Trước thời điểm thu hoạch rộ vụ lúa Hè Thu, tình hình kinh doanh xuất khẩu gạo của các DN Việt Nam đang khá ảm đạm. Với áp lực tồn kho khoảng 2,5 triệu tấn, cộng với sự bấp bênh từ các hợp đồng tiểu ngạch qua biên giới phía Bắc, một lần nữa thách thức ngành lúa gạo Việt Nam.
Trứng đang bỏ vào một rổ
Theo thống kê của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), tính đến trung tuần tháng 6/2014, tổng lượng gạo xuất khẩu của cả nước ước khoảng 2,6 triệu tấn, trị giá CIF gần 1,2 tỷ USD. Ông Phạm Văn Bảy, Phó chủ tịch VFA cho hay, lượng gạo xuất đi vừa qua chủ yếu là sang Trung Quốc (cả chính ngạch và tiểu ngạch).
Gạo “bán tháo” sang Trung Quốc
Cụ thể, từ đầu năm đến nay, lượng gạo xuất sang Trung Quốc cả chính ngạch và tiểu ngạch ít nhất vào khoảng 1,9-2 triệu tấn. Thực tế này cho thấy, xuất khẩu gạo của Việt Nam từ đầu năm tới nay rơi vào tình trạng phụ thuộc gần như hoàn toàn vào thị trường Trung Quốc.
Theo một số thương nhân xuất khẩu gạo đi Trung Quốc, hiện giá xuất khẩu các loại gạo phẩm cấp trung bình (10-15% tấm) dao động khoảng 435-456 USD/tấn, không thấp hơn mức giá trúng thầu 800 nghìn tấn xuất sang Philippines, nhưng điều kiện giao hàng đơn giản và thuận lợi hơn nhiều. Chính vì vậy, một số DN được phân chỉ tiêu xuất khẩu gạo sang Phillippines đã tính đến việc trả lại hợp đồng tập trung để tự tìm kiếm khách hàng xuất thương mại nhằm cân đối kết quả kinh doanh, tránh lỗ vốn.
Mặc dù từ tháng 11/2013 đến nay, Việt Nam đã ký được 2 hợp đồng xuất khẩu gạo tập trung sang Philippines với tổng lượng 1,3 triệu tấn gạo, nhưng đến hết tháng 5/2014 lượng gạo các DN giao hàng cho Philippines mới đạt khoảng 493 nghìn tấn. Các thị trường truyền thống khác như Singapore, Malaysia hầu như không có hợp đồng nào được thực hiện.
Về việc một số DN xuất khẩu gạo xin trả lại chỉ tiêu trong hợp đồng 800 ngàn tấn đi Philippines, ông Lâm Anh Tuấn, Giám đốc Công ty Lương thực Thịnh Phát (Bến Tre) cho hay, trong số 600 ngàn tấn Vinafood 2 (Tổng công ty Lương thực miền Nam) ký được thì có 150.000 tấn bị DN trả lại. Trong khi đó các DN tại Vinafood 1 (Tổng công ty Lương thực miền Bắc) cũng trả lại khoảng 5.000 tấn. Lý do các DN xin trả lại chỉ tiêu xuất khẩu là vì lo ngại các điều khoản giao hàng.
Cụ thể, phía Philippines quy định nếu DN xuất khẩu cung cấp gạo không đạt yêu cầu sẽ phạt theo tỷ lệ cấp số nhân: 1% tấm lố sẽ bị phạt 3 USD/tấn, 2% tấm lố sẽ phạt 6 USD/tấn. Tuy nhiên, theo ông Phạm Văn Bảy, cho đến nay chưa có lô hàng nào của Việt Nam bị Philippines phạt tiền vì giao hàng không đạt yêu cầu.
VFA cũng đã làm việc trực tiếp với các Tổng công ty Lương thực và chỉ đạo các DN phải thực hiện hợp đồng này vì đây là hợp đồng cấp Chính phủ, ảnh hưởng đến uy tín của đất nước.
Áp lực đè nặng lúa Hè Thu
Nhưng ngay cả trong trường hợp các DN tiếp tục thực hiện các hợp đồng xuất khẩu gạo sang Philippines, áp lực tiêu thụ gạo cho dân vẫn đè nặng trung vụ tới. Ông Bảy cho biết, tính đến thời điểm đầu tháng 6/2014, các DN xuất khẩu gạo trong nước còn tồn kho khoảng hơn 1 triệu tấn gạo. Như vậy, nếu cộng với lượng gạo đã ký với Philippines nhưng chưa giao hàng và lượng gạo mua tạm trữ trong vụ Đông Xuân vừa qua thì hiện nay các kho trữ gạo của các DN đang còn tồn khoảng 2,5-2,7 triệu tấn, tương đương mức tồn kho cùng thời điểm năm 2013.
Trong khi đó, khoảng 2 tháng nữa, lúa Hè Thu chính vụ tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long sẽ thu hoạch rộ, dự kiến lượng lúa nguyên liệu hàng hóa sẽ đạt khoảng 6 triệu tấn. Vì thế, nếu không đẩy mạnh xuất khẩu trong các tháng này thì vụ Hè Thu năm nay áp lực tiêu thụ lúa trong dân sẽ tiếp tục là gánh nặng cho các DN.
Bởi so với năm ngoái, năm nay tuy thị trường châu Á khởi sắc hơn với các hợp đồng xuất khẩu tập trung đi Philippines và tăng đột biến ở thị trường Trung Quốc, nhưng các DN rơi vào thế buộc phải tự tìm kiếm hợp đồng thương mại và xuất đi bằng mọi giá.
Việc thua lỗ liên tiếp trong các năm 2012, 2013 đã khiến khoảng 20 DN thành viên của Vinafood 2 đang trong tình trạng kinh doanh bết bát. Những DN này gần như không dám mạo hiểm mua lúa gạo trong dân khi giá lúa trong nước ở mức cao vì sợ tiếp tục lỗ vốn khi phải bán tháo tồn kho trước mỗi đợt Chính phủ có chủ trương tạm trữ.
Theo tính toán của Bộ Tài chính, bình quân mức giá thành sản xuất lúa vụ Hè Thu năm nay tại các tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long ở mức 4.370 đồng/kg, tăng 228 đồng/kg so với vụ Hè Thu năm 2013. Như vậy, nếu muốn nông dân có lãi 30% thì tại thời điểm này các DN phải mua lúa nguyên liệu tối thiểu ở mức 5.700 đồng/kg.
Tuy nhiên, ghi nhận tại Long An đầu tháng 6/2014, giá lúa thường thương lái mua tại ruộng chỉ khoảng 4.700 - 4.900 đồng/kg, lúa hạt dài cũng chỉ được khoảng 5.000 - 5.300 đồng/kg. Mức này mặc dù đã thấp nhưng được dự báo sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới vì khi vào mùa mưa lũ, nông dân sẽ phải bán lúa ướt, có thời điểm chỉ được khoảng 3.700 - 3.850 đồng/kg đối với lúa thường.
Như vậy, có thể thấy rằng, trước thời điểm thu hoạch rộ vụ lúa Hè Thu, tình hình kinh doanh xuất khẩu gạo của các DN Việt Nam đang khá ảm đạm. Gần 80% lượng gạo xuất khẩu từ đầu năm đã được bán sang Trung Quốc. Với áp lực tồn kho khoảng 2,5 triệu tấn, cộng với sự bấp bênh từ các hợp đồng tiểu ngạch qua biên giới phía Bắc, một lần nữa thách thức ngành lúa gạo Việt Nam nếu không có những cải tổ triệt để thì điệp khúc “bán hay để lúa cho vịt ăn” sẽ còn tái diễn trong nhiều mùa vụ nữa.
Bài và ảnh: Thạch Bình/ Thời báo ngân hàng
Không có nhận xét nào: