Khô hạn có thể xảy ra bất cứ lúc nào trong mùa sản xuất lúa. Có nơi hạn hán trong một giai đoạn sinh trưởng nhất định (do thời tiết), có nơi còn kết hợp bởi địa hình và đất đai.
Lúa trồng trên đất cao chịu khô hạn dài và nghiêm trọng hơn so với vùng thấp. Lúa trồng trên đất cát ảnh hưởng do hạn sớm hơn lúa trồng trên đất nhiều mùn, đất sét vì đất cát giữ nước kém. Ở những vùng đất khô hạn khi trồng lúa nông dân thường chờ mưa để có đủ nước làm đất, gieo sạ và cho cây lúa phát triển. Nếu mưa không đủ hoặc lượng mưa phân bố không đồng đều, lúa sẽ bị thiếu nước.
Ảnh minh họa
Những ảnh hưởng của việc thiếu nước lên cây lúa khá nặng nề. Nếu thiếu nước trong giai đoạn sinh trưởng sẽ làm giảm năng suất lúa, còn thiếu nước giai đoạn ra hoa sẽ làm hạt lép và mất năng suất ngay cả khi cây lúa phục hồi sau khi khô hạn. Thiếu nước làm giảm khả năng hấp thu dinh dưỡng của cây lúa. Ảnh hưởng thiếu nước gây hại cho lúa nhiều hơn so với gây hại do cỏ dại. Thiếu nước không những gây ảnh hưởng đến sự phát triển mạnh của cỏ dại mà còn làm cho việc trừ cỏ gặp khó khăn.
Chính vì thế phải đặc biệt chú ý bón phân hữu cơ trên đất khô hạn, nhất là đất nghèo dinh dưỡng hoặc đất pha cát, cấu trúc đất thô. Thường những cánh đồng ruộng đất cao thì phân hữu cơ (tàn dư thực vật, phân chuồng…) có hiệu quả tốt hơn trong việc gia tăng năng suất lúa so với vùng đất thấp ít khô hạn.
Tương ứng theo đó là việc dùng ít lượng phân vô cơ hơn so với vùng đất đủ nước tưới, kết hợp với việc sử dụng các giống lúa truyền thống sẽ giúp cho năng suất lúa ổn định trong vùng khô hạn. Các tài liệu khoa học cho rằng các giống lúa truyền thống cũng cho năng suất lúa phản ứng với phân bón vô cơ như các giống lúa cải tiến nhưng yêu cầu liều lượng thấp hơn.
Phân đạm (N) và lân (P) là những yếu tố dinh dưỡng thiếu nhiều nhất trong vùng đất lúa khô hạn dựa vào nước trời, kế đến là các dinh dưỡng khác như S (lưu huỳnh), Mg (magiê) và Fe (sắt). Trong khi đó kali (K) lại không thiếu hụt nhiều.
Mức phân bón khuyến cáo trên vùng đất thấp hay khô hạn dựa vào nước trời là 60kg N + 39kg P + 18kg K tương đương với 130kg urea + 244kg lân + 30kg kali cho 1ha. Tuy nhiên trên vùng thường hay khô hạn như đất cao, pha cát, mức bón có thể giảm đến 20kg N + 13kg P + 6kg K cho 1ha. Mức bón cao cho các giống lúa truyền thống là 40:26:12kg NPK/ha (N:P2O5:K2O, kg/ha). Phân K có thể bón ít nếu phân hữu cơ và tàn dư cây trồng như rơm rạ được bón thường xuyên.
TS Nguyễn Công Thành/ Dân Việt
Không có nhận xét nào: