» » Phá bỏ hàng loạt vườn cao su

Tại nhiều tỉnh thành trên cả nước, từ miền Đông đến miền Trung, người dân phá bỏ vườn cao su để chuyển sang các loại cây nông nghiệp ngắn ngày khác do giá mủ cao su giảm mạnh.

Người dân xã Vĩnh Hiền, huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị đốn hạ cây cao su để trồng cây ngắn ngày (ảnh chụp ngày 5-6)  - Ảnh: Tiến Long

Không chỉ những vườn cao su non 2-3 năm tuổi bị chặt phá, các diện tích cao su đang cho mủ cũng bị nông dân đốn bỏ không thương tiếc, số khác không được chủ vườn khai thác với lý do doanh thu mủ không đủ bù chi phí nhân công.

Chặt cao su do thu không đủ bù chi

"Mình vận động nông dân đừng chặt vì lãng phí, nhưng nhiều người bảo nếu giữ vườn cao su lại sau này giá mủ xuống thấp và bị lỗ ai sẽ bù? Do đó chúng tôi cũng chỉ phân tích và khuyến cáo, còn giữ hay chặt bỏ cao su là quyền của nông dân" Ông Nguyễn Đắc Hùng (trưởng Phòng NN&PTNT huyện Tân Biên, Tây Ninh)

Chiều tối một ngày giữa tháng 6, giữa rừng cao su của xã Vĩnh Thạch (Vĩnh Linh, Quảng Trị), những làn khói nóng, mùi hăng hắc phả vào mặt, tỏa khắp nơi. Ông Hồ Văn Thành cho biết đang đốt lớp lá khô của vườn cao su hơn 1,5ha vừa được cưa sát gốc để kịp cho máy múc gốc vào ngày hôm sau, chuẩn bị trồng cây ngắn hạn. Theo ông Thành, diện tích cao su này được trồng từ năm 1996, đang được khai thác. Tuy nhiên từ đầu năm 2014 đến nay lượng mủ ngày càng ít dần và giá giảm mạnh, chỉ còn 15.000 đồng/kg mủ tươi so với mức giá 30.000-40.000 đồng/kg cùng kỳ năm trước.

“Cả 1,5ha cao su nhưng ngày chỉ cạo được mấy chục nghìn bạc, nếu thuê người làm phải bù lỗ gần 200.000 đồng/ngày. Lỗ nặng như ri nên tui phá cao su đi mà trồng lại cây ngắn ngày” - ông Thành nói. Cũng như ông Thành, sau đợt thiệt hại nặng từ cơn bão số 10 năm 2013, nhiều hộ dân trồng cao su tiểu điền tại Quảng Trị và Quảng Bình cho biết sản lượng mủ cao su năm nay sụt giảm, mủ lại rất loãng và đặc biệt là giá chỉ còn 1/3 so với cùng thời điểm năm ngoái. Nhiều người đã quyết định phá cao su để trồng các loại cây ngắn ngày, lại phải tốn tiền thuê múc gốc (12 triệu đồng/ha), cày xới (hơn 2 triệu đồng/ha) và các loại giống, phân bón... trong khi tiền bán gỗ không đủ bù tiền dọn vườn.

Tại các tỉnh miền Đông như Bình Dương, Bình Phước và Tây Ninh, nhiều người cũng đang đua nhau chặt bỏ cây cao su, dù sắp tới chưa biết trồng cây gì thay thế. Dọc trục đường của xã Phú Chánh (Tân Uyên, Bình Dương), những đống củi cao su còn thơm mùi gỗ tươi được chất thành đống chờ bán. Đi sâu vào bên trong, tiếng máy cưa nổ rần trời, không phải từ xưởng cưa, xưởng mộc mà từ những vườn cao su đang bị người dân đốn hạ. Anh Võ Hùng Lâm (Phú Chánh, Tân Uyên), người vừa chặt bỏ 2ha cao su đang thu hoạch, cho biết giá mủ quá thấp, đến nỗi nhiều nông dân không thèm khai thác nên đành phải chặt bỏ.

“Chưa biết giá mủ lúc nào tăng trở lại, trong khi chi phí phân bón và chăm sóc ngày càng tăng nên phải phá vườn để chuyển sang cây trồng khác, nhiều người còn chặt bỏ cao su non” - anh Lâm nói. Theo ông Nguyễn Văn Thua (Tân Uyên) - chủ vườn cao su 3ha, với giá bán 8.000 đồng/kg, doanh thu bán mủ vừa đủ trả tiền công thu hoạch và chi tiêu trong gia đình, tiền chăm vườn cao su phải vay mượn thêm từ bên ngoài. “Giá mủ cao su quá thấp, có thể nói thấp nhất trong vòng mười năm qua, nên nông dân chặt bỏ vườn cao su là chuyện khó tránh khỏi” - ông Thua nói.

Bỏ khai thác, rao bán vườn cao su

Dù cao su đang vào mùa cạo mủ nhưng bà Nguyễn Thị Nga (Xuân Thạnh, Thống Nhất, Đồng Nai) quyết định không mở miệng cây để cạo, chấp nhận nuôi cây do giá mủ đang ở mức quá thấp. “Năm ngoái giá mủ tươi còn trên 12.000 đồng/lít, 2ha cao su nhà tôi thu được 50 triệu đồng nhưng chi phí đã ngốn gần một nửa. Năm nay giá mủ còn 7.000-8.000 đồng/kg, trong khi tiền công cạo 350 đồng/cây, chưa kể tiền công đổ mủ, đầu tư tô chén... tính ra tiền bán mủ không đủ tiền công thì cạo làm gì” - bà Nga than.

Theo bà Nga, vào năm 2007 khi thấy giá mủ cao su khá cao, gia đình bà đã quyết định phá bỏ 2ha sầu riêng và măng cụt đang cho thu nhập trên 70 triệu đồng/năm, trồng cao su mong đổi đời. Nhưng đổi đời đâu không thấy, giờ vào mùa mà chẳng buồn đi cạo. “Nếu vẫn còn giữ lại, vườn sầu riêng và măng cụt của gia đình tôi trong năm năm qua đem lại gần 500 triệu đồng, lại không phải chi hơn 20 triệu đồng/năm tiền phân bón chăm sóc vườn cao su. Tính ra từ khi chuyển qua trồng cao su đến nay, gia đình tôi mất đứt hơn 600 triệu đồng” - bà Nga tiếc rẻ.

Ông Bùi Văn Rải (xã Tân An, Hớn Quản, Bình Phước) càng đau hơn khi giá trị đầu tư bị teo lại chỉ sau một năm. Số là cuối năm 2010, khi giá mủ tăng cao, ông Rải chạy vạy khắp nơi để có đủ 1 tỉ đồng mua 1ha cao su con, nhưng sau hai mùa cạo chỉ đủ tiền công và phân tro, đến nay ông phải kêu bán lại với giá 500 triệu đồng nhưng chẳng ai hỏi han. “Nhiều người rao bán vườn cao su giá rẻ bằng nửa so với thời điểm cách đây 2-3 năm nhưng không ai dám mua. Mấy đứa con tôi năm ngoái còn làm công nhân cạo mủ, nhưng nay không ai kêu công nên chúng nó kéo đi làm công ty, xí nghiệp để kiếm cái ăn” - ông Rải nói.

Cạnh Nông trường cao su Dầu Giây (Đồng Nai), những năm trước hơn 60% lao động tại ấp Trần Hưng Đạo (xã Xuân Thạnh) chọn làm công nhân cạo mủ. Nhưng theo anh Võ Thế Hoàng, từng là công nhân cạo mủ, cũng như anh, hàng trăm công nhân cạo mủ đã nộp đơn nghỉ việc. “Nghỉ cạo mủ thì thất nghiệp, nhưng giờ cạo mỗi tháng chưa tới 1,5 triệu đồng, có khi chỉ được 400.000-500.000 đồng/tháng thì sao sống nổi, trong khi mấy năm trước bèo lắm mỗi tháng cũng được 3 triệu đồng” - anh Hoàng than.

Anh Trần Minh Tuấn, một công nhân cạo mủ cũng vừa nghỉ việc, cho biết do lương công nhân được tính theo giá trị mủ, nhưng giá mủ lao dốc từ mức 900 đồng/độ cách nay ba năm nay còn 280 đồng/độ nên lương cũng teo tóp theo. “Mấy năm trước vào được nông trường phải tốn kém, chờ đợi hàng tháng trời, nhưng nay ai xin là cho vào ngay vì chưa đầy hai tháng nhưng số lượng công nhân nông trường nộp đơn xin nghỉ hàng trăm người, giờ ở lại chủ yếu là công nhân lâu năm cố gắng cầm cự để đủ thâm niên nhận lương hưu sau này” - anh Tuấn nói.

Sau nhiều năm hi vọng, nhiều diện tích cao su biến thành gỗ giá “bèo” ở huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị - Ảnh: Thái Lộc

Cao su non cũng bị phá bỏ

Dọc tỉnh lộ ĐT 785 chạy từ thị trấn Tân Châu, huyện Tân Châu, Tây Ninh lên cửa khẩu biên giới Kà Tum (biên giới với Campuchia), đập vào mắt người đi đường là những đống cây cao su non vừa được nông dân chặt bỏ, xếp la liệt ven đường. Thấy chúng tôi có vẻ ngạc nhiên, ông Phạm Văn Biên (xã Tân Hội, huyện Tân Châu) cho biết do giá mủ cao su giảm mạnh, doanh thu không đủ bù chi phí khai thác, nhiều người dân khu vực này đã chặt cao su để chuyển sang trồng khoai mì.

Chỉ đống cây cao su lớn bằng cánh tay vừa chặt được 15 ngày, ông Biên cho biết gia đình ông cũng vừa phá bỏ gần 2ha cao su ba năm tuổi để trồng khoai mì. “Nếu giữ lại vườn cao su, mỗi năm phải tốn tiền phân bón trong khi giá bán mủ cao su hiện xuống thấp, nên phải chặt bỏ để trồng loại cây ngắn ngày” - ông Biên nói.

Tương tự, ông Nguyễn Văn Châu (xã Tân Hà, huyện Tân Châu) - người vừa phá bỏ gần 7ha cao su hai năm tuổi, cho biết đã đầu tư hơn 450 triệu đồng nhưng phải chặt bỏ để trồng mì do lo ngại giá mủ sẽ tiếp tục đứng ở mức thấp, trong khi chi phí chăm sóc, bón phân khá tốn kém. “Phải chờ vài năm nữa mới thu hoạch mủ cao su, mỗi năm phải tốn thêm vài chục triệu đồng cho phân bón và nhân công chăm sóc nhưng chưa biết giá mủ thế nào, trong khi khoai mì hiện đem lại lợi nhuận cao, lại là cây ngắn ngày hơn” - ông Châu nói.

Ông Nguyễn Văn Thượng - trưởng Phòng NN&PTNT huyện Tân Châu - cho biết trên địa bàn hiện có hơn 160ha cao su non bị người dân chặt bỏ, trong đó hầu như xã nào cũng có vài chục hecta cao su bị nông dân chặt bỏ để chuyển sang trồng khoai mì. Theo ông Nguyễn Đắc Hùng - trưởng Phòng NN&PTNT huyện Tân Biên, trên địa bàn hiện có 50ha cao su non bị đốn bỏ, chưa kể 360ha cây cao su đang thu hoạch cũng bị nông dân chặt hạ để chuyển sang trồng cây khác. Ngoài ra, nhiều nông dân “rong tàng, ép nhánh” cây cao su non, với diện tích hơn 124ha, để tranh thủ trồng mì khi mủ cao su đang rớt giá. “Mình vận động nông dân đừng chặt vì lãng phí, nhưng nhiều người bảo nếu giữ vườn cao su lại sau này giá mủ xuống thấp và bị lỗ ai sẽ bù? Do đó chúng tôi cũng chỉ phân tích và khuyến cáo, còn giữ hay chặt bỏ cao su là quyền của nông dân” - ông Hùng nói.

Do phụ thuộc thị trường Trung Quốc?

Ông Nguyễn Văn Minh, giám đốc Công ty TNHH MTV cao su Việt Trung (Bố Trạch, Đồng Hới, Quảng Bình), cho biết đang rất khó giải bài toán nuôi 1.400 công nhân do giá mủ cao su giảm mạnh. Theo ông Minh, sau khi lên đỉnh vào năm 2011, giá mủ cao su liên tục lao dốc trong ba năm nay, hiện chỉ còn khoảng 37,5 triệu đồng/tấn, bằng 1/3 so với mức giá vào năm 2011.

Cũng như hầu hết công ty cao su tư nhân tại khu vực miền Trung, theo ông Minh, toàn bộ lượng mủ của Công ty Việt Trung đều phải bán cho đối tác Trung Quốc qua đường tiểu ngạch, giá cả do phía Trung Quốc định đoạt. Trả lời câu hỏi vì sao không tìm thị trường khác để ký hợp đồng xuất khẩu ổn định, ông Minh cho rằng phần lớn công ty đều có sản lượng ít và thất thường, lại không có vốn trữ hàng nên có bao nhiêu đều xuất tiểu ngạch qua Trung Quốc. Mỗi lô xuất khẩu phải 1.000 tấn, trong khi sản lượng bình quân mỗi tháng rất ít, lại không ổn định. Nếu để trữ hàng cho đủ lô thì không có tiền trang trải nên đành xuất tiểu ngạch, giá thấp cũng phải bán để cầm cự.

Ngọc Hậu - Nguyễn Trí - Thái Lộc - Tiến Long/ Báo Tuổi Trẻ

Về Tin tức nông nghiệp

Chuyên tin tức nông nghiệp, chỉ tin tức nông nghiệp. tintucnongnghiep.com là một blog chia sẻ tin tức nông nghiệp Việt Nam và thế giới theo tiêu chí kết nối, chia sẻ và phi lợi nhuận.
«
Trước
Bài đăng Mới hơn
»
Sau
Bài đăng Cũ hơn

Không có nhận xét nào:

Chia sẻ của bạn về bài viết này: