Trước tình hình vi phạm trong sản xuất, kinh doanh phân bón giả, phân bón kém chất lượng diễn biến phức tạp và có xu hướng gia tăng, ảnh hưởng không nhỏ năng suất chất lượng của nhiều loại nông sản, Cục Quản lý thị trường (QLTT) - Bộ Công Thương- đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo quản lý, kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm trong lĩnh vực này.
Cần có quy định rõ ràng về mức xử phạt đối với hành vi vi phạm về phân bón không bảo đảm chất lượng
2 tháng: 89/500 vụ vi phạm
Báo cáo tại Hội nghị tổng kết đợt cao điểm kiểm tra, xử lý vi phạm trong sản xuất, kinh doanh phân bón ở 7 tỉnh miền Trung tổ chức tại TP. Quy Nhơn, tỉnh Bình Định ngày 13/6/2014 cho thấy, từ ngày 20/3 - 20/5/2014, Chi cục QLTT 7 tỉnh duyên hải miền Trung (từ Quảng Nam đến Bình Thuận) đã xây dựng 60 kế hoạch, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Khoa học & Công nghệ, kiểm tra, xử lý mặt hàng phân bón giả trên địa bàn, làm rõ phương thức, hành vi, thủ đoạn vi phạm tinh vi của gian thương trong lĩnh vực này.
Qua kiểm tra 500 cơ sở sản xuất - kinh doanh phân bón trên địa bàn 7 tỉnh miền Trung, lực lượng QLTT đã phát hiện, xử lý 89 vụ vi phạm. Trong đó, vi phạm về nhãn hàng hóa chiếm 26 vụ, vi phạm về đăng ký kinh doanh 7 vụ, không niêm yết giá 4 vụ, tem kiểm định hết hạn 4 vụ, không cấp hóa đơn 3 vụ, hàng lậu 2 vụ, hàng giả 1 vụ và không công bố tiêu chuẩn 1 vụ.
Những tỉnh có số vụ vi phạm chiếm tỷ lệ cao như: tỉnh Quảng Nam (37%), xử phạt 11,8 triệu đồng; tỉnh Ninh Thuận (33,3%), xử phạt 13,5 triệu đồng và tỉnh Bình Định (21,8%), xử phạt 107,2 triệu đồng. Đặc biệt, tỉnh Khánh Hòa kiểm tra 79 cơ sở, nhưng không có vụ vi phạm nào.
Người dân không thể phân biệt phân bón giả bằng mắt thường
Chính phủ cần hỗ trợ văn bản pháp lý; tạo điều kiện trang bị, đào tạo chuyên môn nghiệp vụ, cấp chứng chỉ người lấy mẫu tại lực lượng QLTT mỗi địa phương; hỗ trợ kinh phí hoạt động kiểm tra, kiểm soát, lấy mẫu, giám định phân bón trong kinh phí hoạt động thường xuyên hàng năm…
Qua kiểm tra, số cơ sở sản xuất, kinh doanh mặt hàng phân bón có ý thức chấp hành các quy định của pháp luật về niêm yết giá và bán theo giá niêm yết, về hóa đơn chứng từ, nguồn gốc hàng hóa rõ ràng,… Tuy nhiên, với số cơ sở cố tình vi phạm, bị lực lượng QLTT phát hiện, xử lý, tính chất vi phạm phức tạp hơn và lực lượng QLTT đã gặp khá nhiều khó khăn. Ngoài việc các gian thương tìm cách lách luật, hình thức vi phạm ngày càng tinh vi, lực lượng QLTT còn gặp khó khăn về quy định mức xử phạt không thống nhất đối với một số hành vi vi phạm về phân bón không bảo đảm chất lượng, phân bón hết hạn sử dụng, bị đình chỉ sản xuất, đình chỉ tiêu thụ… Những Nghị định bất cập trong quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng,…
Những bài học kinh nghiệm
Một trong những khó khăn của lực lượng QLTT là lực lượng chuyên ngành quá mỏng, số cán bộ được cấp chứng chỉ lấy mẫu phân bón còn ít; quy trình lấy mẫu phân bón gửi đi mất nhiều thời gian; kết quả giám định của các trung tâm được chỉ định không thống nhất, gây khó khăn cho việc phát hiện và ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm… Việc phân biệt phân bón giả, thật không thể bằng mắt thường, trong khi máy móc, thiết bị hỗ trợ còn thiếu; chi phí mua mẫu kiểm tra, giám định cao, kinh phí hoạt động thường xuyên hàng năm không có khoản chi cho lấy mẫu, giám định,…
Mới đây nhất, UBND tỉnh Bình Định đã xử phạt hành chính Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Anh Trang 90 triệu đồng vì sản xuất, kinh doanh phân bón giả, tịch thu và tiêu hủy một lượng hàng hóa lớn. Tuy nhiên, do quá trình lấy mẫu, giám định, xác minh liên tỉnh mất nhiều thời gian, nên xử lý và ngăn chặn không kịp thời, người nông dân đã sử dụng một lượng phân lớn xuống cánh đồng…
Quỳnh Mỹ/ Báo Công Thương
Không có nhận xét nào: