» » » CAS - Giải pháp công nghệ mới bảo quản vải thiều

Sản lượng lớn, chất lượng tốt song khâu bảo quản và tiêu thụ quả tươi vẫn đang là một thách thức đối với người trồng vải. Việc tìm kiếm, ứng dụng công nghệ bảo quản sẽ mở ra cơ hội cho vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang) thâm nhập các thị trường "khó tính”, tăng giá trị và hiệu quả kinh tế.

Vườn vải thiều của ông Nguyễn Đức Sơn, thôn Hiệp Tân, xã Hồng Giang (Lục Ngạn) được chọn thu mua sản phẩm để bảo quản bằng công nghệ CAS.

CAS giữ quả vải tươi lâu hàng năm 

CAS (Cells Alive System) hay "hệ thống tế bào còn sống” là công nghệ lạnh đông nhanh với chức năng CAS. CAS được sử dụng để bảo quản hải sản, nông sản và thực phẩm đạt được tiêu chí "Fresh CAS - tươi như CAS”. Nghĩa là các sản phẩm được bảo quản bằng công nghệ CAS sau một thời gian nhất định (từ 1 đến nhiều năm) sau rã đông vẫn giữ được độ tươi nguyên như vừa mới thu hoạch, giữ được cấu trúc mô - tế bào, màu sắc, hương vị, chất lượng sản phẩm. 

Nguyên lý cơ bản của công nghệ CAS là sự kết hợp giữa quá trình lạnh đông nhanh (-30 đến - 60OC) và dao động từ trường (50 Hz đến 5 MHz). Sự khác biệt của công nghệ CAS với các công nghệ lạnh đông thông thường đó là sự cùng tác động của từ trường và quá trình lạnh đông nhanh đã làm cho nước (nước tự do và nước liên kết) trong tế bào sống đóng băng ở chỉ một số rất ít phân tử, nên không phá vỡ cấu trúc tế bào và cũng không làm biến tính các hợp chất sinh học (như protid, vitamin). 

Chính điều đó và một số tác động khác của CAS đối với tế bào sống đã làm cho sản phẩm được bảo quản bằng công nghệ CAS giữ nguyên được chất lượng sau một thời gian dài (ít nhất 1 năm đến nhiều năm, tùy mục đích, như gạo có thể bảo quản được hơn 10 năm).

Vừa qua, Tập đoàn ABI (Nhật Bản) và Bộ KH&CN đã tổ chức hội thảo quốc tế "Công nghệ CAS và khả năng ứng dụng công nghệ CAS trong bảo quản hải sản và nông sản Việt Nam" với sự tham gia của các nhà khoa học trong và ngoài nước. Bộ công nghệ CAS là sáng chế độc quyền của Tập đoàn ABI Nhật Bản, được đánh giá là một công nghệ tiên tiến, tích cực nhằm đạt được, khống chế và tối ưu hóa các thông số bảo quản. 

Kết quả nghiên cứu, thử nghiệm của Bộ KH&CN tại Việt Nam với xoài cho thấy xoài đông lạnh CAS không bị hư hỏng hay giảm chất lượng trong quá trình vận chuyển. Hơn nữa lại tiết kiệm được thời gian chế biến, góp phần hạ chi phí sản xuất. Dưa vàng cũng được bảo quản với chất lượng hoàn hảo, thành phần nước trong dưa, hương thơm, vị ngọt không hề bị mất đi trong quá trình bảo quản. 

Cơ hội xuất dương vải thiều

Ông Nguyễn Đức Kiên, Giám đốc Sở KH&CN cho biết, mùa vải thiều năm 2013, Sở đã phối hợp với Viện Nghiên cứu và phát triển vùng (Bộ KH&CN) nghiên cứu, áp dụng công nghệ CAS vào bảo quản quả vải tươi. Kết quả ban đầu cho thấy, vải thiều có thể bảo quản được hơn 1 năm với chất lượng tốt. Nằm trong chương trình phối hợp của UBND tỉnh với Bộ KH&CN, bước thử nghiệm tiếp tục được thực hiện trong vụ vải thiều năm 2014. Ngày 20-6 vừa qua, 20 tấn vải thiều Lục Ngạn bảo quản bằng CAS thành công đã được xuất sang Nhật Bản. 

Ông Kiên cũng cho biết, phía Nhật Bản và Bộ KH&CN sẵn sàng chuyển giao công nghệ này cho tỉnh, chậm nhất là vào năm 2015. Đây là cơ hội, cũng là thách thức cho vải thiều Bắc Giang bởi tiêu chuẩn quả vải vào các thị trường Nhật, Âu, Mỹ phải bảo đảm sạch từ giống, chăm sóc, thu hái, bảo quản. Để ứng dụng công nghệ hiện đại này một cách rộng rãi, hiệu quả thì cần sự vào cuộc của chính quyền, các cơ quan chuyên môn và doanh nghiệp để có đủ nguồn lực tài chính, cơ sở vật chất và đặc biệt cần áp dụng quy trình chuẩn về an toàn sinh học trong sản xuất.

Theo PGS.TS Lê Tất Khương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và phát triển vùng (Bộ KH&CN) thì để đáp ứng tiêu chuẩn thu mua phục vụ bảo quản bằng CAS, vườn vải thiều của các hộ gia đình thuộc xã Hồng Giang (Lục Ngạn) phải bảo đảm sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Bởi khi sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, quả vải chín đều, có màu đỏ tươi, cùi dày, hạt nhỏ, ít sâu bệnh,   Việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật phải đúng quy trình… 

Chúng tôi đặc biệt quan tâm đến hàm lượng thuốc bảo vệ thực vật trong vườn vải,  kể cả thuốc diệt cỏ từ nơi khác bay vào vườn thì vườn vải đó cũng không được thu mua nữa. Viện đang cử 2 cán bộ tạm trú tại xã Hồng Giang để phụ trách công tác thu mua. Mỗi ngày, thu mua gần 1 tấn vải thiều để bảo quản theo công nghệ CAS Nhật Bản, giá thu mua là giá cao nhất ngoài thị trường. Vải thiều thu mua từ hộ nào sẽ được đựng riêng trong các khay có ghi rõ ngày thu hoạch, họ tên, địa chỉ chủ vườn để tiện theo dõi. Tại xã Hồng Giang hiện có 8 hộ được Viện lựa chọn thu mua vải thiều. 

Trương Thị Hồng Minh/ Báo Bắc Giang

Về Tin tức nông nghiệp

Chuyên tin tức nông nghiệp, chỉ tin tức nông nghiệp. tintucnongnghiep.com là một blog chia sẻ tin tức nông nghiệp Việt Nam và thế giới theo tiêu chí kết nối, chia sẻ và phi lợi nhuận.
«
Trước
Bài đăng Mới hơn
»
Sau
Bài đăng Cũ hơn

Không có nhận xét nào:

Chia sẻ của bạn về bài viết này: