» » Phân bón giả: “Nóng” ở 7 tỉnh miền Trung

Từ đầu năm đến nay, khu vực miền Trung liên tiếp xảy ra các vụ việc về phân bón giả, phân bón kém chất lượng. Trước tình hình này, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường mở một đợt ra quân triệt để vào “điểm nóng” này.

Lực lượng QLTT tạm giữ 25 bao phân bón giả nhãn hiệu Đầu Trâu tại Phú Yên

89 vụ vi phạm

Thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm trong sản xuất, kinh doanh phân bón giả, phân bón kém chất lượng, từ ngày 7/4/2014, Cục Quản lý thị trường (QLTT) đã tổ chức đợt cao điểm kiểm tra và xử lý sai phạm trong sản xuất, kinh doanh phân bón tại 7 tỉnh duyên hải miền Trung. Tất cả chi cục QLTT của 7 tỉnh miền Trung từ Quảng Nam đến Ninh Thuận đều vào cuộc quyết liệt.

Qua 2 tháng kiểm tra, chi cục QLTT 7 tỉnh đã kiểm tra 500 vụ, trong đó, số vụ vi phạm 89 vụ, phạt vi phạm hành chính 54.900.000đ. Trong số 89 vụ vi phạm này, có 1 vụ làm phân bón giả, 2 vụ phân bón nhập lậu, 1 vụ không công bố tiêu chuẩn phân bón. Hành vi vi phạm chủ yếu là kinh doanh phân bón giả, nhập lậu, không công bố tiêu chuẩn, vi phạm về nhãn, Giấy đăng ký kinh doanh… Trong đó, điển hình là chi cục QLTT Bình Định kiểm tra 87 vụ, xử lý 19 vụ, chiếm 21,8% số vụ kiểm tra, vạt vi phạm hành chính 107,2 triệu đồng.

Vụ việc điển hình nhất trong 2 tháng vừa qua vẫn là vụ nông dân mua phải phân bón giả về bón dưa hấu tại Phú Yên. Theo diễn biến gần đây nhất, căn cứ theo đơn yêu cầu của Công ty CP Phân bón Bình Điền (đơn vị bị làm giả), ngày 24/2/2014, đội QLTT đã tiến hành kiểm tra mặt hàng phân bón tại Công ty TNHH Anh Trang (TP Quy Nhơn). Kết quả kiểm tra phát hiện 25 bao phân bón NPK 20.20.15 mang nhãn hiệu Đầu Trâu, tổng trọng lượng 1.220kg có dấu hiệu giả nhãn hiệu của Công ty CP phân bón Bình Điền. Đây chính là loại phân giả mà hàng chục người trồng dưa hấu ở xã Xuân Quang 1, Đồng Xuân và một số địa phương khác trong tỉnh Phú Yên mua nhầm về bón khiến dưa hấu chết hàng loạt.

Đội QLTT đã ra quyết định tạm giữ toàn bộ số phân bón trên. Qua kiểm tra, toàn bộ số phân này đều không đạt tiêu chuẩn. Ngày 8/4/2014, Đội QLTT đã lập biên bản vi phạm hành chính với Công ty Anh Trang. Ngày 18/4/2014, UBND tỉnh Bình Định đã ra quyết định xử phạt 90 triệu đồng về các hành vi buôn bán hàng giả, tịch thu và buộc tiêu hủy toàn bộ 25 bao phân bón giả nhãn hiệu Đầu Trâu.

Vẫn còn khó khăn

Ông Đỗ Thanh Lam, Phó Cục trưởng Cục QLTT cho biết, từ thực tế đợt cao điểm kiểm tra vừa qua, vẫn còn nhiều khó khăn vướng mắc trong quá trình xử lý nạn phân bón giả. Về chính sách, đến nay vẫn chưa có Thông tư hướng dẫn cụ thể các quy định về điều kiện sản xuất phân bón và các loại phân bón phải công bố hợp quy, hợp chuẩn theo Nghị định số 202/2013/NĐ-CP về quản lý phân bón. Bởi trên thực tế, có rất nhiều chủng loại, tên sản phẩm cấc lực lượng chức năng khó theo dõi, quản lý, khó phân biệt để xác định phân bón giả, phân bón kém chất lượng.

Về thực thi, việc chỉ đạo phân công nhiệm vụ của các tỉnh lại khác nhau, không thống nhất. Một số tỉnh giao Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn chủ trì, Chi cục QLTT chỉ phối hợp nên không thể chủ động triển khai kiểm tra, kiểm soát. Cũng có tỉnh thì Sở Khoa học- công nghệ lại là đơn vị chủ chốt đứng ra kiểm tra, từ chối tham gia Đoàn kiểm tra liên ngành do lực lượng QLTT chủ trì dẫn tới không thể phối hợp được. Bên cạnh đó, việc phân biệt phân bón giả, kém chất lượng do đặc thù không thể nhận biết bằng mắt thường, trong khi máy móc thiết bị hỗ trợ nhận biết còn thiếu, chi phí mua mẫu kiểm tra cao trong khi kinh phí của lực lượng QLTT mỏng dẫn tới khó khăn. Bên cạnh đó, lâu nay việc kiểm tra, kiểm soát mới chỉ dừng lại ở việc kiểm tra điều kiện kinh doanh, nguồn gốc của phân bón nhập khẩu mà chưa chú trọng đi sâu vào kiểm tra chất lượng phân bón nhập khẩu trước khi đưa vào lưu thông đã khiến việc chất lượng phân bón nhập khẩu bị “thả nổi”.

Từ thực tế trên, Cục QLTT kiến nghị, thời gian tới cần khẩn trương ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện chi tiết Nghị định 202 về quản lý phân bón; ban hành quy định về quy chuẩn, tiêu chuẩn, mức sai số cho phép đối với từng loại phân bón để có căn cứ xác định phân bón đạt chất lượng với phân bón kém chất lượng. Trình Chính phủ cho phép tăng kinh phí hoạt động kiểm tra, kiểm soát cho lực lượng QLTT, bố trí kinh phí lấy mẫu, giám định phân bón trong kinh phí thường xuyên hàng năm.

Nguyễn Duyên - Thúy Hà/ Báo Công Thương

Về Tin tức nông nghiệp

Chuyên tin tức nông nghiệp, chỉ tin tức nông nghiệp. tintucnongnghiep.com là một blog chia sẻ tin tức nông nghiệp Việt Nam và thế giới theo tiêu chí kết nối, chia sẻ và phi lợi nhuận.
«
Trước
Bài đăng Mới hơn
»
Sau
Bài đăng Cũ hơn

Không có nhận xét nào:

Chia sẻ của bạn về bài viết này: