Trước tình hình phức tạp trên biển Đông, nhiều nông dân lo lắng cho số phận của quả vải thiều. Nhưng rất mừng, vải thiều năm nay được giá và bắt đầu chuyển hướng thâm nhập đa dạng thị trường quốc tế.
Được giá
Ở các vùng trồng cây vải thiều của tỉnh Bắc Giang Năm, nay tuy thời tiết không thuận lợi nhưng quả vải lại rất được giá.
Theo UBND tỉnh Bắc Giang, tổng diện tích vải thiều của tình này khoảng 33.000 ha tập trung chủ yếu ở huyện Lục Ngạn, đạt sản lượng khoảng 140.000 tấn quả tươi, tăng khoảng 5 nghìn tấn so với năm 2013.
Bắc Giang đang chuyển dần sang thu hoạch trà vải muộn. Năm nay, lượng vải sớm chiếm khoảng hơn 19.000 tấn. Ngoài ra, lượng vải thiều sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP ước đạt 45.000 tấn.
Những ngày đầu mùa vải sớm, nhiều người dân Bắc Giang tỏ ra lo ngại trước diễn biến căng thẳng trên biển Đông khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam. Trong khi đó, vải tươi của Bắc Giang xuất khẩu phụ thuộc chủ yếu vào thị trường Trung Quốc.
Tuy vậy, thời điểm này lượng vải sớm đã tiêu thụ hết cách đây hai tuần, giá bán dao động từ 12.000-35.000 đồng/kg như tại các huyện Yên Thế, Lạng Giang… Các xe trữ lạnh vẫn ùn ùn chở vải về cửa khẩu Việt Nam - Trung Quốc. Các thương lái Trung Quốc thu mua vải ở tỉnh này vẫn hoạt động bình thường như mọi năm.
Trong khi đó, thời điểm này năm ngoái, giá vải có lúc xuống còn 3.000 đồng/kg quả tươi.
Theo Phòng NN&PTNT huyện Tân Yên, giá vải chín sớm ở huyện trong khoảng 12.000- 13.000 đồng/kg và được dán nhãn trước khi đưa ra thị trường.
Cá biệt, giá vải sớm ở Lục Ngạn có thời điểm thu mua đạt từ 25.000-35.000 đồng/kg.
Chị Nguyễn Hồng Khánh, Tân Yên, Bắc Giang cho hay, vải năm nay được giá nên bà con rất phấn khởi, " tuy sản lượng ba vườn vải nhà không được cao, chỉ được tầm hơn 100kg quả nhưng giá được nên cũng được an ủi phần nào".
Nhằm tạo thuận lợi và an ninh trật tự cho thương lái mua vải, UBND huyện Lục Ngạn đặt hơn 1.000 điểm cân thu mua vải và yêu cầu các chủ cân không được trừ lùi cân.
Những năm trước đây, ngoài thị trường trong nước, 95% vải thiều của Việt Nam được tiêu thụ tại thị trường Trung Quốc. Trước tình hình căng thẳng trên Biển Đông thời gian qua, UBND tỉnh Bắc Giang đã tổ chức một hội nghị tiêu thụ vải thiều tại Lào Cai và khẳng định sẽ đảm bảo an toàn cho các thương lái Trung Quốc sang thu mua vải.
Cùng với việc hỗ trợ từ các cửa khẩu của Lào Cai, cửa khẩu Hà Khẩu (Trung Quốc), các ban ngành của tỉnh lên các phương án bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông, dự trữ tiền mặt tại các ngân hàng phục vụ thương nhân đến thu mua vải, các sản phẩm phụ trợ như: Đá cây, thùng xốp... cho việc thu hoạch, đóng gói, vận chuyển vải thiều tới cửa khẩu.
Được biết, tính từ đầu vụ vải thiều năm nay đến ngày 5/6, tổng sản lượng vải tươi xuất khẩu qua các cửa khẩu ở Lào Cai đạt gần 2.700 tấn, đạt gần 1,3 triệu USD.
Tìm kiếm thị trường ngoài Trung Quốc
Năm nay, dự báo của UBND tỉnh Bắc Giang cho hay, khoảng 60% vải thiều được nội địa (tương ứng với khoảng 84.000 tấn) tại các đô thị lớn phía Bắc và một số tỉnh, thành phía Nam; 40% dành cho xuất khẩu (khoảng 56.000 tấn).
Ngoài thị trường chính là Trung Quốc, một lượng nhỏ vải thiều tươi dự kiến sẽ xuất khẩu sang một số nước như Lào, Campuchia, Singapore, Thái Lan... và chế biến xuất khẩu sang châu Âu.
Tỉnh cũng chỉ đạo các ngành chức năng cần xuất khẩu sang các thị trường lớn khác như Nhật Bản, Đài Loan, Châu Âu, Mỹ…
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Dương Văn Thái, ngoài việc tiêu thụ trong nước, để chuẩn bị đưa vải thiều sang các thị trường nước ngoài khác, tỉnh đã đăng ký bảo hộ sản phẩm tại các nước, vùng lãnh thổ như Hàn Quốc, Trung Quốc, Campuchia, Lào và Đài Loan.
"Đây là những thị trường chúng tôi đánh giá là có tiềm năng lớn"- ông Thái nói.
Tại buổi làm việc mới đây giữa Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương với UBND tỉnh Bắc Giang, một số công ty đã có kế hoạch xuất khẩu vải thiều sang các quốc gia khác. Tổng Công ty Rau quả Việt Nam cho hay, năm nay đã có 11 đoàn của Nhật Bản sang đặt hàng để đưa 3.000 tấn vải thiều sang thị trường khó tính này.
Dự báo, năm nay sản lượng vải xuất đi Nhật Bản, Hàn Quốc sẽ tăng khoảng 10%.
UBND tỉnh này cũng đề nghị, Bộ NN&PTNT và Bộ Công Thương hỗ trợ mô hình công nghệ cao như tưới phun, tưới nhỏ giọt, trồng vải theo các tiêu chuẩn GlobalGAP, VietGAP…
Đặc biệt là quan tâm đầu tư cho công nghệ bảo quản sau thu hoạch; hỗ trợ thông tin, xúc tiến thương mại, đưa chương trình xúc tiến tiêu thụ vải thiều vào trong chương trình xúc tiến thương mại quốc gia.
Để tăng thời gian bảo quản cho vải quả tươi phục vụ cho xuất khẩu, được biết thời gian qua, huyện Lục Ngạn đã phối hợp với Viện Nghiên cứu và Phát triển vùng (Bộ KHCN) áp dụng công nghệ vào bảo quản và có thể trữ vải tươi được hơn một năm với chất lượng tốt.
Với thị trường trong nước, Tổng công ty Thương mại Hà Nội cũng cam kết sẽ đưa vải thiều vào hệ thống siêu thị của mình và khuyến khích người dân Việt Nam yêu nước một cách thiết thực: mua vải thiều để ăn./.
Thái Tùng/ Báo Tổ Quốc
Không có nhận xét nào: