Thời gian qua, thời tiết diễn biến phức tạp, trời âm u, mưa phùn kéo dài, nhiệt độ và ẩm độ cao, tạo điều kiện thuận lợi cho sâu bệnh phát sinh và gây hại.
Kết quả điều tra đồng ruộng của cán bộ Bảo vệ thực vật tỉnh cho thấy, hiện nay, bệnh khô vằn đã xuất hiện và gây hại trên phạm vi rộng, tốc độ lây lan nhanh, mức độ gây hại cao hơn so với cùng kỳ nhiều năm trước. Tỷ lệ bệnh trung bình 5-10%, nơi cao 20-30%/dảnh, tập trung ở các huyện Phú Bình, Phổ Yên, T.X Sông Công và T.P Thái Nguyên. Hiện, diện tích lúa bị nhiễm bệnh khô vằn là gần 3.000 ha, trong đó diện tích bị nhiễm nặng là 206 ha, cao hơn khoảng 20-30% so với cùng kỳ năm trước. Ngoài ra, bệnh đạo ôn cũng bắt đầu xuất hiện, tỷ lệ hại trung bình 3-10%/lá bị hại, nơi cao 20- 40 %/lá bị hại, cá biệt có nơi lên đến 70-80%/lá bị hại như ở huyện Phổ Yên.
Ảnh minh họa
Thời gian tới, bệnh khô vằn và đạo ôn sẽ có khả năng gây hại trên trà lúa trỗ vào đầu tháng 5. Bởi vậy, để hạn chế thấp nhất thiệt hại do bệnh đạo ôn và bệnh khô vằn gây ra, người dân cần thực hiện tốt một số biện pháp kỹ thuật. Đối với bệnh khô vằn, kiểm tra kỹ ở phần thân cây lúa, tiến hành phun thuốc trừ bệnh ở những ruộng lúa đã xuất hiện bệnh bằng một trong các loại thuốc: Validacin 3SL, 5SL, 5SP; Tilt Super 300EC…
Sau khi phun thuốc từ 5 đến 7 ngày, kiểm tra lại, nếu bệnh chưa dừng phải phun lại. Đối với bệnh đạo ôn, theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, những ruộng lúa bị đạo ôn lá nhất thiết phải phun phòng đạo ôn cổ bông (đặc biệt đối với các giống Nếp, Khanh dân, Q5, lúa lai) bằng một trong các loại thuốc đặc hiệu như Katana 20SC, Fuji - One 40 EC, 40WP… Thời điểm phun trước và sau trỗ từ 3 đến 5 ngày. Lưu ý, trong thời gian cây lúa bị bệnh tuyệt đối không sử dụng phân bón và chất kích thích sinh trưởng; lúc lúa đang trỗ chỉ được phun thuốc vào buổi chiều mát; nồng độ, liều lượng theo chỉ dẫn trên nhãn thuốc…
Tùng Lâm/ Báo Thái Nguyên
Không có nhận xét nào: