Ông Hồ Văn Tạo (ngụ ấp Quốc Phú, xã Quốc Thái, huyện An Phú, An Giang - giáo viên dạy môn hóa, Trường THCS Quốc Thái) đã sáng tạo ra cách nuôi ong trong bọng dừa, đem lại thu nhập gần 10 triệu đồng/tháng.
“Nghề tay trái”!
Ông Tạo đã nhiều lần thử nghiệm nuôi các loài vật khác nhau, nhưng đều không mang lại hiệu quả. Từ chỗ quen biết một gia đình nuôi ong lấy mật trong khuôn gỗ, năm 2013, ông Tạo có ý tưởng nuôi ong tầng (hay còn gọi ong mật) trong bọng dừa theo hình thức nuôi tự nhiên để lấy mật. Ban đầu, ông chỉ nuôi 1 - 2 đàn, sau đó mạnh dạn đầu tư thêm. Hiện ông Tạo sở hữu 30 đàn ong, đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho gia đình.
Từ việc quan sát tập tính sinh sống của ong trong các trụ điện dọc các ngã đường, ông nảy sinh sáng kiến nuôi ong trong bọng dừa và đầu tư phát triển mô hình này. Ông Tạo nhớ lại: “Lúc đầu nghĩ ra cách nuôi ong, nhưng không biết cách bắt ong chúa. Nhớ lại hồi học đại học, có người bạn học chung khóa. Nhà anh ấy chuyên nuôi ong lấy mật, tôi liên hệ nhờ anh chỉ cách nhận dạng và bắt ong chúa”.
Ông Tạo đang kiểm tra lượng mật để thu hoạch đúng lúc.
Lần đầu tiên đi bắt ong chứa, ông Tạo đến những trụ điện có ong xây tổ, ung khói chờ đến khi ong chúa bay ra bắt bỏ vào nón chùm lại, để khoảng 15 phút cho ong thợ tụ lại xung quanh. “Sau đó tôi xin thùng mướp đựng đem về. Mới đầu chẳng biết cách xây tổ nên sử dụng thùng đựng mì buộc ong chúa và thả ong thợ treo trên cây. Ít lâu sau ra khi kiểm tra thì thấy tổ ong đã có mật” - ông Tạo nhớ lại.
Cách làm hay
Ông Tạo so sánh: “Nuôi ong theo kiểu truyền thống trong khuôn gỗ chi phí đầu tư cao gấp nhiều lần so với nuôi trong bọng dừa nên tôi tận dụng những cây dừa năng suất không còn cao để nuôi ong. Vốn đầu tư ban đầu cho 30 ụ dừa khoảng 300.000 đồng.
Để xây tổ nuôi ong, tôi chọn những cây dừa thẳng, sau đó tiến hành cưa (chiều dài mỗi đoạn khoảng 0,6m) rồi đem phơi nắng. Trong quá trình đục phải tạo rãnh trên 1 đầu của mỗi đoạn để đặt những thanh tre cho ong xây tổ và dễ thu hoạch mật. Bên dưới khoét 1 cái lỗ bằng ngón tay cái cho ong bay ra - vào. Mỗi ụ dừa trước khi đặt phải kê lên cao khoảng 0,5m để tránh ngập nước. Trên mỗi đoạn dừa phải đậy bằng giấy bìa cứng và bọc bằng túi nylon để tránh mưa ướt”.
Nuôi ong trong bọng dừa chi phí đầu tư rất thấp, nhưng đem lại nguồn thu nhập khá cao. Hàng ngày đi dạy về, những lúc rảnh rỗi, ông Tạo thường đục những đoạn dừa để chuẩn bị tiếp tục mở rộng “nghề tay trái”. Ông Tạo kể: “Việc đục đoạn dừa không khó, chỉ cần 1 cây cưa nhỏ, 1 chiếc đục là có thể tạo ra một cái tổ cho ong. Dù được nuôi, nhưng ong vẫn mang tính hoang dã, để gần nhau chúng sẽ cắn nhau.
Do vậy, phải đặt các ụ dừa cách nhau 2 - 3m và đặt ở những nơi có nhiều cây”. Khó khăn khi nuôi ong trong bọng dừa là mỗi khi thu hoạch nếu không biết cách dễ làm rơi tổ. Ông Tạo nói: “Kèo ong sau khi thu hoạch mà không cột vào thanh tre đặt trên miệng thì dễ rớt sẽ ảnh hưởng đến đàn và năng suất. Chính vì vậy, tôi cột dây để kèo và thanh tre dính chặt vào nhau”.
Thu nhập cao hơn dạy học
Ông Tạo dạy bậc THCS, đồng lương chỉ đủ trang trải cuộc sống gia đình. Từ khi nuôi ong, cuộc sống gia đình ông khấm khá hơn. Ông Tạo cho biết, bình quân từ 20 - 25 ngày sẽ thu hoạch mật một lần. Ong nuôi chủ yếu hoàn toàn tự nhiên nên mật bán rất chạy với giá 800.000 đồng/lít. 30 ụ dừa của ông bình quân cho thu hoạch khoảng 10 lít mật/tháng nên thu nhập khoảng 10 triệu đồng/tháng. Để nâng cao năng suất và chất lượng mật ong, ông Tạo không ngừng học tập, tìm tòi, sáng tạo.
Ông Tạo đang nuôi ý định tăng số lượng bụng dừa nuôi ong lên 100 để tăng thêm thu nhập; đồng thời qua đó tạo việc làm cho lao động ở địa phương.
Công Vũ - Nguyễn Nhân/ Báo Lao Động
Không có nhận xét nào: