Những ao tôm thẻ chân trắng mới thả nuôi hơn 1 tháng ở 3 xã bãi ngang là Kim Trung, Kim Đông, Kim Hải, thuộc huyện Kim Sơn (Ninh Bình) bỗng dưng chết hàng loạt không rõ nguyên nhân. Tình trạng này khiến nhiều hộ dân đứng trước nguy cơ nợ nần chồng chất.
Ao nuôi của gia đình anh Trung Văn Phán tại xóm 2, xã Kim Trung giờ chỉ còn lại vài xác tôm chết.
Nợ ngập đầu
Đến xã Kim Trung (Kim Sơn) vào thời điểm này, ở đâu chúng tôi cũng bắt gặp những ao, đầm nuôi tôm đã cạn trơ đáy, mùi tôm chết bốc lên tanh nồng. Đang vét bùn, vệ sinh ao nuôi tôm, thấy chúng tôi đến bắt chuyện, anh Trung Văn Phán ở xóm 2 buồn rầu nói: “Hàng trăm triệu đồng đầu tư vào con tôm mà chỉ sau một đêm đã trắng tay, còn gì đau xót bằng...”.
Anh Phán cho biết, đầu tháng 4, anh thả nuôi hơn 25 vạn tôm thẻ chân trắng, thời gian đầu tôm phát triển tốt, nhưng sang đầu tháng 5.2014 tôm bỗng dưng chết chìm đáy hàng loạt mà biết vì sao. Nhặt vài xác tôm còn sót lại trong ao cho chúng tôi xem, anh Phán nói mà như khóc: “Tôi có gần 20 năm kinh nghiệm nuôi tôm mà không thể cứu được tôm, 4 mẫu ao giờ chết không còn con nào, trong khi tiền vay ngân hàng, vay nặng lãi lên đến cả trăm triệu đồng?”.
Hộ anh Nguyễn Xuân Thiên (28 tuổi), cùng xã với anh Phán còn thê thảm hơn. Mới chân ướt chân ráo bước vào nghề nuôi tôm, anh Thiên chạy vạy khắp nơi vay được hơn 100 triệu đồng để thả nuôi hơn 35 vạn tôm thẻ trong 1ha ao tại khu công nghiệp của xã, nhưng đến đầu tháng 5.2014 thì tôm bắt đầu lăn ra chết. Ngồi bên ao nuôi tôm đã khô cạn, mùi tanh nồng bốc lên nồng nặc, anh Thiên than thở: “Mặc dù mới vào nghề, nhưng kỹ thuật nuôi tôm của tôi cũng không thua kém gì so với các chủ nuôi ở đây cả, nhưng thất bại lần này lớn quá, tôi khó mà vượt qua được. Hiện những hộ làm ăn lớn còn dư vốn thì đã xử lý ao nuôi và tiến hành thả lại đợt tôm mới, nhưng những hộ khó khăn, trắng tay trong đợt tôm chết vừa rồi như nhà tôi thì vẫn để ao trống, chờ sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương”.
Anh Lê Văn Luyện ở xã Kim Hải cho biết thêm: Tôm chết lần này không phải là bệnh hồng thân, viêm gan tụy… như trước đây, mà bệnh lần này rất bất thường, không có triệu chứng rõ rệt, khi chết lại chìm xuống đáy nên chưa rõ nguyên nhân cụ thể là gì.
Tôm chết vì bệnh đốm trắng?
Hiện tượng tôm chết hàng loạt tại 3 xã Kim Trung, Kim Đông, Kim Hải xảy ra đến nay đã hơn 1 tháng, hơn ai hết bà con nông dân đang mong chờ từng ngày sự hỗ trợ thiết thực từ phía chính quyền địa phương. Anh Trung Văn Phán cho biết: Đến nay gia đình tôi mới nhận được mấy kg thuốc khử trùng, còn việc quan trọng nhất là hỗ trợ vốn để dân tái đầu tư thì chưa thấy chính quyền đả động đến.
Đáng chú ý là con số thống kê diện tích tôm nuôi bị chết giữa các địa phương và ngành nông nghiệp huyện lại vênh nhau khá xa. Ông Trần Văn Công – Trưởng phòng NNPTNT huyện Kim Sơn cho biết: “Đến nay huyện mới nhận được báo cáo sơ bộ về diện tích tôm chết tại 3 xã Kim Trung, Kim Đông, Kim Hải, với tổng diện tích tôm chết hơn 300ha, trong đó xã Kim Hải trên 150ha, Kim Trung trên 100ha, Kim Đông gần 50ha”.
Tuy nhiên, theo số liệu báo cáo của các xã cho thấy, số diện tích tôm chết trên địa bàn còn cao hơn nhiều lần. Ông Trần Văn Nhân – Chủ tịch UBND xã Kim Trung cho biết, riêng diện tích tôm chết tại xã này (đến 25.5) đã vào khoảng 200ha với 424 hộ bị thiệt hại, chiếm 72,66% tổng diện tích thả nuôi. Từ cuối tháng 5, xã đã làm báo cáo chính thức gửi lên huyện và xin chỉ đạo sớm. Tương tự, UBND xã Kim Hải cũng cho biết, diện tích tôm chết tại đây đã lên tới 237ha, với hơn 400 hộ dân bị ảnh hưởng.
Về nguyên nhân khiến tôm chết hàng loạt, ông Công cho biết: “Hiện chúng tôi đã phối hợp với Chi cục Thú y, Chi cục Thủy sản tỉnh và UBND các xã kiểm tra thực tế, lấy mẫu bệnh phẩm gửi đi xét nghiệm và kết quả cho thấy. Phần lớn mẫu tôm chết dương tính với bệnh đốm trắng, nguyên nhân chủ yếu là do thời tiết mưa nắng thất thường. Cũng theo ông Công, huyện đã chỉ đạo 3 xã trên huy động mọi nguồn lực để khoanh vùng diện tích bị nhiễm bệnh, tránh lây sang các ao, đầm khác. Chi cục Thú y tỉnh Ninh Bình cũng đã cấp 3 tấn hóa chất Vicato cho các hộ nuôi tôm để tiến hành xử lý môi trường.
Nhiều hộ trắng tay
Theo ông Trần Văn Nhân - Chủ tịch UBND xã Kim Trung, đến nay mức dư nợ của người dân địa phương tại ngân hàng đã lên đến gần 20 tỷ đồng, trong đó phần lớn bà con vay để nuôi tôm, hộ nhiều vay cả trăm triệu, hộ ít cũng vài chục triệu. Do tôm chết hàng loạt nên nhiều hộ lâm vào cảnh trắng tay, không biết lấy gì trả nợ cho ngân hàng. Xã đã thống kê diện tích thiệt hại của từng hộ và đã gửi lên Phòng Tài chính huyện đề nghị hỗ trợ vốn cho bà con, hoặc giúp khoanh nợ vay ngân hàng để bà con quay lại sản xuất ổn định”.
Trần Quang/ Dân Việt
Không có nhận xét nào: