000 tấn, thì tới thời điểm này, Việt Nam đã có trong tay hợp đồng khoảng 1,2 triệu tấn, gồm 200.000 tấn hợp đồng với Philippines được chuyển từ năm 2013 sang, cộng thêm 800.000 tấn mới ký hồi tháng 4200.000 tấn vừa ký với Malaysia.

“Đó là chưa tính lượng gạo Philippines đang xúc tiến mua thêm của Việt Nam là 400.000 tấn để tăng nguồn dự trữ quốc gia, đặc biệt là sau ảnh hưởng của bão Rammasun. Bên cạnh đó, Indonesia, Sri Lanka, Bangladesh cũng đang có ý định mua gạo” – ông Vân thông tin. Dự báo hợp đồng tập trung năm nay sẽ không dưới 1,7 triệu tấn, nhiều hơn năm ngoái 1 triệu tấn.

Không những thế, ở thị trường tiểu ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc, lượng gạo được đưa ra Bắc để bán sang đây cũng tăng mạnh trong năm nay.

Ông Nguyễn Thanh Thọ - thương nhân kinh doanh lúa gạo tại chợ đầu mối lương thực Bà Đắc, huyện Cái Bè, Tiền Giang, cho biết: “Chúng tôi xay xát ra bao nhiêu gạo là bán hết bấy nhiêu, không chỉ doanh nghiệp tại chỗ thu gom cho các hợp đồng chính ngạch mà các nguồn phía Bắc xuất tiểu ngạch đi Trung Quốc cũng gia tăng lượng hàng mua. Họ thúc dữ lắm, làm chúng tôi phải gom cả gạo trong nước lẫn gạo Campuchia mà vẫn cung ứng không kịp”.

Một số doanh nghiệp ở đây nhận định, có thể do ảnh hưởng của cơn bão Rammasun tới khu vực miền Nam Trung Quốc đã khiến nước này tăng mua lúa gạo nước ta để bù đắp vào lượng lúa thiếu hụt do mưa bão làm hỏng.

Ông Lâm Anh Tuấn - Giám đốc Công ty TNHH Thịnh Phát (Bến Tre), cũng xác nhận rằng doanh nghiệp xuất khẩu gạo đang phải cạnh tranh gay gắt nguồn gạo với thương lái và doanh nghiệp bán tiểu ngạch sang Trung Quốc, nên tình hình tiêu thụ lúa gạo hiện nay rất sôi động. Đây là lý do giải thích vì sao giá lúa gạo ở ĐBSCL “nóng” lên từng ngày.

Theo nguồn tin từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam, cả năm 2013 lượng gạo xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc đạt khoảng 1,5 – 1,6 triệu, tấn thì 6 tháng đầu năm 2014 đã tới 1,3 triệu tấn. Các chuyên gia đánh giá, nhu cầu thị trường này vẫn tiếp tục ở mức cao trong những tháng cuối năm.

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, việc Trung Quốc khởi động lại việc mua gạo trong vài tuần qua, trong khi các nhà xuất khẩu gạo cần mua gạo tại thị trường trong nước để phục vụ đơn hàng xuất khẩu sang Malaysia và Philippines là những lý do chính đẩy giá gạo tăng lên. 

Mới đây cơ quan Lương thực Quốc gia (NFA) của Philippines cho biết cơ quan này có kế hoạch nhập khẩu thêm 400.000 tấn gạo trong nửa cuối năm 2014 để hỗ trợ dự trữ quốc gia. Một khi được phê duyệt, hoạt động nhập khẩu mới sẽ được triển khai vào đầu tháng 9.2014. Với lượng gạo nhập khẩu mới này, tổng số gạo nhập khẩu của Philippines trong năm 2014 sẽ là 1,2 triệu tấn. Mai Nguyễn

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, tính đến đầu tháng 7.2014, các doanh nghiệp hội viên đã ký hợp đồng xuất khẩu được gần 5,2 triệu tấn gạo các loại. Lũy kế xuất khẩu đến 10.7 đạt gần 3,2 triệu tấn, trị giá gần 1,4 tỷ USD.  

Ngọc Minh/ Dân Việt

Về Tin tức nông nghiệp

Chuyên tin tức nông nghiệp, chỉ tin tức nông nghiệp. tintucnongnghiep.com là một blog chia sẻ tin tức nông nghiệp Việt Nam và thế giới theo tiêu chí kết nối, chia sẻ và phi lợi nhuận.
«
Trước
Bài đăng Mới hơn
»
Sau
Bài đăng Cũ hơn

Không có nhận xét nào:

Chia sẻ của bạn về bài viết này: