Đầu năm 2012, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát yêu cầu Cục Trồng trọt chủ trì, thực hiện việc thiết kế, ban hành logo chung cho sản phẩm đạt chứng nhận VietGAP.
Tuy nhiên, hơn 2 năm sau, “con dấu chung” cho VietGAP này vẫn chưa thể có mặt trên đời. Việc chậm có logo VietGAP đã khiến cho công tác sản xuất, xuất khẩu của hàng nông sản gặp khá nhiều khó khăn.
Chưa có logo nhận dạng riêng nên người tiêu dùng chưa thể phân biệt sản phẩm VietGAP với các sản phẩm thông thường.
Giữa năm 2014, ông Peter Jonker – chủ một chuỗi cửa hàng nhập khẩu, phân phối nông sản của Úc sang Việt Nam để tìm hiểu các loại trái cây nhiệt đới, chuẩn bị nhập khẩu sang Úc. Tại Việt Nam, ông được giới thiệu nhiều loại trái cây đặc sản như thanh long, xoài, chuối… với các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP.
Tuy nhiên, sau nhiều lần tham quan, tìm hiểu, ông Peter Jonker đánh giá, dù được nghe rất nhiều về bộ tiêu chuẩn VietGAP của Việt Nam nhưng ông không thể tìm thấy sản phẩm VietGAP trên thị trường, không có dấu hiệu nào giúp ông phân biệt sản phẩm với các loại tiêu chuẩn khác nhau?
Trong khi đó, TS Võ Mai – Phó Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam, bà cho rằng, bộ tiêu chuẩn VietGAP được xem là một trong những bước tiến quan trọng của nông nghiệp Việt Nam. Qua đó, từng bước đưa sản xuất vào hướng bền vững trong tương lai. Việc có một “con dấu chung” để nhận dạng các sản phẩm VietGAP là vô cùng cần thiết. “Tại sao 2 năm trước, Bộ NNPTNT cũng đã giao kinh phí cho Cục Trồng trọt nhưng đến nay, vấn đề vẫn chưa được giải quyết?”- bà Mai đặt vấn đề.
Nhiều người cũng ví von rằng, Việt Nam cứ hô hào sản xuất theo chuẩn VietGAP nhưng khi được chứng nhận rồi, sản phẩm ra thị trường “vẫn như cũ”, không có dấu hiệu nhận dạng riêng, khác nào VietGAP chỉ là những “anh hùng giấu mặt”.
Trả lời câu hỏi trên, ông Phạm Đồng Quảng – Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, giải thích rằng, để đưa ra một logo cho sản phẩm được chứng nhận VietGAP không khó, chỉ cần tổ chức một cuộc thi thiết kế là xong, nhưng vấn đề là sau đó ai sẽ quản lý cái logo chung này.
“Cái lấn cấn hiện nay là sau khi ban hành, ai sẽ cấp phát, quản lý việc sử dụng logo đó? Ví dụ, doanh nghiệp chỉ có một lô hàng được chứng nhận VietGAP nhưng lại dán nhãn lên 10 lô thì biết làm sao?”- ông Quảng phân tích.
Theo ông Quảng, doanh nghiệp, nông dân có sản phẩm được chứng nhận VietGAP thì nên áp dụng biện pháp công bố trên bao bì, rằng sản phẩm đã được sản xuất theo các tiêu chuẩn VietGAP hoặc đã được chứng nhận VietGAP.
“Việc thiết kế logo nhận dạng cho sản phẩm VietGAP vẫn đang trong quá trình nghiên cứu, Cục sẽ sớm ban hành”- ông Quảng nói.
Thuận Hải/ Dân Việt
Không có nhận xét nào: