Những DN hiện trụ lại được với cây rau cơ bản duy trì hoạt động, số ít bắt đầu có lãi trực tiếp từ rau an toàn hoặc lãi gián tiếp qua hoạt động kinh doanh...
Hiện là thời điểm thuận lợi để các DN, tập đoàn lớn đầu tư vào RAT
Khi Hà Nội mới thí điểm các chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển rau an toàn (RAT), rất đông DN tham gia, song đa phần đều là đơn vị vừa và nhỏ nên chỉ sau thời gian đầu hoạt động rầm rộ, phần lớn đều teo tóp, rơi rớt dần. Hơn lúc nào hết, Hà Nội đang rất cần các DN lớn bắt tay vào liên kết SX, cung ứng RAT.
Đưa ra cái nhìn tổng thể, khách quan về vai trò của DN trong lĩnh vực RAT Hà Nội, ông Nguyễn Hồng Anh, Phó Chi cục trưởng Chi cục BVTV Hà Nội cho rằng, những DN hiện trụ lại được với cây rau cơ bản duy trì hoạt động, số ít bắt đầu có lãi trực tiếp từ RAT hoặc lãi gián tiếp qua các hoạt động kinh doanh phụ trợ khác.
Nhưng tất cả đều dừng lại ở quy mô nhỏ, chưa phát triển được chuỗi và hệ thống lớn, khép kín do thiếu cơ chế và nguồn lực.
Trao đổi với chúng tôi, anh Nguyễn Hữu Đạo, Giám đốc Cty CP Nông phẩm Công nghệ cao An Việt (Phúc Thọ, Hà Nội) cho biết: "Ban đầu, Cty An Việt thuê 5 ha đất với mục đích chỉ để trồng rau ăn lá, nhưng nay mới làm được 3 ha thấy khó khăn quá nên không dám mở rộng diện tích".
Theo anh Đạo, đa phần các DN làm rau hiện nay quy mô rất bé và trong tình trạng đói vốn nên nếu thất bát vài vụ coi như trắng tay. Chính vì vậy, anh Đạo phải chọn thuê đất tại xã Thanh Đa, huyện Phúc Thọ để trồng rau bởi nơi này đã được quy hoạch là vùng RAT.
Nhờ đó, Cty An Việt tự trồng rau ăn lá cộng thu mua củ, quả do bà con nông dân xã Thanh Đa (vùng SX đã được cấp giấy chứng nhận) trồng để đưa vào nhà hàng, siêu thị mới duy trì được đơn hàng ổn định và lâu dài. Nhưng anh Đạo cũng thừa nhận quy mô làm rau của mình khó có thể lớn hơn trong thời điểm và bối cảnh như hiện nay.
Đang áp dụng chính sách “lấy mạnh nuôi yếu”, anh Lê Ngọc Hoàn, Giám đốc Cty TNHH Thọ An (Thường Tín, Hà Nội) hiện dành hết lợi nhuận từ việc bán ếch giống để tái đầu tư cho lĩnh vực RAT. Cty Thọ An đang bán RAT cho nhà hàng, trường học và bếp ăn tập thể.
Anh Hoàn đúc kết, bán hàng cho siêu thị, cửa hàng sản lượng rất thất thường, lúc cao lúc thấp nên rất khó chủ động để quy hoạch SX. Bên cạnh đó, cửa hàng, siêu thị rất hay nợ tiền và thường xuyên trả lại hàng nên hầu hết các DN chỉ cung ứng rau được một thời gian là “chạy mất dép”.
Dù mỗi ngày bán ra thị trường trên 2 tấn RAT, nhưng anh Hoàn nói thật, lợi nhuận rất thấp do làm RAT phải chi phí rất lớn, từ thuê đất, nhân công, vận chuyển, sở chế đến đóng gói nên cuối cùng trừ đầu trừ đuôi gần như là hòa.
“Cty Thọ An chúng tôi đang dùng chính sách lấy lợi nhuận từ việc bán ếch giống để nuôi RAT, lấy lợi nhuận từ RAT để nuôi rau hữu cơ, lấy các bếp ăn tập thể để nuôi các cửa hàng RAT. Bản thân Cty Thọ An cũng chỉ SX các loại rau an lá còn củ, quả cũng phải nhập từ những vùng RAT đã được Hà Nội cấp giấy chứng nhận. Nếu không áp dụng biện pháp trên để làm RAT, tôi khẳng định sẽ thất bại ngay lập tức”, anh Hoàn tâm sự.
Ngành nông nghiệp đang ghi nhận rất nhiều làn sóng đầu tư từ các DN, tập đoàn kinh tế lớn, song mới chỉ tập trung vào mảng có lợi nhuận cao như giống, chế biến, cây công nghiệp, lượng thực, thực phẩm…
Trong khi, một lĩnh vực rất tiềm năng, sản lượng tiêu thụ cả nghìn tấn/ngày, liên quan trực tiếp tới bữa ăn hàng ngày của mỗi gia đình là rau xanh lại chưa được những “ông lớn” ngó ngàng tới là một điều đáng tiếc.
Quả thực, đây là thời điểm “chín muồi” để các "đại gia" bắt tay đầu tư vào làm RAT.
Là DN đi sau trong liên kết, tiêu thụ RAT, ông Chu Văn Hồi, TGĐ Cty CP XNK Nông lâm sản thực phẩm Đông Nam Á (Lĩnh Nam, Hoàng Mai) hoàn toàn đồng tình với quan điểm của những DN như An Việt hay Thọ An. Nếu chỉ kinh doanh mặt hàng RAT, ông Hồi cho rằng, ngay cả HTX cũng thất bại chứ chưa nói gì đến DN.
Qua bài học kinh nghiệm từ các đơn vị đi trước, ông Hồi chọn chính sách “lấy ngắn nuôi dài” để duy trì và phát triển. Bởi với mặt bằng thuê bán RAT tại Hà Nội đắt đỏ như hiện nay, khoản hỗ trợ 2 triệu đồng/quầy/tháng không DN nào chịu nổi, vì lãi suất từ rau rất nhỏ, bỏ tiền chẵn thu về tiền lẻ nên sẽ rơi rớt hết nếu không quản lý chặt chẽ.
Cty Đông Nam Á thành lập năm 2004, nhưng bắt tay vào thu mua, sơ chế RAT đầu năm 2009. Ngày trước, Cty của ông Hồi chủ yếu chế biến rau, dưa, cà, nấm cung cấp hệ thống các siêu thị, trường học trên địa bàn thành phố.
Nhưng qua các phương tiện thông tin đại chúng, ông nhận thấy thị trường RAT có tiềm năng nhưng vẫn bỏ trống nên bắt tay vào làm. Tận dụng các mối hàng cung cấp rau, dưa, cà… từ trước, ông Hồi liên hệ cung ứng thêm RAT và được các siêu thị chấp thuận.
“Hiện lợi nhuận từ mặt hàng RAT chỉ vừa đủ trả các chi phí thuê đất, lương nhân viên, công sơ chế, vận chuyển… hàng tháng của Cty, nhưng với tôi vậy là có lãi “chiến lược” rồi. Vì bên cạnh RAT, các mặt hàng khác của Cty là rau, dưa, cà, nấm… lợi nhuận tằng thêm 20 - 30% do bớt được công vận chuyển, sơ chế, đóng gói do có RAT "gánh hộ".
Qua đó cho thấy, nếu chỉ kinh doanh duy nhất mặt hàng RAT, dù có quản lý chặt chẽ đến đâu, DN vẫn sẽ lỗ. Với cách làm lấy ngắn nuôi dài này, chúng tôi hy vọng một vài năm nữa, khi thị trường RAT đi vào hoạt động có hệ thống và hiệu quả, lúc đó Cty có lãi cũng chưa muộn”, ông Hồi đúc kết.
Đăng Quân/ nongnghiep.vn
Không có nhận xét nào: