» » » Sông Công (Thái Nguyên): Chủ động phòng trừ sâu bệnh hại lúa xuân

Vụ xuân năm nay, T.X Sông Công gieo cấy được 1.200ha lúa, đạt 100% kế hoạch, trong đó diện tích cấy lúa lai là 230ha. Thời điểm này, cây lúa đang trong giai đoạn đứng cái, làm đòng, đây là giai đoạn phát triển quan trọng nhất quyết định đến năng suất, sản lượng của cả vụ. Tuy nhiên, trên địa bàn thị xã hiện đang có khoảng 700ha lúa bị nhiễm bệnh khô vằn, 50ha lúa bị nhiễm bệnh đạo ôn lá, đạo ôn cổ bông khiến bà con nông dân lo lắng.

Cán bộ Trạm bảo vệ thực vật thị xã Sông Công hướng dẫn nông dân tổ dân phố Du Tán, phường Thắng Lợi nhận biết sâu bệnh hại lúa.

Đi thăm các cánh đồng của T.X Sông Công, chúng tôi nhận thấy hầu hết các diện tích lúa đều có những biểu hiện sâu bệnh như lá lúa bị cháy, có những khóm lúa bị cháy trụi hoàn toàn, thân lúa bị ruỗng, mục…Ông Ngô Quang Thanh, ở tổ dân phố Du Tán, phường Thắng Lợi vừa vơ những khóm lá mục trên ruộng nhà mình vừa cho biết: Vụ xuân này gia đình tôi gieo cấy được 7 sào lúa bằng giống Khang Dân 18,  hiện cả 7 sào đều bị bệnh khô vằn và đạo ôn. Tôi đã phun thuốc trừ sâu 2 lần nhưng mỗi lần phun xong lại gặp mưa nên hiệu quả không cao, cây lúa đang trong giai đoạn làm đòng mà tình hình sâu bệnh lại diễn biến phức tạp như vậy tôi rất lo sẽ bị mất mùa.

Cũng tâm trạng lo lắng như ông Thanh, bà Nguyễn Thị Thắng, ở Tổ dân phố Nguyên Quán, phường Cải Đan cho hay: Gia đình tôi có 5 sào lúa xuân cấy giống Khang Dân 18 và TH3-3, cách đây khoảng 2 tuần, qua kiểm tra đồng ruộng tôi thấy lúa nhà mình xuất hiện một số dảnh héo và các đốm nâu trên lá nên đã chủ động mua thuốc trị bệnh khô vằn và đạo ôn về phun nhưng vẫn chưa trị dứt được bệnh cho lúa.

Bà Đoàn Thị Thịnh, Trạm trưởng Trạm Bảo vệ thực vật T.X Sông công cho biết: Bệnh khô vằn gây hại cho lúa có diễn biến phức tạp nhất trong khoảng 3 năm trở lại đây. Tỷ lệ gây hại trung bình từ 15-20% số dảnh, nơi cao là 50%, cá biệt có những nơi lên đến 80%. Hiện toàn thị xã có khoảng 700ha lúa bị nhiễm bệnh khô vằn, trong đó có 105ha bị nhiễm nặng. Bên cạnh đó, bệnh đạo ôn lá và đạo ôn cũng đang khiến nhiều bà con nông dân lo lắng bởi diện tích nhiễm bệnh vẫn đang tiếp tục tăng với tổng số diện tích là 50ha. Trong đó, nơi nhiễm trung bình có tỉ lệ là 3,8% số dảnh, nơi cao là 5%, cục bộ là 20%. Nguyên nhân do mưa phùn kéo dài, độ ẩm cao, tạo ra môi trường thuận lợi cho sâu bệnh sinh sôi nảy nở. Trong khi đó, bà con nông dân lại không thể phun thuốc phòng trừ kịp thời. Ngoài ra, không phải nông dân nào cũng biết đảm bảo 4 quy tắc đúng khi phun thuốc là đúng thuốc, đúng lúc, đúng liều lượng và đúng cách nên hiệu quả phòng trừ sâu bệnh không cao. 

Trạm Bảo vệ thực vật thị xã khuyến cáo, mỗi loại sâu bệnh đều có những triệu trứng và thuốc đặc trị riêng nên việc nhận biết đúng bệnh, sử dụng đúng thuốc là điều rất quan trọng. Để phòng trừ bệnh khô vằn, bà con nên tiến hành phun thuốc ở những ruộng lúa có từ 10% số dảnh bị bệnh trở lên. Đối với các ruộng lúa bị hại nặng, cần tiến hành ngắt bỏ hết các lá già ở gốc để tạo độ thông thoáng cho ruộng rồi mới tiến hành phun thuốc. Còn bệnh đạo ôn lá có tỷ lệ bệnh từ 5% trở lên cần tiến hành phun thuốc. Ngoài ra bà con nên thường xuyên kiểm tra, vệ sinh đồng ruộng; chủ động phun thuốc phòng trừ sâu bệnh kịp thời; áp dụng những biện pháp chăm sóc lúa đúng kỹ thuật...

Quỳnh Trang/ Báo Thái Nguyên

Về Tin tức nông nghiệp

Chuyên tin tức nông nghiệp, chỉ tin tức nông nghiệp. tintucnongnghiep.com là một blog chia sẻ tin tức nông nghiệp Việt Nam và thế giới theo tiêu chí kết nối, chia sẻ và phi lợi nhuận.
«
Trước
Bài đăng Mới hơn
»
Sau
Bài đăng Cũ hơn

Không có nhận xét nào:

Chia sẻ của bạn về bài viết này: