Sau 3 năm thực hiện dự án “Xây dựng, phát triển mô hình sản xuất vải thiều Thanh Hà đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm theo quy trình VietGap” trên địa bàn huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương, người dân vẫn đang lúng túng trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm.
Mặc dù đã đảm bảo tiêu chuẩn VietGAP vải Thanh Hà vẫn bí đầu ra
Khó ở đầu ra...
Để nâng cao chất lượng quả vải thiều, giữ vững thương hiệu vải thiều Thanh Hà trên thị trường, UBND huyện Thanh Hà đã lập dự án “Xây dựng, phát triển mô hình sản xuất vải thiều Thanh Hà đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm theo quy trình VietGap” giai đoạn 2012- 2014 và được triển khai thực hiện tại 3 xã Thanh Sơn, Thanh Khê và Thanh Thủy với diện tích 100 ha trên tổng số 4.000 ha đất trồng vải của toàn huyện. Sau 3 năm thực hiện với 530 hộ dân tham gia, dự án đã đạt được những kết quả nhất định. Năng suất bình quân đạt 10 tấn/ha, sản lượng ước đạt 1.000 tấn quả. Chất lượng quả đạt tốt hơn, mẫu mã đẹp, vỏ sáng, ít bị sâu bệnh, đặc biệt tỷ lệ quả bị sâu đục mép, đục cuống và bệnh thân hư ít hơn so với ngoài vùng dự án. Giá bán sản phẩm vải đạt tiêu chuẩn VietGAP cao hơn giá sàn từ 10- 20%, hiệu quả sản xuất vải trên đơn vị diện tích tăng 5- 10%. Đặc biệt, dự án đã trang bị cho các hộ nông dân kiến thức thực hành theo quy trình nông nghiệp tốt, áp dụng vào sản xuất, tạo ra sản phẩm nông sản có chất lượng cao.
Bà Nguyễn Thị Tuyết - Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương: "UBND tỉnh Hải Dương cần quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng cho vùng sản xuất vải thiều tập trung theo quy trình VietGAP, hỗ trợ nhân rộng dự án, đặc biệt là xây dựng quy trình sản xuất vải sớm theo VietGAP. Đồng thời, cần có chính sách thu hút DN đầu tư vào các khâu sản xuất, thu hoạch, chế biến và xây dựng thương hiệu vải thiều Thanh Hà."
Tuy nhiên, thực tế hiện nay, việc tiêu thụ sản phẩm theo VietGAP còn gặp nhiều khó khăn do thói quen tiêu dùng dễ dãi, người dân chưa hướng tới việc sử dụng sản phẩm nông nghiệp sạch, đặc biệt là các loại quả nông sản ăn tươi. Mặt khác, tình trạng trà trộn vải các nơi khác với vải thiều Thanh Hà, và vải thiều đại trà với vải thiều VietGAP đã làm cho sản xuất vải thiều nói chung và sản xuất vải thiều theo VietGAP nói riêng càng thêm khó. Khâu tiêu thụ, trừ một số doanh nghiệp tự tìm đến mua vải chất lượng cao thì phần lớn các hộ trồng vải phải tự tìm đầu ra cho sản phẩm của mình. Một yếu tố khác khiến người dân chưa mặn mà với việc trồng theo quy trình VietGAP là do giá bán sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP chưa cao hơn nhiều so với sản phẩm thông thường, nên nhiều hộ trồng vải chưa mạnh dạn áp dụng quy trình VietGAP trong sản xuất.
Cần có chính sách hỗ trợ
Ông Đỗ Văn Điều (74 tuổi) ở xóm 2, thôn Thúy Lâm, xã Thanh Sơn, huyện Thanh Hà cho biết: gia đình ông tham gia sản xuất VietGap ngay từ đầu và hiện vải của gia đình đã có chứng nhận VietGap. Tuy nhiên, với giá 5.000 đồng/kg vải thiều thì các hộ trồng vải ở đây chỉ hòa vốn, nếu bán với mức 7.000 - 8.000 đồng/kg thì người trồng vải mới có một chút công. Và vẫn điệp khúc được mùa mất giá, có những năm giá vải giảm còn 2.000 - 3.000 đồng/kg, nếu thuê người hái vải với công 200.000 - 300.000 đồng/ngày thì lỗ, người dân không buồn thu hoạch, để rụng đầy gốc.
Sản xuất vải theo tiêu chuẩn VietGAP là một hướng phát triển bền vững đối với sản xuất nông nghiệp nói chung, đặc biệt là với các loại cây ăn quả đặc sản như vải thiều. Dự kiến, trong các năm tiếp theo, huyện Thanh Hà sẽ mở rộng mô hình sản xuất vải thiều theo tiêu chuẩn VietGAP ra đại trà, phấn đấu năm 2015 có 30 - 50% diện tích trồng vải thiều được áp dụng sản xuất theo quy trình VietGAP.
Hạnh - Ngọc/ Báo Công Thương
Không có nhận xét nào: